Đồng bằng sông Cửu Long: Khẳng định vùng kinh tế năng động
Ngày 5/4, tại Vĩnh Long, VCCI Cần Thơ phối hợp với các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chia sẻ các kết quả tốt trong cải thiện PCI. Chỉ số PCI của các tỉnh ĐBSCL hiện đang tăng mạnh và từng bước khẳng định đây là vùng kinh tế năng động.
Quang cảnh hội thảo.
Chỉ số năng lực cạnh tranh tăng
Ông Trần Văn Rón- Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long cho biết: Sau 12 năm được công bố chỉ số PCI, vùng ĐBSCL luôn được đánh giá là khu vực có chất lượng điều hành tốt so với các khu vực khác trên cả nước. Năm nay ĐBSCL vẫn tiếp tục có bước cải thiện, nhiều tỉnh đứng đầu các chỉ số thành phần (5/10 chỉ số) và có 6 tỉnh nằm trong nhóm tốt và rất tốt. Điều đó cho thấy ĐBSCL đang quan tâm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Cũng theo ông Trần Văn Rón: Tỉnh Vĩnh Long năm 2016 chỉ số PCI đạt 62,76 điểm, đây là năm có điểm số cao thứ 3, vị trí xếp hạng đã tăng từ thứ 19 năm 2015, lên thứ 6 các tỉnh thành trong cả nước và thứ 2 khu vực ĐBSCL, nằm trong nhóm “rất tốt”. Các tỉnh đã có nhiều nỗ lực cải tiến sáng kiến nhằm cải thiện chỉ số PCI. Vĩnh Long cũng rất chú trọng đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cải cách thủ tục hành chính làm thước đo tính minh bạch của chính quyền. Qua đó đã củng cố niềm tin của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư khi đến đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Vĩnh Long.
Năm 2015, toàn vùng ĐBSCL có tỉnh Cà Mau nằm ở nhóm mức thấp nhưng năm 2016, Cà Mau đã vượt lên ở nhóm có chỉ số PCI ở mức trung bình. Năm 2015, toàn vùng có 1 tỉnh đạt mức rất tốt thì năm 2016 toàn vùng đã có tới 2 tỉnh đạt mức rất tốt là Đồng Tháp (đứng thứ 3) và Vĩnh Long (đứng thứ 6 của cả nước). Sóc Trăng, tuy mỗi năm chỉ tổ chức khoảng 2 lần đối thoại với doanh nghiệp song mỗi lần đều có đầy đủ đại diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND để trả lời những vướng mắc cho DN, với những việc làm thiết thực vì cộng đồng DN, vì vậy năm 2016, tuy Sóc Trăng trụ hạng nhưng đã cải thiện về điểm số và lọt vào nhóm tốt.
Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho biết: Những năm gần đây, ĐBSCL vẫn duy trì chỉ số PCI ở mức giữa so với các vùng khác. Ông Tuấn đã chỉ ra những mặt tích cực như: Thời gian gần đây ở vùng ĐBSCL, DN tiếp cận với đất đai đã thuận lợi hơn, thủ tục hành chính nhanh chóng hơn. DN ít phải trả chi phí không chính thức. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn cho khu vực tư nhân. Vùng được đánh giá là nơi đứng đầu về tính năng động, tiên phong của chính quyền trong nhiều năm. DN được hoạt động trong môi trường pháp lý an toàn hơn.
Năm 2016, toàn vùng ĐBSCL cũng có 5 tỉnh nằm trong nhóm tốt so với 3 tỉnh của năm 2015, có 2 tỉnh nằm trong top 10 và 6 tỉnh nằm trong top 15 của cả nước. Các tỉnh ĐBSCL cũng có chỉ số hội tụ đứng đầu trong các chỉ số thành phần nhiều hơn. Cụ thể, về lĩnh vực cạnh tranh bình đẳng có 5 tỉnh trong top 10; chỉ số chi phí không chính thức có 6 tỉnh trong top 10; chỉ số chi phí thời gian có 7 tỉnh trong top 10; chỉ số tiếp cận đất đai và thiết chế pháp lý có 8 tỉnh trong top 10... Riêng tỉnh Đồng Tháp có rất nhiều nổi trội với 2 chỉ số đứng đầu cả nước và cũng xếp thứ 3 của cả nước với mức 64,96 điểm, đứng sau Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ninh.
Tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Ông Võ Hùng Dũng- Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng: Trong 12 năm đánh giá PCI các tỉnh có sự tăng giảm nhưng nhìn chung vẫn ổn định về chất lượng điều hành. Các tỉnh đã quan tâm cải cách luôn có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng, cho thấy nỗ lực của tỉnh được doanh nghiệp nhìn nhận. Tỉnh nào có chất lượng điều hành tốt sẽ phát triển được doanh nghiệp, thu hút nhiều đầu tư.
Còn ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: Thời gian tới để nâng cao năng lực cạnh tranh, ĐBSCL cần nâng cao chất lượng lao động hơn vì qua khảo sát thì hầu hết các nhóm DN đều chưa hài lòng về chất lượng lao động. Vấn đề cải thiện cung cấp thông tin cho DN vùng ĐBSCL vẫn bị cho là hạn chế hiện xếp cuối bảng. Cần tiếp tục cải cách thủ tục hàng chính và tăng cường công tác tham vấn các doanh nghiệp. Việc Đồng Tháp, An Giang đang triển khai mô hình cà phê với doanh nghiệp đang mở ra hướng tiếp cận hai chiều giữa chính quyền với DN.
Đồng Tháp được biết đến với mô hình cà phê doanh nhân, ngoài ra lãnh đạo địa phương còn trực tiếp đi cơ sở gặp gỡ tiếp xúc với DN, nông dân, lắng nghe chia sẻ và phát hiện các mô hình hay để trên cơ sở đó đưa ra chính sách phù hợp. Cách làm của Đồng Tháp là đang đi gần DN hơn nữa, qua đó nắm bắt được khó khăn uẩn khúc của DN để đưa ra chính sách phù hợp. Vì vậy Đồng Tháp đang đứng ở Top dẫn đầu về chỉ số PCI của cả nước.
Đối với số DN thành lập mới, những địa phương nào có chỉ số PCI tăng cao thì số DN được thành lập mới cũng tăng hơn những địa phương có chỉ số PCI đạt thấp. Cụ thể như tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... thời gian qua có chỉ số PCI tăng cao và ổn định nên số DN thành lập mới cũng tăng cao hơn so với các tỉnh có chỉ số PCI đạt thấp như Bạc Liêu, Cà Mau.
Ông Lê Đăng Doanh- chuyên gia kinh tế cho biết: Năng lực cạnh tranh là cuộc chạy đua, việc người này vượt lên người khác là chuyện bình thường. Để phát triển toàn diện hơn, cần đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó lấy đào tạo cho DN làm trung tâm. Các trường cần liên kết chặt chẽ với DN, giáo dục đào tạo gắn liền với sản xuất, đời sống trên đồng ruộng hay nhà máy… thu hút FDI là cần thiết song về lâu về dài phải có đội ngũ doanh nhân của người Việt Nam mới làm chủ được kinh tế.
Với những kết quả đạt được trong năm qua, sẽ là cơ hội, động lực để khích lệ các tỉnh, thành ĐBSCL tiếp tục hợp tác, đề ra các giải pháp mang tính thiết thực và hiệu quả, mang tính đột phá nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI, trở thành khu vực được đánh giá có chất lượng điều hành tốt so với các khu vực khác trên cả nước.