Giải Cánh diều trước giờ đón gió
Lễ trao giải Cánh diều 2016 sẽ được trao vào tối 9/4 tại TP Hồ Chí Minh. Những phim truyện điện ảnh dự giải sẽ được chiếu miễn phí từ 3 đến 7/4 tới đông đảo khán giả tại các rạp chiếu trong khuôn khổ hoạt động trao giải. Dẫu thế, cõ lẽ đây cũng là năm đầu tiên mà giải thưởng Cánh diều không thấy bóng dáng phim nhà nước tham dự.
Cảnh trong phim Cha cõng con.
Cuộc chơi của phim tư nhân
Có 19 phim Việt Nam tham dự giải Cánh diều 2016 ở hạng mục phim truyện điện ảnh. Đó là các phim: Sút, Tấm Cám chuyện chưa kể, Chạy đi rồi tính, Fan cuồng, Sài Gòn anh yêu em, Sứ mệnh trái tim, Chờ em đến ngày mai, 12 chòm sao vẽ đường cho hươu chạy, Cha cõng con, Nàng tiên có năm nhà, Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu... Tất cả các phim này sẽ được trình chiếu miễn phí tới đông đảo khán giả tại các rạp chiếu ở TP Hồ Chí Minh.
Trong số này có những bộ phim còn chưa ra rạp như Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng), trước đó phim mới chiếu ra mắt báo giới vào tối 31/3 tại Hà Nội. Còn phim “12 chòm sao vẽ đường cho hươu chạy” điều này, ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - Trưởng Ban tổ chức cho hay, Hội đồng có thể linh hoạt để cho các phim ra mắt vào cuối năm trước hoặc đầu năm sau có thể tham dự.
Thời điểm nhà sản xuất gửi phim đi tùy vào chiến lược của họ. Năm nay thời hạn trao giải của Cánh diều cũng được nới xa hơn, vào tháng 4 chứ không phải là giữa tháng 3 như mọi năm. Cũng có phim chưa ra rạp nhưng đã có giấy phép phổ biến như trường hợp phim Cha cõng con thì vẫn hợp lệ để tham dự.
Điều đáng lưu ý là trong số 19 bộ phim truyện điện ảnh được Ban tổ chức công bố Dự giải thưởng Cánh diều 2016, không có bóng dáng của một bộ phim nhà nước nào.
Và xâu chuỗi lại sẽ thấy thực ra ở những mùa giải trước đó, đơn cử như Cánh diều năm 2014, trao năm 2015 các phim độc lập cũng không hào hứng với Cánh diều của Hội.
Chẳng hạn như bộ phim độc lập Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), phim thể nghiệm Căn phòng của mẹ (đạo diễn Síu Phạm) - từng dành nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế và khu vực cũng không gửi tới tham dự giải thưởng.
Lý do thì có nhiều, nhưng một điều mà khán giả nhìn thấy rõ là giải thưởng của Hội dường như ngày càng kém đi sức hút. Số lượng tác phẩm dự giải đã nói lên điều ấy.
Thống kê sơ bộ năm 2015 lượng phim truyện điện ảnh kể cả nhà nước và tư nhân sản xuất lên tới gần 40 phim, nhưng số lượng phim truyện điện ảnh gửi về dự giải Cánh diều trao năm 2016 cũng chỉ là 19.
Tại sao vậy? Khi ấy đại diện của Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã lý giải: Cánh diều chỉ là một giải mang tính chất nghề nghiệp, không phải một LHP mang tầm vóc quốc gia.
Lễ trao giải Cánh diều chỉ mang tính chất lễ tổng kết sau một năm, ghi nhận thành tích của các hội viên, vinh danh những bộ phim có sự sáng tạo về mặt nghệ thuật, thông qua đó quảng bá cho điện ảnh Việt…
Tiếp tục nói không với phim Việt hóa
Trước đó, mùa giải năm 2015 Cánh diều không nhận những phim điện ảnh, truyền hình sử dụng kịch bản nước ngoài. Do đó phim Em là bà nội của anh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) - một bộ phim làm lại từ kịch bản của Hàn Quốc đã không được tham dự giải. Theo lý giải, Cánh diều là một giải thưởng của hội nghề nghiệp, đề cao tính sáng tạo, do đó sẽ không mời những phim Việt Nam “Việt hóa” kịch bản nước ngoài.
Năm nay ngoài 19 phim truyện điện ảnh tranh giải, còn có 20 phim truyền hình (tổng số 523 tập), 13 phim hoạt hình, 39 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 16 phim ngắn và 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh. Ban tổ chức cho hay tất cả hạng mục đều từ chối nhận phim dự thi có kịch bản Việt hóa nước ngoài.
Theo ông Đặng Xuân Hải, giải thưởng nhằm khích lệ nền điện ảnh trong nước, do đó các phim có kịch bản Việt hóa không phù hợp mặt bằng chung. Trong số 19 phim điện ảnh dự thi năm nay có trường hợp phim Vệ sĩ Sài Gòn, phim Việt Nam nhưng được thực hiện bởi đạo diễn người Nhật. Hội đồng sẽ cân nhắc loại tác phẩm này khỏi hạng mục về phim. Nhưng người Việt tham gia phim vẫn có thể tranh giải ở hạng mục cá nhân.
Còn chưa đầy một tuần lễ nữa, Lễ trao giải Cánh diều 2016 sẽ diễn ra. Trước thềm lễ trao giải còn đó tâm tư của cả người làm nghề và khán giả. Rằng tại thời điểm này liệu có còn hợp lý khi giải Cánh diều vẫn tiếp tục đặt ra nhiều tiêu chí chấm giải thiếu tính thuyết phục, khó thu hút được sự hưởng ứng của người làm nghề?
Cần phải thay đổi quan điểm khi cho rằng Lễ trao giải Cánh diều chỉ mang tính chất lễ tổng kết sau một năm, ghi nhận thành tích của các hội viên, vinh danh những bộ phim có sự sáng tạo về mặt nghệ thuật…
Hơn 10 năm trước, việc ra đời giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh đã được kỳ vọng là giải thưởng “Oscar của Việt Nam”, nhưng cho đến nay “Cánh diều” vẫn chỉ một lễ trao giải có quy mô nội bộ. Liệu Cánh diều năm 2016 được trao tới đây có thực sự là những cánh diều “no gió”? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.