Giám sát hoạt động khai thác cát sỏi: Tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm
“Song song với công bố quy hoạch thì Mặt trận ở địa bàn phải giám sát. Xã, phường nào đã ra khỏi quy hoạch rồi mà trên địa bàn vẫn xảy ra vi phạm thì phải báo cáo để xử lý. MTTQ phải giám sát quyết liệt vấn đề này, tập trung từ nay tới cuối năm, không cho phát sinh các trường hợp trái phép khi đã công bố quy hoạch".
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp kiểm tra thực địa tại bến trung chuyển và tập kết vật liệu xây dựng. Ảnh: Thành Trung.
Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp kiểm tra thực địa tại bến trung chuyển và tập kết vật liệu xây dựng của hộ kinh doanh Trần Việt Lượng (Bến cảng Tiên Tân, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) và hộ kinh doanh Nguyễn Thị Nhung (Bến số 1, xã Cẩm Bình, huyện Phúc Thọ), thuộc địa bàn TP. Hà Nội.
Chủ hộ kinh doanh Trần Việt Lượng cho biết bãi có đầy đủ hồ sơ hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hợp đồng thuê đất, giấy phép hoạt động đường thủy nội địa, hóa đơn chứng từ, hợp đồng của các đơn vị từ các điểm khai thác cát chứng minh đủ nguồn gốc hàng.
Qua giám sát hoạt động của bãi, ông Trần Việt Hoa – Trưởng thôn Thắng Lợi, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng cho biết bến bãi hoạt động đảm bảo, không hoạt động trong vòng từ tháng 6 đến tháng 10 nhằm tránh mùa lũ. Trong quá trình hoạt động, khi xe vận chuyển chở quá khổ quá tải và có rơi vãi, Ban công tác Mặt trận báo cáo UBND xã để giảm lưu lượng xe quá khổ quá tải trong địa bàn, tránh rơi vãi cát sỏi xuống đường và hộ kinh doanh phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ đường giao thông trong thôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó người dân vẫn còn phản ánh về tình trạng bụi bẩn không thể tránh khỏi.
Theo ông Trần Việt Lượng bãi chủ yếu hoạt động từ việc thu mua cát của các tàu tại các điểm khai thác cát có phép. Việc thu mua có hợp đồng, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc từ các điểm khai thác cát. Từ việc thu mua có thể kiểm soát được số lượng cát đưa lên bờ bằng việc đo đếm theo khối lượng, bằng hóa đơn, chứng từ xuất nhập hàng hóa.
Ông Trần Việt Lượng cũng đề nghị Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích đối với những hộ kinh doanh hợp pháp đồng thời có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với những bến bãi hoạt động chưa được cấp phép.
Theo đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội trong năm 2016 đã dẹp được 84 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép. Hiện Hà Nội đang quy hoạch lại các địa điểm khai thác, tập kết cát, sỏi. Trong lúc làm quy hoạch thì thành phố vẫn tiến hành rà soát, xử lý các trường hợp trái phép, sai phép tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm với quy mô lớn. Trên địa bàn huyện Đan Phượng có 10 bến bãi đã kiểm tra và cho dừng hoạt động của 9 bến bãi.
Kiểm tra bãi cát sỏi của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Nhung - Bến số 1, xã Cẩm Bình, huyện Phúc Thọ doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ các giấy tờ, thủ tục theo quy định pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cẩm Đình Đào Thị Hồng Đào cho biết Mặt trận xã luôn quan tâm, giám sát hoạt động của bãi. Khi nhận được những phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến vấn đề môi trường Mặt trận đều gặp gỡ với doanh nghiệp đề nghị đảm bảo việc giữ vệ sinh.
Vị đại diện MTTQ xã Cẩm Đình cho biết, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đều có xe nước đi tưới ngày ba lần để đảm bảo không gây bụi cho khu dân cư.
Tuy nhiên người dân cũng có phản ánh bãi của doanh nghiệp vẫn hoạt động về đêm gây ồn ào, ảnh hưởng đến người dân trong khu vực.
Trả lời Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân về tình trạng bến bãi vẫn còn hoạt động vào ban đêm, chủ doanh nghiệp Nguyễn Thị Nhung lý giải rằng, việc hoạt động vào buổi tối chỉ khi có tàu, thuyền bị nhỡ chuyến hoặc xe vận chuyển không kịp với số lượng tàu, thuyền cập bến trong ngày.
Việc bến bãi của bà Nhung hoạt động mua cát ngoài thời gian quy định từ 6 đến 18 h chính là hành vi sai phạm. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị MTTQ xã, các Ban công tác Mặt trận cần giám sát quy định này để hoạt động của doanh nghiệp không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, việc khai thác cát dù diễn ra ngày hay đêm, xa hay gần đều phải tập kết lên bờ. Một trong những biện pháp quan trọng để giám sát khai thác cát chính là từ các điểm tập kết và kinh doanh cát trên bờ.
“Cần làm rõ hiện nay trên địa bàn còn bao nhiêu điểm tập kết trung chuyển có giấy phép, các điểm đã thực sự còn hoạt động hay không, có như vậy mới kiểm soát được việc khai thác cát” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, hiện có một số vấn đề vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi đang diễn ra. Đó là trường hợp không có giấy phép nhưng vẫn sử dụng tàu đi khai thác cát, sỏi. Các đơn vị có phép khai thác nhưng làm sai vị trí, sai giờ, sai khối lượng, quy mô. Cùng với đó là các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng không có phép nhưng vẫn tập kết và mua bán cát, sỏi. Có bến bãi được cấp phép nhưng cũng vẫn làm sai quy định. Cuối cùng là trường hợp được cấp phép nạo vét luồng nhưng hoạt động không đúng chỗ, không đúng khối lượng đã đăng ký...
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp thực hiện các biện pháp để khắc phục các vấn đề nói trên. Đối với thành phố Hà Nội để giải quyết nạn cát tặc người đứng đầu Mặt trận đề nghị lực lượng công an cần có giải pháp cụ thể giao từng quận, huyện, địa phương để xử lý 82 tụ điểm phức tạp liên quan đến cát, sỏi.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị UBND TP Hà Nội nhanh chóng hoàn thành việc quy hoạch lại các điểm khai thác, các bến bãi tập kết cát, sỏi. Trong thời gian làm quy hoạch phải tiếp tục xử lý các trường hợp vi phạm.