Soi lại cung cách phục vụ dân của chính quyền

Nguyên Khánh 05/04/2017 09:30

Nếu chất lượng bệnh viện công, giáo dục công được cho là hai điểm sáng của PAPI 2016 thì chỉ số tham nhũng vẫn “giữ ở thế ổn định” khi tỉ lệ người dân phải chi “lót tay” cho công chức để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chi cho giáo viên trường công cũng như xin việc vẫn tiếp tục tăng.

Để nâng cao tính phục vụ của hệ thống chính quyền các cấp, nhiều tỉnh thành đã dựa vào PAPI để soi lại cung cách phục vụ dân của chính quyền, qua đó tìm ra giải pháp hữu hiệu để giảm bớt sự phàn nàn của người dân.

Dịch vụ hành chính công đang từng bước được cải thiện.

Người dân hài lòng hơn với dịch vụ y tế và giáo dục

Sáng 4/4 Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ, Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, UNDP tổ chức công bố chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh) năm 2016.

PAPI 2016 đánh giá, dịch vụ hành chính công từng bước được cải thiện, có xu hướng tích cực. Trong sáu chỉ số nội dung, chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng mạnh nhất ở 35 tỉnh thành so với năm 2011.

Chất lượng bệnh viện công tuyến huyện/quận được người dân chấm điểm cao hơn, song đánh giá của người sử dụng dịch vụ này giữa các tỉnh, thành phố có mức chênh lệch lớn.

Một xu hướng tích cực ghi nhận được trong năm 2016 đó là số người cho rằng cần phải đưa hối lộ để tiếp cận dịch vụ y tế công cộng cấp quận/huyện giảm từ 43% năm 2015 xuống 39% năm 2016.

Ở hơn một nửa số tỉnh, TP, tỷ lệ người dân đồng tình với nhận định tích cực “không có hiện tượng vòi vĩnh từ cán bộ y tế bệnh viện tuyến huyện/quận” khoảng 27% đến 51% (tăng nhẹ so với năm 2015 là 48%) cho thấy, việc người dân phải chi trả ngoài quy định khi sử dụng dịch vụ bệnh viện tuyến huyện/quận vẫn còn khá phổ biến.

Mặc dù ghi nhận những đánh giá tích cực của người dân về giáo dục công, nhưng vấn đề “bồi dưỡng” giáo viên tiểu học công lập vẫn là thách thức lớn ở nhiều tỉnh, TP. Ở một nửa các tỉnh, TP, tỷ lệ người dân cho biết không phải chi thêm tiền để con em mình được quan tâm hơn, dao động từ 22% đến 62%.

Chỉ 3% người bị nhũng nhiễu tố giác

Vấn đề nhận được sự quan tâm hơn cả đó là chỉ số tham nhũng tại khu vực công sau nhiều năm được PAPI cảnh báo có thuyên giảm thì hầu như chỉ số này vẫn giữ ở thế “ổn định”.

PAPI 2016 chỉ rõ: Tỉ lệ người dân cho biết họ phải chi “lót tay” cho công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng lên trong năm 2016.

Chỉ có 46% người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cho rằng không cần phải “lót tay” nhưng vẫn làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong 6 năm qua.

Bên cạnh đó, khoảng 54% số người dân cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước, cao hơn tỉ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011.

Kết quả khảo sát còn cho thấy, hiện trạng vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến trong khi quyết tâm của người dân tố cáo tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ nhà nước vẫn ở mức thấp: chỉ khoảng 3% người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác. Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh của người dân tiếp tục gia tăng.

Người bị vòi vĩnh đưa hối lộ có xu hướng không tố giác nếu số tiền chưa đến 25,6 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của khảo sát năm 2015 (23,7 triệu đồng).

Một vấn nạn nữa liên quan đến tham nhũng đó là hiện tượng chạy việc, chạy chức chạy quyền. PAPI chỉ rõ: Hiện trạng “vị thân” khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trở nên trầm trọng.

Chặn tham nhũng, cách nào?

Để tăng cường kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, ông Đặng Hoàng Giang cho biết, trước mắt cần đảm bảo công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức.

Đồng thời giám sát và giảm thiểu các hành vi nhận tiền ngoài quy định khi cung ứng dịch vụ công, ngăn chặn cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi qua các hành vi như vòi vĩnh khi làm thủ tục hành chính cho người dân, sử dụng công quỹ vào mục đích cá nhân và nhận “lót tay” trong tuyển dụng nhân sự vào khu vực công.

Việc huy động người dân và toàn xã hội vào phòng chống tham nhũng cần có sự vào cuộc của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và báo chí.

Đồng thời, các cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được thực thi đầy đủ và hiệu quả để người dân có động lực tham gia phòng, chống tham nhũng”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, muốn công chức không có “cửa” vòi vĩnh phải hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người dân.

Sở dĩ TP Hồ Chí Minh luôn xếp hạng cao trong bảng tổng sắp của PAPI là bởi những năm qua chính quyền đã nỗ lực điện tử hóa hệ thống chính quyền các cấp.

Việc thực hiện chính quyền điện tử không chỉ giúp công việc chạy hơn mà còn góp phần ngăn ngừa hành vi tham nhũng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng chia sẻ Bến Tre luôn lắng nghe, dựa vào ý kiến của người dân để điều chỉnh bộ máy chính quyền, giúp chính quyền chuyển động.

Chủ tịch tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương này đã giao quyền cho người dân chấm điểm, xếp hạng chính quyền các cấp để chính quyền các cấp có cơ hội nhìn lại mình, xem mình đang ở đâu trong phục vụ nhân dân.

Hà Nội: 6 năm liên tiếp có điểm thấp nhất về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

Kết quả tổng hợp cấp tỉnh năm 2016 cho thấy, các tỉnh/thành phố Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Đà Nẵng vẫn duy trì vị trí của mình trong nhóm đạt điểm cao nhất qua 6 năm liên tiếp, từ 2011 đến 2016. Các tỉnh trong nhóm điểm thấp nhất tập trung phần lớn ở khu vực miền núi phía Bắc và cực Nam.

Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Lai Châu có tên trong nhóm đạt điểm thấp nhất cùng với Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và Kiên Giang.

Hà Nội vẫn thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất trong 6 năm liên tiếp về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và nằm trong nhóm 5 tỉnh có điểm thấp nhất về trách nhiệm giải trình với người dân.

Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam Phạm Thị Hồng

PAPI phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân thông qua MTTQ để theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động xây dựng và thực thi của bộ máy chính quyền các cấp, là kênh thông tin quan trọng để nhân dân đề xuất sáng kiến, giải pháp góp phần hoạch định và thực thi chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước.

Trong tiến trình đó, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tiến hành phản biện xã hội thể chế hóa, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quyết định… của Nhà nước trong thực hiện chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Việc nhân dân giám sát và phản biện xã hội thông qua MTTQ không chỉ phát huy quyền làm chủ của nhân dân mà còn có ý nghĩa lớn hơn đó là sự huy động, tập trung trí tuệ của khối đại đoàn kết dân tộc vào giải quyết công việc chung của cả hệ thống chính trị trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nguyên Khánh