Nhớ về nguồn cội

Hoàng Mai 06/04/2017 08:35

Những ngày này, con dân nước Việt khắp nơi trên thế giới có nhiều hoạt động bày tỏ lòng thành kính dâng lên Vua Hùng- nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Với mỗi người Việt thì “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”. Đó cũng là ngày để những người dân Việt Nam hiểu hơn về giá trị của sự bình yên hôm nay có được chính là nhờ sự vun đắp không ngừng nghỉ của cha ông, suốt một chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Một bề dày lịch sử có những lúc êm đềm nhưng phần lớn là những giai đoạn són

Lễ hội Đền Hùng năm 2012. (Ảnh tư liệu).

Là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam, thời kỳ Hùng Vương đã góp phần xây dựng nên một nền tảng dân tộc vững chắc không chỉ về bề dày lịch sử mà cả về nền tảng văn hóa, tinh thần đa dạng, phong phú. Đặc biệt hơn nữa, thời kỳ ấy là thời kỳ khiến chúng ta tự hào và giúp ta vun đắp truyền thống anh dũng, quả cảm, yêu nước. Giỗ Tổ Hùng Vương là thời điểm để mỗi người con đất Việt nhớ về những huy hoàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta, trải qua bao giai đoạn để đi đến ngày hôm nay.

Truyền thuyết xưa kể rằng, Đức Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh được bọc trăm trứng và từ đó có 100 người con. 50 người theo cha xuống biển. 50 người theo mẹ lên non. 100 người con trở thành tổ tiên của người Bách Việt. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu được tôn làm vua nước Văn Lang mở ra một thời kỳ mới- thời kỳ Hùng Vương. Nhưng bản thân truyền thuyết đã cho thấy một sự phong phú của lịch sử Việt Nam với câu chuyện của bọc trăm trứng và những con cháu của Vua Hùng sau này đi khai phá những vùng đất mới, lập nghiệp và gây dựng nước non.

Giỗ Tổ Hùng Vương vì thế luôn là ngày lễ để mỗi người Việt trở về với cội nguồn dân tộc với một tư tưởng cao đẹp, một lối ứng xử đúng đắn để làm sao không hổ thẹn với chính mình, với tiền nhân và với con cháu mai sau. Để mỗi người Việt Nam luôn nhớ “con chim có tổ, con người có tông” và làm sao cho xứng với cha ông đi trước.

Nghĩ về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là nghĩ về sự tiếp nối của truyền thống lịch sử; để làm sao người Việt Nam mỗi thế hệ sẽ góp phần nối dài thêm truyền thống và làm phong phú hơn cho tương lai của dân tộc, của đất nước. Ngay tại cửa Đền Giếng trước thềm cuộc tiến quân trở lại giải phóng Thủ đô, tháng 9 năm 1954, khi gặp gỡ với Đại đoàn quân Tiên phong, Bác Hồ đã căn dặn các cán bộ, chiến sĩ đang chuẩn bị trở về miền xuôi: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Không phải chỉ từ thời điểm ấy mà ngay vào thời kỳ chúng ta chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 và mãi đến sau này, trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược, tư tưởng giữ nước; giữ vững những thành quả mà cha ông đã trao truyền đã được khắc sâu trong tâm trí những người con Việt Nam. Và, để có thành quả như hôm nay cũng là bởi mỗi người Việt dù ở cương vị nào vẫn luôn một lòng hướng về cái chung và đều biết phấn đấu vì mục tiêu cao nhất là: Giữ cho được nền hòa bình mà cha ông đã phải đánh đổi bằng biết bao hy sinh. Và, mục tiêu cao hơn cả là làm sao để đất nước trường tồn, phát triển, sánh kịp với các quốc gia khác trong khu vực, rồi trên thế giới.

Sự hướng về cái chung, đồng lòng vì mục tiêu chung ấy xét cho cùng cũng chính là để thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch- vị Cha già kính yêu của dân tộc. Người đã có công lớn trong việc đưa tên tuổi của Việt Nam ra với thế giới, với năm châu bốn bể bằng cuộc cách mạng long trời lở đất tháng 8 năm 1945.

Ở vào giai đoạn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, chống Pháp xâm lược đang đi vào giai đoạn cuối, năm 1951, tại Hội nghị hợp nhất hai tổ chức Việt Minh và Liên Việt- Người đã căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Mười năm sau, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ để tiến tới mục tiêu thống nhất đất nước đang vào giai đoạn ác liệt, nói chuyện tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2, Bác đã nhắc lại câu nói trên. Thực tế lịch sử cũng đã minh chứng, nhờ có sự đoàn kết, đồng lòng từ trên xuống dưới, trải qua biết bao thời kỳ lịch sử khác nhau chúng ta một dân tộc nhỏ bé, đất ít- người không nhiều nhưng đã đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược kể cả trong thời kỳ dựng nước, thời kỳ phong kiến trước đây cũng như trong lịch sử cận đại và hiện đại hôm nay. Trải qua rất nhiều những cuộc chiến cam go ấy, khi nhìn lại, mới thấy, dân ta tuy yếu về lực nhưng lại có sự đoàn kết chặt chẽ- đây là yếu tố quan trọng giúp khơi nguồn sức mạnh Việt Nam. Truyền thống ấy có trong mỗi gia đình, trong mỗi cộng đồng nhỏ và lan tỏa ra cả một cộng đồng lớn với 54 dân tộc anh em. Truyền thống ấy có được cũng là bởi chúng ta đã có những vị lãnh tụ thiên tài, những vị chỉ huy tài ba biết dựa vào dân; biết khơi gợi tinh thần đoàn kết, đồng lòng nơi dân hay nói cách khác là biết tập hợp sức mạnh của nhân dân để cùng đấu tranh cho một mục tiêu chung.

Không có sự đồng lòng, nhất trí của tất cả các dân tộc, các tôn giáo, các giới cùng hướng về mục tiêu chung- mục tiêu cao nhất của cả dân tộc thì không thể có một đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định như hôm nay. Lịch sử đã cho chúng ta thấy điều đó. Và lịch sử phong phú của dân tộc sẽ mãi là hệ quy chiếu cho các thế hệ hôm nay và mai sau; dù rằng, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì những đòi hỏi, những mục tiêu mà ta hướng tới cũng khác nhau. Chỉ có điều tinh thần đại đoàn kết thì thời nào cũng cần.

Nhìn về quá khứ để xây đắp hiện tại và hướng tới tương lai, vào những ngày này, với mỗi người Việt Nam là một khoảnh khắc để lắng lại và nhớ nguồn cội; để mà biết sống cho ân nghĩa, thủy chung với quá khứ hào hùng với cha ông anh dũng. Và để cùng với hành trang cao đẹp, nhân văn ấy trao truyền cho đến mãi về sau để mỗi người con đất Việt biết cách mà sống đúng, sống đẹp; sống đúng trách nhiệm, bổn phận với cha ông; với những anh hùng dân tộc; những người đi trước đã nỗ lực xây đắp cho cuộc sống tốt đẹp hôm nay.

Hoàng Mai