Trước mùa tuyển sinh dạy nghề 2017: Như ngồi trên đống lửa…

Lan Hương 05/04/2017 08:15

Đây là tâm lý của không ít các trường nghề trước câu hỏi làm thế nào để “hút” học sinh học nghề trước “cơn bão” hạ điểm sàn ĐH,CĐ. Vấn đề đặt ra tại Hội nghị đánh giá công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 do Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) tổ chức ngày 4/4 tại Hà Nội.

Nhiều trường dạy nghề khó tuyển sinh (Ảnh minh họa).

Khó khăn chồng chất

Theo báo cáo của Tổng cục Dạy nghề, hiện cả nước có hơn 2 nghìn cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Kết quả tuyển sinh năm 2016, cả nước đạt hơn 2 triệu 367 nghìn người, trong đó, trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề chiếm 12%, trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 88% tổng số tuyển sinh).

Kết quả tuyển sinh đạt hơn 96% so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt trên 70%. Trong đó, các nghề thuộc khối kỹ thuật - công nghệ như nghề hàn, nghề điện, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại…có việc làm ngay sau tốt nghiệp đạt trên 80%, mức lương từ 4 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Hiện, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được mở rộng và phân bố đều ở các địa phương trên cả nước, tạo điều kiện cho người học nghề; Chương trình dạy nghề được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề cơ bản đáp ứng theo yêu cầu, nội dung đào tạo; Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng nghề đào tạo đạt tỷ lệ cao và có thu nhập ổn định…

Rõ ràng những con số trên khá khả quan, nhưng khi đề cập đến những công tác tuyển sinh năm 2017, đại diện không ít trường thẳng thắn cho biết: Dù đã chuẩn bị khá chu đáo cho công tác tuyển sinh, bên cạnh đó năm nay quy chế tuyển sinh có nhiều quy định mở, song việc tuyển sinh với các trường nghề thấp thỏm, hồi hộp và lo lắng như ra trận.

“Theo quy định năm 2017, hơn 1.000 trường CĐ, trung cấp được chuyển đổi cấp quản lý nhà nước từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ LĐTB&XH.

Tuy nhiên vào thời điểm mùa tuyển sinh 2017 đã bắt đầu, các trường CĐ,TC còn phải chờ đợi những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyển sinh từ Bộ LĐTB&XH (đến tháng 3/2017 mới có quy chế tuyển sinh) Trong khi Bộ GD-ĐT đã mở rộng đường cho thí sinh vào đại học với “n” nguyện vọng. Chúng tôi như ngồi trên đống lửa với rất nhiều băn khoăn” – Đại diện Trường Cao đẳng Cộng đồng HN giãi bày.

Cũng theo đại diện Trường Cao đẳng Cộng đồng HN, tới thời điểm hiện tại khi mà chỉ còn ít hôm nữa các em học sinh lớp 12 hoàn tất hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp và đăng ký dự thi tốt nghiệp và đăng ký nguyện vọng thì Bộ LĐTB&XH/TCDN chưa tổ chức hướng nghiệp, chưa tuyên truyền đến học sinh khối THPT. Hệ quả là các trường CĐ, TC phải tự xoay sở, mạnh ai nấy làm, muôn hình muôn vẻ trong công tác tuyên truyền.

Quy định cứng nhắc, trường nghề “khó sống”

Năm 2017 chính thức thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã xóa bỏ được ranh giới giữa CĐ và CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề.

Đặc biệt đã phân cấp quản lý từ trung ương tới địa phương của ngành LĐTB&XH. Đây được coi là điểm hết sức thuận lợi cho công tác tuyên truyền chủ trương phân luồng học nghề.

Đặc biệt Luật Giáo dục nghề nghiệp chính thức được áp dụng và Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong đó có Quy chế tuyển sinh; Chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, chính sách nội trú đối với người học nghề…tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh và thu hút người học.

Song theo phản ánh từ các trường hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp chậm ban hành, có những điểm cứng nhắc chưa phù hợp làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của các trường.

“Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định nhiều chính ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút người học. Đơn cử như miễn 100% học phí với nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội yêu cầu, những nghề đặc thù.

Nhưng văn bản quy định hướng dẫn những nghề đặc thù, nghề khó tuyển sinh thì vẫn chưa có để trường có thể tư vấn cho học sinh.

Hơn nữa, các môn học chung bắt buộc cho tất cả các chương trình đào tạo tương ứng với từng trình độ do Bộ LĐTB&XH hiện tại đang quy định là cứng nhắc và không phù hợp đối với một số môn học khi xây dựng chương trình đào tạo”- đại diện Trường Cơ điện Phú Thọ cho biết.

Xã hội hóa giao quyền tự chủ cho các trường được Bộ LĐTB&XH coi là điểm đột phá trong phát triển các trường nghề hiện nay.

Song theo các trường nghề, cơ chế tự chủ trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhất là tự chủ về tuyển sinh, đào tạo và tự chủ về tài chính đang tạo ra nhiều thách thức cho các trường nghề.

Nguyên nhân không phải do các trường không chịu đổi mới, tạo đột phá về nâng cao chất lượng đào tạo mà lý do dù được giao quyền tự chủ, song các trường gặp phải không ít các hàng rào về chính sách, quy định trong khi đó công tác phân luồng học sinh chưa thực hiện tốt, hiện chỉ có 5-7% học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 30%.

Nhiều địa phương đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp ít, mang tính cầm chừng; Một bộ phận xã hội chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, quan niệm học nghề ít có tương lai, tâm lý coi trọng bằng cấp còn khá nặng nề.

Công tác hướng nghiệp trong các nhà trường trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa được quan tâm đúng mức; Nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình đạo tạo, tuyển dụng lao động…

Lan Hương