Ngân Sơn - Bắc Cạn: Đất rừng đã giao cho dân hàng chục năm, lại thu hồi

Vi Quốc Trần 03/04/2017 10:30

Năm 1977, một Đội TNXP có 120 người, cùng quê tỉnh Hà Bắc (cũ), được điều lên lao động sản xuất lương thực và trồng rừng ở vùng biên giới giáp Trung Quốc, thuộc tỉnh Cao Bằng.

Tháng 2/1979, chiến tranh biên giới ở đây xảy ra, Đội TNXP này được chuyển về khu vực Lũng Lịa (nay thuộc tiểu khu 3, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn). Tháng 6/1979, được đổi thành đội 4, thuộc Lâm trường Ngân Sơn. Do ‘’đứng chân” trên vùng đất trống, nghèo kiệt, ngoài việc bảo vệ rừng tự nhiên, Đội 4 còn phải trồng rừng, nhưng không hiệu quả. Phần vì cây giống không hợp thổ nhưỡng; phần vì nạn cháy rừng luôn xảy ra nên cuộc sống của cả trăm con người rất vất vả, thiếu thốn...

Năm 1986, Nhà nước thực hiện xóa bỏ kinh tế bao cấp, các đơn vị kinh tế quốc doanh hoạt động không hiệu quả, buộc phải giải thể hoặc chuyển cơ chế hạch toán độc lập; Lâm trường Ngân Sơn cũng trong “cơn lốc” chuyển đổi cung cách làm ăn mới. Tuy nhiên chưa kịp thích nghi nên đất đai bị bỏ hoang nhiều diện tích. Lực lượng công nhân phần lớn đi làm nghề khác để lấy tiền đóng BHXH. Số ít còn lại cùng với “bộ khung” cán bộ, nhân viên văn phòng của Lâm Trường bám trụ trồng rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi, chịu cảnh nhiều tháng không lương. Và đến tháng 3/1993, Đội 4 giải thể. Vì vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng thông ở khu vực Nậm Nàng; Vi Ba; Khau Khang, hàng năm thường xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nặng tài nguyên rừng.

Trước tình trạng nguy cơ rừng bị mất mát lớn không là chuyện “lo xa” , lãnh đạo địa phương ra chủ trương giao rừng, giao đất cho dân và cho công nhân của lâm trường, đã nghỉ hưu và mất sức... nhưng cư trú lâu dài tại chỗ. Đến nay, nhiều diện tích cây thông ở khu vực Nậm Nàng; Bản Chay; Nậm Nộc... phát triển tốt (ở độ tuổi 3 - 4 năm). Riêng 6,2 ha cây gỗ mỡ ở Bản Hùa đã ở tuổi 10 năm. Tình trạng rừng bị cháy không còn xảy ra; rừng tự nhiên phát triển tốt; rừng trồng mới theo Chương trình 327 hay 661 đạt hiệu quả.

Nhưng tưởng “ khổ tận đến ngày cam lai” đối với các hộ gia đình ông Phạm Văn Vấn; Vương Văn Thần; Nông Văn Nghinh; Đinh Văn Đức và các hộ gia đình bà An Thị Hà; Đào Thị Huệ, nguyên là công nhân Lâm trường Ngân Sơn khi được UBND huyện Ngân Sơn ra Quyết định số 03/QĐ-UB, ngày 4-11-1992, “giao đất rừng để xây dựng vườn, rừng và phát triển kinh doanh Lâm trường”. Các gia đình hăng hái nhận đất, đổ công sức trồng keo, thông theo Chương trình 327 và trồng cây ăn quả, với diện tích 39,7 ha, phát triển tốt, có thu hoạch, đạt hiệu quả kinh tể, hứa hẹn một cuộc “đổi đời”....

Thế nhưng, đùng một cái, ngày 30/11/2004, sau 12 năm (1992- 2004). lãnh đaọ Lâm trường Ngân Sơn và thị trấn Nà Phặc, đến gặp 6 hộ gia đình này, nêu ra việc thu hồi đất hiện các gia đình đang quản lý, sử dụng, với nhiều viện dẫn, trong đó có Quyết định 64/QĐ- UB- KH, ngày 13/2/1992, của UBND tỉnh Cao Bằng (thời điểm 1992, Ngân Sơn còn thuộc tỉnh Cao Bằng. Năm 1997, chuyển về Bắc Cạn), cho rằng đã giao đất trùng với đất của Lâm trường, nay thu hồi giao lại cho Lâm trường(?).Theo đó ngày 26/3/2009, UBND huyện Ngân Sơn đã ban hành các Quyết định số 568; 569;570;571;572;573, thu hồi và hủy bỏ quyết định giao đất, giao rừng, trước đó đối với 6 hộ gia đình nêu trên, với lý do “ Diện tích đất trùng vào diện tích đất Lâm trường quốc doanh - Lâm trường Ngân Sơn”.

Theo các hộ dân, việc thu hồi đất này không thuyết phục. Bởi lẽ, khi giao đất tại thực địa cho 6 hộ gia đình, có cán bộ địa chính, đại diện lãnh đạo Lâm trường Ngân Sơn, UBND thị trấn Nà Phặc...Tất cả đều không có ý kiến “trùng diện tích Lâm trường”. Chưa hết, trong các quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định giao đất, giao rừng cho 6 hộ gia đình này,có dẫn viện “căn cứ biên bản tiểu khu 3 thị trấn Nà Phặc, ngày 9/1/2004, về việc giải quyết đất Lâm trường quốc doanh Ngân Sơn”, ghi: “các hộ nhất trí trả lại Quyết định giao đất” là hoàn toàn không đúng sự thật. Đây là biên bản giả mạo. Vì toàn bộ 6 hộ gia đình này khẳng định: Không ai tham gia cuộc họp đó mà chỉ tham gia cuộc họp hòa giải, với Lâm trường Ngân Sơn, tại biên bản ngày 30/11/2004, nhưng bất thành.

Thiết nghĩ lãnh đạo các cấp hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Cạn cần sớm vào cuộc xem xét giải quyết việc UBND huyện Ngân Sơn ban hành quyết định thu hồi đất, vườn, rừng đã được Nhà nước giao cho 6 hộ gia đình nêu trên quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, nay họ có nguy cơ “trắng tay”.

Vi Quốc Trần