Hạn chế nợ đọng bảo hiểm xã hội: Thanh tra không phải để 'soi' lỗi

Khanh Lê 04/04/2017 08:35

Tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) diễn ra nhiều năm và chưa có xu hướng giảm, ngày càng phức tạp và trầm trọng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra được xem là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm Thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm đi vào hoạt động, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm của doanh nghiệp.

Bài toán trốn đóng nợ BHXH vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.

Mức xử phạt không đủ sức răn đe

Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi năm 2014 và Nghị định của Chính phủ, từ tháng 6-2016, BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Quy định này được kì vọng là giải pháp tốt nhất để xử lý tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, theo thống kê của cơ quan BHXH cho biết, năm 2016, đã tiến hành hơn 7.500 cuộc thanh tra, kiểm tra tại gần 1.300 đơn vị. Như vậy số doanh nghiệp được thanh tra vẫn còn khá khiêm tốn.

Về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, ông Trần Đức Long cho biết: Hiện nay, những biện pháp, chế tài của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN với mức phạt còn thấp; hàng năm, số đơn vị được phối hợp thanh tra, kiểm tra chưa nhiều và chưa thường xuyên; chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra của các đoàn phối hợp còn chưa cao; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra tại cấp huyện còn rất hạn chế…

Chánh thanh tra Bộ LĐTB&XH Nguyễn Tiến Tùng cho biết, công việc của thanh tra Bộ đang bị quá tải, nên việc BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN là rất quan trọng.

Tuy nhiên, hiện vướng mắc là theo quy định, đối với những hành vi có mức phạt cao hơn 50 triệu đồng (mức quy định thuộc thẩm quyền của Giám đốc BHXH tỉnh) thì chuyển Chánh thanh tra Bộ LĐTB&XH. Song nếu chuyển như vậy thì không đủ thời hiệu để xử phạt.

Không gây khó cho doanh nghiệp

Tại Hội thảo “Tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra bảo hiểm xã hội tại Việt Nam” do BHXH Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức mới đây, ông Paguman Singh, chuyên gia quốc tế của ILO khẳng định, tình trạng trốn tránh trách nhiệm BHXH, là điều không chấp nhận được.

Vì vậy, thanh kiểm tra là phương thức của quản lý, không chỉ là phát hiện, thu hồi số tiền bảo hiểm còn nợ mà quan trọng là nâng cao công tác bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động, người hưu trí và các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội khác.

Hiện nay lực lượng thanh tra lao động ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu. Cả nước có trên 492 cán bộ thanh tra và mỗi cán bộ phải phụ trách theo dõi 100.000 lao động.

Trong khi đó, ILO khuyến nghị các nước đang phát triển cứ 1 cán bộ thanh tra phụ trách từ 1.000- 2.000 lao động; còn với những nước phát triển thì tỉ lệ này sẽ cao hơn.

Liên quan đến câu hỏi làm sao để công tác thanh tra đạt kết quả tốt, đại diện ILO cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra bước đầu phải mang tính tư vấn, khuyến khích, cung cấp thông tin cho chủ sử dụng lao động và NLĐ về việc tuân thủ các quy định của pháp luật, sau đó mới đến xử phạt hành chính và các hình thức xử phạt cao hơn .

Vì thế, “cán bộ thanh kiểm tra phải kiểm tra, giám sát cẩn trọng, kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận, đề xuất định hướng chính sách, quy trình phù hợp cho cấp cơ sở. Qua thanh kiểm tra để cung cấp thông tin hỗ trợ NLĐ hiểu được quy định pháp luật, kịp thời phản ánh những bất cập của pháp luật trong thực tiễn áp dụng để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh” – chuyên gia này gợi ý.

Để đảm bảo tính tuân thủ, ông Paguman Singh cho rằng, cần “thanh tra đi, thanh tra lại như trẻ con học bài”. Bên cạnh đó còn phải có thanh tra khảo sát về khả năng tuân thủ đối với các doanh nghiệp mới thành lập, thanh tra chuyên đề khi doanh nghiệp tuân thủ không tốt... để hướng dẫn, hỗ trợ, tiến tới cải thiện việc thực thi các quy định về đóng bảo hiểm.

Đồng tình, ông Nguyễn Tiến Tùng cũng cho rằng, tinh thần không phải cứ lỗi là phạt mà chủ yếu là răn đe. Chỉ phạt khi doanh nghiệp chây ỳ, “nói mãi không thực hiện”, chứ không phải gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Khanh Lê