Đảng cầm quyền vì lợi ích của nhân dân

Lục Bình (ghi) 06/04/2017 08:10

“Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Lê Duẩn thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Khi Đảng gánh vác vai trò lãnh đạo chính quyền, điều lo lắng nhất của ông là làm sao tránh được hai nguy cơ nguy hiểm nhất, đó là sai lầm về đường lối và thoái hóa, biến chất, xa dời nhân dân. Bởi nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng”- nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, ông Đức Lượng chia sẻ.

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm nhà máy đóng tàu Ba Son,
TP Hồ Chí Minh, ngày 19/3/1980. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).

Không nghĩ đến nhân dân có nghĩa là tách mình ra khỏi Đảng

Trong tác phẩm nổi tiếng “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì CNXH, tiến lên giành những thắng lợi mới”, Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Giai cấp vô sản phải nắm cho được chính quyền là bởi vì nếu không đánh đổ chính quyền của giai cấp thống trị và thiết lập chuyên chính vô sản thì giai cấp vô sản không thể đưa cuộc đấu tranh giai cấp đi đến thắng lợi triệt để. Nghĩa là đi đến chỗ không những thủ tiêu được những nguyên nhân đẻ ra sự bóc lột, không những xóa bỏ được tình trạng đối kháng giai cấp mà còn xóa bỏ được cả mọi sự khác nhau về giai cấp. Không những xóa bỏ được những nguyên nhân đẻ ra sự nghèo khổ mà còn tạo ra cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc nhất của nhân dân”.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Đảng ta là Đảng cầm quyền nhưng theo đồng chí Lê Duẩn, “trách nhiệm lịch sử của đảng cầm quyền chẳng những không hề giảm nhẹ mà còn tăng lên gấp bội”. Bởi, giai cấp nào muốn nắm chính quyền phải là người tiêu biểu cho dân tộc. Người cộng sản nói đến giai cấp tức là nói đến dân tộc. Nhất là giai cấp vô sản đã nắm chính quyền thì càng phải gắn chặt với giai cấp, với dân tộc. Vì vậy, khi giành được chính quyền, Đảng không xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước thành bộ máy cai trị chỉ của một giai cấp mà là nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong bài nói “Mấy vấn đề về đảng cầm quyền” tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III năm 1974 Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Đảng ta là đảng cầm quyền, cho nên người vi phạm quyền làm chủ của dân chỉ có thể là đảng viên của Đảng, cán bộ của Nhà nước. Chuyên quyền, hống hách, ức hiếp nhân dân là phản bội lý tưởng và mục đích của Đảng. Người đảng viên ngày nào, giờ nào không nghĩ đến quyền làm chủ của nhân dân, thì ngày ấy, giờ ấy đã tự tách mình ra khỏi Đảng”. Để Đảng trong sạch, vững mạnh phải đảm bảo người vào Đảng phải đủ tiêu chuẩn, ngăn ngừa các phần tử cơ hội chui vào Đảng để chiếm quyền, tìm các vị trí béo bở để cướp đoạt tài sản, ức hiếp nhân dân. Do đó, việc thường xuyên phát triển Đảng là thu hút người ưu tú nảy nở trong phòng trào quần chúng nhất thiết phải đi đôi với kịp thời đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hóa, biến chất, ngụy trang đủ kiểu nhằm thực hiện tham vọng kiếm chác, kiếm tiền.

-Tôi đã có nhiều lần trực tiếp nghe đồng chí Lê Duẩn nói chuyện, kể chuyện về những điều trăn trở của mình khi Đảng ta cầm quyền xuất hiện nhiều phức tạp. Để giữ vững quyền lãnh đạo, cách thức cầm quyền phải thế nào để không giống các giai cấp thống trị trước đây? Làm sao để Đảng không mất dân? Làm thế nào để Đảng ta ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng với nhân dân anh hùng? Làm sao để Đảng tiên phong mãi mãi trường tồn, hành trình cùng dân tộc?”- nhà báo Đức Lượng chia sẻ.

Trọng dân, nghe dân

Trong suy nghĩ và hành động, Tổng Bí thư Lê Duẩn không quan niệm những cán bộ của Đảng là đối tượng lãnh đạo, dẫn dắt, phương tiện thực hiện mục đích của mình. Càng không phải là lớp người để người cầm quyền cai trị, cưỡng bức. Không một lời hoa mỹ,mị dân, đồng chí coi Đảng tiên phong ra đời từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, sứ mệnh vẻ vang dân tộc giao cho. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh, là cái đích phục vụ của Đảng. Đảng hướng dẫn nhân dân đi dưới ngọn cờ của mình để phấn đấu vì lợi ích của nhân dân.

-Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc đi làm việc, đi thăm đồng bào, đồng chí của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Không ở nơi nào đồng chí kể về công lao của mình. Hầu như chỉ là chuyện nuôi nấng, chở che của nhân dân, ân tình cưu mang của đồng chí, anh em. Và bất cứ lúc nào nỗi băn khoăn thường trực, canh cánh trong lòng ông là Đảng phải làm gì để không mất lòng dân, để Đảng không xa dân, dân không thờ ơ với Đảng. Nỗi lo và những điều trăn trở đó theo đồng chí đến lúc từ trần- giọng ông Lượng trầm xuống.

Có thể nói, trên cương vị là người đứng đầu đất nước, lúc nào Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng nung nấu khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng là đạo đức, là văn minh. Để làm được điều này, phải chỉnh đốn Đảng, loại ra khỏi đảng bộ phận “không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất như Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra. Muốn làm được điều này phải gần dân, biết nguyện vọng của dân. Có thể nói, dựa vào dân, phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân, hỏi dân và thật sự tin dân, lắng nghe ý kiến của dân thì nhất định nhiều vấn đề công tác xây dựng Đảng, trong đó có sự hư hỏng của một bộ phận cán bộ, đảng viên sẽ được hạn chế, khắc phục.

Từ lâu, Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng “Muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời”. Với Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng vậy. Đồng chí phân tích, dân là cội nguồn sức mạnh. Đảng mất dân, xa dân thì còn gì là Đảng cầm quyền vì vậy phải tin dân, nghe dân.

Có thể nói công tác ngăn chặn, đẩy lùi sự hư hỏng của cán bộ, đảng viên trong những năm qua, dù cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra. Vậy chúng ta bằng cách này hay cách khác phải trọng dân, nghe dân. Nhân dân hiến kế, bày cho giải pháp để công cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng thành công thì Đảng phải lắng nghe và hành động- nhà báo Đức Lượng nói.

Lục Bình (ghi)