Giải cứu nông sản
Một nhóm sinh viên tình nguyện vừa vay tiền để mua 20 tấn dưa hấu cao gấp 6 lần thương lái để “giải cứu” dưa hấu giúp nông dân Quảng Ngãi. Nghĩa cử này thật đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái lá lành đùm lá rách của dân tộc. Tuy nhiên, cho dù điều đó thật tốt nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời không trị dứt được “căn bệnh” nan y được mùa, rớt giá của nông sản.
Giúp người trồng dưa Quảng Ngãi tiêu thụ nông phẩm.
Điệp khúc trồng - chặt, được mùa rớt giá vẫn bám riết lấy nông dân Việt bao đời nay. Hết quất, vải thiều, thanh long, hành tím, chuối và dưa hấu… bị ế thừa, nông dân phải “nuốt nước mắt” đổ cho bò ăn. Không ít lần, các tổ chức, cá nhân tự phát giải cứu nông sản, hỗ trợ bà con nông dân đỡ bị thiệt hại. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Nhờ truyền thông và cộng đồng mạng, những năm gần đây, nhân dân cả nước đã nhiều lần chung tay tiêu thụ nông sản ế cho bà con. Khoảng 3,4 năm gần đây các “chiến dịch giải cứu” khoai tây, cà chua Đà Lạt, khoai lang, dưa hấu, hành tím, hành tây ủng hộ bà con miền Trung, miền Tây diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều hộ nông dân, việc được cộng đồng mạng ủng hộ trong lúc khó khăn là điều tốt nhưng chưa giúp bà con thoát khỏi nỗi ám ảnh “ế dài”.
Hẳn nhiều người chưa quên, năm ngoái, cũng vào thời điểm này, tại trụ sở Bộ Công thương (54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công đoàn Cơ quan Bộ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu đã tổ chức chương trình thiện nguyện mua dưa hấu hỗ trợ cho nông dân miền Trung. Đã có 14 tấn dưa bị ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn đã được mua và và tập kết ngay tại trụ sở của Bộ để bán giúp bà con nông dân.
Trong bối cảnh cùng nhân dân cả nước tham gia chiến dịch chung tay tiêu thụ nông sản gặp khó cho nông dân, đây được đánh giá là nghĩa cử đẹp của cán bộ, công nhân viên Bộ Công thương. Tuy nhiên, hành động trên dù đẹp vẫn chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời. Sau cứu trợ, đến hẹn nông sản lại kêu cứu bởi câu chuyện được mùa, mất giá bao năm nay vẫn là điệp khúc lặp lại khiến người nông dân khổ sở.
Điểm mặt những nguyên nhân của những bất cập ấy, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long là do khâu tổ chức các kênh phân phối hàng nông sản chưa tốt. Nông sản từ ruộng tới chợ hoặc siêu thị hiện nay phải qua quá nhiều kênh trung gian, người dân vì thế thường bị ép giá ở mức thấp nhất, lợi ích thuộc về nhà buôn, thương lái.
“Thực tế là vậy, thế nhưng chẳng có cơ quan chức năng nào đứng ra nhận trách nhiệm trước dân? Tại sao chủ trương đưa ra từ lâu nhưng sau nhiều năm, chương trình liên kết 4 ‘nhà’ (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) vẫn chưa thực sự cho hiệu quả như mong muốn?” - ông Ngô Trí Long đặt câu hỏi.
Một nguyên nhân nữa khiến nông sản luôn thường trực nguy tắc đầu ra đó là có tới 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô. Chẳng có đất nước nào như Việt Nam có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm nông nghiệp, nhưng lại chỉ trông chờ vào việc bán sản phẩm chủ yếu ở dạng thô như vậy.
Đã đến lúc Nhà nước phải xem xét lại điều này, phải đưa việc xây dựng khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản trở thành một trong những giải pháp chính để hỗ trợ tiêu thụ và giúp sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững hơn. Đáng lẽ trong bối cảnh tiêu thụ một số nông sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay, ngành chế biến phải phát huy hiệu quả, giải cứu cho nông sản thừa.
Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản của Việt Nam vẫn dẫm chân tại chỗ. Thậm chí, ngay cả một số tỉnh trọng điểm của vựa trái cây Đồng bằng sông Cửu Long cũng không có bất kỳ một doanh nghiệp nào tham gia trong lĩnh vực chế biến, đó là thực tế đáng buồn.
Trong khi đó, nhiều sản phẩm đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước, đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Do vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản là một trong những giải pháp căn cơ để phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp phải hướng đến.
Nhiều ý kiến cho rằng: “Phải tổ chức rộng rãi hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, bởi chỉ có dựa trên mô hình hợp tác xã thì mới giải quyết được bài toán sản xuất manh mún, mới có thể đưa công nghệ sản xuất hiện đại, tổ chức liên kết với doanh nghiệp dễ dàng”.
Do đó, Chính phủ cần có giải pháp lâu dài, một mặt khuyến cáo và định hướng người dân đầu tư vào loại cây trồng hợp lý. Mặt khác, Nhà nước cũng cần lên kế hoạch dự phòng nhằm hỗ trợ nông dân giải quyết nông sản ứ đọng kịp thời như tích trữ, chế biến, mở kênh tiêu thụ...
Hiện nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ là cơ hội để cánh cửa thị trường mở toang, hàng nông sản Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi để xuất khẩu.
Tuy nhiên, trước đó, nếu khâu tổ chức lưu thông hàng trong nước có vấn đề, bài toán thoát nghèo cho nông dân sẽ trở thành căn bệnh nan y khó hóa giải. Tiêu thụ nông sản chỉ trông chờ vào sự “cứu trợ” tự phát của một nhóm người sao tìm được đầu ra bền vững cho nông sản?