Đức công bố dự luật kiểm soát tin giả trên mạng xã hội
Nước Đức trong hôm 6/4 đã chính thức công bố một dự thảo về mạng xã hội có thể nhanh chóng biến quốc gia này trường hợp thử nghiệm đầu tiên trong nỗ lực chống lại sự lan tràn của các thông tin giả mạo ở phương Tây.
Ảnh minh họa.
Dự thảo luật nói trên nếu được thông qua sẽ là biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với một số mạng xã hội lớn như Facebook và Twitter, gây sức ép cho các công ty này phải nhanh chóng gỡ bỏ các thông tin giả mạo trong đó có hàm chứa yếu tố thù hận, hay các nội dung “tội phạm”, hoặc sẽ phải đối mặt với mức tiền phạt 50 triệu Euro.
Nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí về dự thảo luật trên, tạo khả năng lớn là nó sẽ được Quốc hội Đức thông qua trước kỳ bầu cử tổ chức vào tháng 9 tới.
Động thái trên được cho là phản ứng của nước Đức trước hàng loạt các thông tin giả mạo xuất hiện vào kỳ bầu cử Mỹ hồi năm ngoái, trong bối cảnh các quan chức nước này tìm cách ngăn chặn làn sóng tin giả tương tự ở châu Âu.
Tính đến thời điểm này đã xuất hiện một số thông tin giả mạo ở nước Đức. Một trong số này đưa ra cáo buộc vô căn cứ rằng một bé gái Đức gốc Nga đã bị những người tị nạn cưỡng hiếp hồi năm ngoái. Báo cáo giả mạo này được cho là nhằm vào chỉ trích chính sách mở cửa với người nhập cư và tị nạn của Thủ tướng Merkel.
Hiện Thủ tướng Merkel đang tham gia vào một chiến dịch đồ sộ nhằm tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ tư của mình.
“Những người cung cấp mạng xã hội phải chịu trách nhiệm khi nền tảng của họ bị sử dụng sai mục đích để tuyên truyền tội ác và các thông tin giả mạo” - Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas nói trong một tuyên bố.
Được biết dự luật mới nếu được thông qua sẽ chỉ được áp dụng bên trong lãnh thổ Đức, tuy nhiên ông Maas nói rằng ông sẽ thúc giục khối Liên minh châu Âu (EU) áp dụng biện pháp tương tự.
Một số quốc gia châu Âu hiện cũng đang tìm biện pháp chống lại sự trỗi dậy của thông tin giả mạo. Cộng hòa Séc mới đây còn thành lập một đơn vị đặc biệt chuyên phát hiện tin giả. Nếu dự luật ở Đức trở thành hiện thực, nó sẽ là bước đi cứng rắn nhất mà một quốc gia lớn ở phương Tây thực hiện nhằm kiểm soát các nội dung trên mạng xã hội.