Nhà văn cần bám sát hơi thở đời sống đương đại
Ông Võ Văn Thưởng đề nghị các nhà văn bám sát hơi thở đời sống đương đại, đi sâu phản ánh, phân tích lý giải những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra cho xã hội, trong đó có người nghệ sĩ.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Ngày 4/4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (1957 - 2017).
Đến dự buổi lễ có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành Trung ương và hơn 500 hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trong suốt 60 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật luôn ghi nhớ và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hội và các hội viên ưu tú như cách nói của nhà thơ Xuân Diệu đã “cùng xương thịt với nhân dân, cùng đổ mô hôi, cùng sôi giọt máu” với Tổ quốc, với đồng bào; bồi dưỡng, cổ vũ các tài năng văn chương; cống hiến cho đất nước, cho nhân dân nhiều tác phẩm có giá trị; phát triển nền văn học cách mạng Việt Nam thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước, dân chủ, khoa học, nhân văn, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, cốt cách con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Cùng với sự tôn trọng, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật và nhân văn, Đảng và Nhà nước cũng mong muốn văn nghệ sỹ nêu cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; dấn thân, lao động nghiêm túc, sáng tạo nhiều tác phẩm tốt, khơi dậy, thổi bùng ngọn lửa yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí và khát vọng đổi mới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội Nhà văn Việt Nam truy tặng Giải thưởng cống hiến (Đợt I) cho một số nhà văn,
nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình và dịch giả văn học đã qua đời.
Kinh nghiệm từ thực tiễn sáng tạo văn học, nghệ thuật của dân tộc và nhân loại cho thấy, chỉ khi nào nghệ sĩ dám sống đến cùng vì đất nước, vì nhân dân, phát huy tối đa tài năng nghệ thuật và trách nhiệm công dân thì khi đó mới có được những tác phẩm nghệ thuật ưu tú, phản ánh được khát vọng của nhân dân và xu thế phát triển của thời đại.
Văn học, nghệ thuật nước ta thời kỳ đổi mới đã mở rộng hơn về biên độ sáng tạo, về tư duy nghệ thuật, về quan niệm nhân sinh, vừa cố gắn phản ánh được những mặt tích cự của thực tiễn đổi mới, vừa kịp thời đấu tranh phê phán sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự suy thoái tư tưởng và biến chất của con người do thiếu tu dưỡng trong điều kiện kinh tế thị trường.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng đề nghị lãnh đạo Hội và toàn thể hội viên Hội Nhà văn tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 23 - NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về văn học, nghệ thuật; đặc biệt là Nghị quyết 33 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…
Tiếp tục đi sâu nắm bắt, sáng tạo các tác phẩm văn học ca ngợi, tôn vinh các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và nhân dân anh hùng trên tinh thần nhận thức lịch sử một cách biện chứng, sâu sắc. Độ lùi thời gian cũng như sự thay đổi về khoảng cách thẩm mỹ, thái độ chiêm nghiệm và ý thức văn hóa, sự đổi mới về bút pháp và cách tân nghệ thuật giúp cho các nhà văn của ta có thêm nhiều phát hiện và cảm xúc thẩm mỹ mới.
Bám sát hơi thở đời sống đương đại, đi sâu phản ánh, phân tích lý giải những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra cho xã hội, trong đó có người nghệ sĩ.
Ông Võ Văn Thưởng chúc mừng Hội Nhà văn Việt Nam.
Bình tĩnh, cảnh giác trước các biểu hiện, các khuynh hướng văn học thiếu lành mạnh, thậm chí độc hại, phản động. Tình trạng “thương mại hóa” văn học, nghệ thuật, chạy theo thị hiếu dễ dãi, tầm thường có nguy cơ lan rộng. Có cả những trường hợp sáng tạo tác phẩm nhằm mục đích “giải thiêng” lịch sử, “hạ bệ thần tượng”, kêu gọi “nổi loạn”…
Để không xảy ra tình trạng chệch hướng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong văn học, nghệ thuậ, rất cần vai trò tập hợp, đoàn kết, định hướng sáng tác, nghiên cứu của tổ chức Hội, của Đảng đoàn Hội Nhà văn với các hội viên và lực lượng cầm bút trong cả nước.
Cũng tại Lễ kỷ niệm, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (Khóa IX) đã truy tặng Giải thưởng cống hiến văn học (Đợt I) cho 22 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình và dịch giả văn học đã qua đời. Đây là những tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học đã có những tác phẩm, những công trình nghiên cứu và dịch thuật văn học có giá trị, để lại những dấu ấn trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam 60 năm qua, nhưng vì những lý do khác nhau, chưa được trao tặng những giải thưởng văn học tương xứng với những đóng góp của họ.