Xác định trách nhiệm cá nhân trong bồi thường oan sai
Chiều 4/4, các ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự không đúng thì người bị giữ phải được bồi thường. Nói như ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì cần quy trách nhiệm cá nhân làm sai trong tham gia bồi thường.
Chiều 4/4/2017, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Trong ảnh: Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong phát biểu ý kiến. (Phương Hoa/ TTXVN).
Chứng minh thiệt hại không cần bắt buộc
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị giữ nguyên tắc bồi thường như Luật hiện hành.
Theo đó bên cạnh cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thì cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời, bổ sung quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu bồi thường.
Có ý kiến tán thành nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường như Dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội, theo đó thống nhất một cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, không cho phép kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, trong quá trình tố tụng.
Còn ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, cơ quan giải quyết bồi thường trong luật chủ yếu quy định cơ quan nhà nước, còn chi phí cá nhân phải bồi thường không có.
“Như vậy lúc nào Nhà nước cũng bao hết, cho nên cán bộ cố ý làm sai còn Nhà nước đứng ra bồi thường. Do đó phải có trách nhiệm cá nhân, tức là nếu Nhà nước bố trí ngân sách bồi thường thì trách nhiệm của cá nhân liên quan bị bỏ lọt; cần quy trách nhiệm cá nhân làm sai trong tham gia bồi thường”- ông Phương kiến nghị.
Theo ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên) muốn bồi thường nhanh chóng minh bạch phải xác định được trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong xác định thiệt hại, vì thời gian xác minh ảnh hưởng đến thời gian chi trả.
Trong khi đó, ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) cho rằng, trong chứng minh thiệt hại thì không ai dám chắc người phạm tội biết mình bị oan sai để mà thu thập chứng cứ cho mình và người thân để chứng minh sau này.
Cho nên cần xem xét quy định theo hướng khi thụ lý, việc chứng minh bồi thường không cần bắt buộc. Nếu cứ bắt chứng minh thiệt hại thì sau khi khởi tố mỗi gia đình phải xác định tư thế thu thập chứng cứ dù không biết mình có oan sai hay không để chứng minh.
“Thực tế những vụ oan sai vừa qua cho thấy việc chứng minh rất khó khăn, thời gian thi hành án nhiều năm mới kết luận bị oan sai cho nên hồ sơ chứng minh bồi thường không cần bắt buộc”- ông Bình cho hay.
Bồi thường cho người thân của người bị oan
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự, sau này kết luận người đó bị oan sai thì phải được bồi thường.
Vì hiện nay việc áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính trái pháp luật được bồi thường, còn trong trường hợp giữ người khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự không được bồi thường.
Như vậy nghĩa là hành chính được bồi thường mà hình sự không được bồi thường thì không được.
Cho nên việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp về sau xác định là oan sai thì phải được bồi thường để phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ông Tùng cũng đề nghị, bồi thường cho người thân của người bị oan. Hiện chỉ quy định bồi thường cho người thân của người bị oan trong trường hợp người bị oan chết.
Thực tế người thân thích có bị tổn thất về tinh thần, tổn hại sức khỏe do người thân của mình bị oan. Nếu quy định người bị oan chết mới được bồi thường thì không thỏa đáng.
Gần đây đều có bồi thường cho người thân thích của người bị tù oan. Cho nên Luật cần xem xét bổ sung về mặt tinh thần cho người thân của người bị oan, còn mức bồi thường là một khoản chung bằng ½ hay 1/3 khoản giải quyết cho người bị oan.
Theo ĐB Nguyễn Thị Thủy, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Luật vẫn trên nền luật cũ, nghĩa là người bị oan phải có yêu cầu thì mới tổ chức xin lỗi công khai, còn không có yêu cầu thì Nhà nước không xin lỗi vì cho rằng khi không có đơn yêu cầu mà Nhà nước xin lỗi làm ảnh hưởng đến danh dự cá nhân của người bị oan.
Bà Thủy cho rằng, đã là tố tụng thì phải công khai. Như việc bắt người ở nơi cư trú cũng phải có sự tham gia của người dân ở nơi cứ trú, còn bắt ở cơ quan phải có người ở nơi làm việc chứng kiến.
Như vậy mọi quá trình bắt đều có sự công khai và người khác chứng kiến, bây giờ đã kết luận là oan rồi lại yêu cầu phải có đơn yêu cầu mới xin lỗi công khai là chưa thuyết phục.