Rằng thương nhau cho trọn
Nằm trong khuôn khổ Hội sách 2017, chiều ngày 6/4, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), NXB TT&TT tổ chức buổi tọa đàm ra mắt tập thơ “Rằng thương nhau cho trọn” của nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn.
Buổi tọa đàm ra mắt tập thơ “Rằng thương nhau cho trọn”.
Tại buổi tọa đàm, nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn chia sẻ với bạn đọc những trải nghiệm, xúc cảm cũng như hoàn cảnh sáng tác của một số bài thơ tiêu biểu.
Nhà thơ, nhà báo Đỗ Quý Doãn thừa nhận ông chưa bao giờ nghĩ mình là nhà thơ. Nhưng trong suốt quãng thời gian đi làm báo, ông có thói quen ghi lại cảm xúc của mình, và được sự động viên của anh em bạn bè, ông in tập thơ “Rằng thương nhau cho trọn”, nếu ông được gọi là nhà thơ thì đó là một sự ưu ái.
Cũng trong chương trình, chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm”, nhà báo Đỗ Quý Doãn đã rất xúc động kể về tuổi thơ của mình. Tuổi 18 đôi mươi là lứa tuổi rất đẹp, biết yêu cũng từ tuổi này. Khi đi bộ đội, đóng quân ở Nghệ An, ông hay làm phong trào, hát cho vui. Vì không sinh ra ở Nghệ An, nên mỗi lần hát ông đều nhờ người dân ở đây dạy hò, ví giặm... Những câu hò ví giặm đã ngấm vào ông lúc nào không hay.
Cho tới khi đi học nước ngoài, vào một buổi chiều thu, nhạc sĩ Trần Hoàn nói với ông rằng nhớ quê và bảo nhà báo Đỗ Quý Doãn viết bài thơ về quê hương cho với nỗi nhớ. Bài thơ "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví giặm" ra đời và được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc ngay trong đêm đó.
Nhà thơ, nhà báo Đỗ Quý Doãn là một người con của miền quê Quảng Bình. Mặc dù, lớn lên ông không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà làm trong lĩnh vực báo chí, rồi chuyển sang công tác quản lý; nhưng có lẽ tuổi thơ của ông đã bồi đắp tâm hồn ông những suy tư, tình cảm khi nhớ về quê hương của mình với hình ảnh người mạ, người cha yêu dấu như: “Nhật Lệ chiều”, “Xa em chiều Đồng Hới”, “Trở về với Mạ”, “Mạ ơi”, “Cha”…
Với Đỗ Quý Doãn đi đến đâu, ở đâu rồi rời xa đâu cũng để thương, để nhớ lại đó. Mà nỗi nhớ nào cũng chân thành và da diết đến nao lòng. Những bài thơ của ông chứa đầy những từ yêu thương, nhớ nhung: Với Nhật Lệ thì “Nhớ chiều, nhớ biển”, “Nhớ lại thuở xưa”, “Nhớ em”. Với Đồng Hới thì “Buồn chia ly”, “Nỗi nhớ”, “Mãi đợi chờ”, “Chờ mong”. Với Huế lại “Dùng dằng xa”, “Thôi đành chia tay”, “Nhớ hoài, “Phượng đỏ cháy trời thương nhớ”... Với xứ Nghệ là “Thắm đượm tình quê”, “Răng mà thương mà nhớ”, “Xao xuyến tình đất nước”...
Thơ Đỗ Quý Doãn là tình yêu quê hương đất nước bình dị, nhưng thắm đượm, có sức lay động lòng người và thật có duyên với âm nhạc như bài thơ nổi tiếng được như “Xa Huế”, “Trở về neo đậu bến quê”, “Huyền Diệu Sông Hàn”, “Nghe em hát ở Trường Sa”… được Nhạc sĩ Thuận Yến, Nguyễn Đình Thậm, Xuân Đồng phổ nhạc…