Tranh chấp đất giếng đình Vĩnh Tuy Đoài (Hà Nội): Sẽ sớm tổ chức đối thoại
Khuôn viên đất giếng đình của di tích lịch sử văn hóa đình Vĩnh Tuy Đoài (thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhiều năm nay bị cá nhân chiếm dụng. Theo hồ sơ phóng viên báo Đại Đoàn Kết thu thập được, khu đất đang được dựng nhà bằng tôn, đánh số nhà 40 phố Vĩnh Tuy (đối diện cổng đình Vĩnh Tuy Đoài và UBND phường Vĩnh Tuy) thuộc đất giếng của đình.
Ông Dương Văn Biềng – Trưởng Ban Khánh tiết đình Vĩnh Tuy Đoài và các thành viên trong ban cho chúng tôi xem Bản đồ địa chính năm 1929 và bản đồ địa chính năm 1959 về khu vực Vĩnh Tuy đều thể hiện rõ khuôn viên đất đình Vĩnh Tuy Đoài và giếng đình.
Đến năm 1981, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy giao cho ông Vương Ngọc Sơn sử dụng làm cơ sở sản xuất đúc gang Ngọc Phong. Nhiều người dân Vĩnh Tuy đã làm đơn phản đối việc ông Chủ tịch phường cho thuê 269,84 m2 đất giếng đình trái pháp luật này. Trong văn bản giải quyết tố cáo cho người dân năm 1994, Sở Quản lý ruộng đất và Đo đạc Hà Nội đã khẳng định: “Lô đất tổ sản xuất Ngọc Phong được UBND phường Vĩnh Tuy cho phép là không đúng thẩm quyền. Việc sử dụng đất là chưa hợp pháp”.
Sau khi ông Dương Ngọc Sơn chết, ông Dương Ngọc Quang là em ruột tiếp tục giữ đất giếng đình không bàn giao lại cho UBND phường Vĩnh Tuy quản lý.
Năm 1995, Sở Quản lý ruộng đất và đo đạc TP. Hà Nội cũng xác nhận thửa đất này thuộc khuôn viên giếng đình. Ông Trần Nam Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cho biết: Ngày 4/12/2015, UBND phường Vĩnh Tuy đã có công văn số 313/UBND gửi UBND quận Hai Bà Trưng và các phòng, ban chức năng thuộc quận đề nghị cho thu hồi để tái tạo lại giếng đình, nhưng đến nay, quận chưa trả lời.
Mới đây, ngày 2/4, khi những người buôn bán mở cánh cổng tôn để lấy vật dụng bàn ghế ra để bày bán hàng trước cửa đình thì nhiều người dân quanh khu vực phố Vĩnh Tuy kéo đến. Người dân ngó vào nhà tôn thấy đó là khu vực không có ai ở. Xung quanh, bàn ghế và những vật dụng xếp bừa bãi… Khi biết tin đông người tụ tập, Công an phường Vĩnh Tuy đã đến giải tán đám đông.
Bà Dương Thị Thanh Thủy (ở gần di tích) cho biết: “Tôi cũng là người đến quan sát khu đất giếng đình. Sau khi đám đông giải tán được khoảng một giờ, bất ngờ tôi thấy bố con ông Quang và mấy thanh niên xăm trổ, đầu trọc kéo đến trước cửa nhà bấm chuông liên hồi. Mẹ tôi - Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tuổi già sức yếu thấy ầm ĩ rất kinh sợ. Tôi không dám mở cửa vì sợ xảy ra án mạng”.
Ngày 3/4, UBND phường Vĩnh Tuy tổ chức cuộc họp với Ban Khánh tiết đình Vĩnh Tuy Đoài và một số người dân trong khu vực. Ông Dương Văn Côn - Ủy viên Ban Khánh tiết đình cho biết: Tại cuộc họp, bà Đỗ Phương Nga – Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy đã phát biểu sẽ báo cáo và đề nghị làm rõ không để côn đồ đe dọa người dân. Đồng thời sẽ sớm tổ chức cuộc đối thoại giữa chính quyền với gia đình ông Dương Ngọc Quang và nhân dân để tìm ra giải pháp khôi phục lại giếng đình.
Đối thoại để tìm ra giải pháp khôi phục lại giếng đình Vĩnh Tuy Đoài cũng là niềm mong mỏi mấy chục năm nay của nhiều người dân Vĩnh Tuy.
Liên quan đến vụ việc đất đình Vĩnh Tuy Đoài bị chiếm dụng, báo Đại Đoàn Kết đã có nhiều bài viết như: “Đất đình Vĩnh Tuy Đoài, Hà Nội: Bị chiếm dụng làm dự án, bỏ hoang?” số 237 ra ngày 24/8/2016; “Chiếm đất đình để dọn cỏ” số 244 ra ngày 31-8-2016; “Đất đình Vĩnh Tuy Đoài, Hà Nội: Vì sao UBND phường Vĩnh Tuy làm cổng rào?” ngày 10/12/2016…