Mặt trận sẽ đưa thông tin trên báo chí tới kỳ họp Quốc hội

Quốc Định 07/04/2017 16:25

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cho hay: “Bên cạnh lắng nghe các phản ánh, kiến nghị của người dân, chúng tôi cũng đã và đang theo dõi những phản ánh từ các cơ quan báo chí để xem xét một số vụ việc để tiếp tục đề nghị tới kỳ họp Quốc hội sắp tới”.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 7/4, tại TP HCM, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì Hội nghị lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực các tỉnh, thành phía Nam.

Hội nghị lần này nhằm chuẩn bị cho báo cáo quý của MTTQ Việt Nam đối với Đảng, Chính phủ, đồng thời chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn, trong năm 2016, tình hình phản ánh ý kiến nhân dân đã được thực hiện thường xuyên, đầy đủ. Tại 2 kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổng hợp ý kiến nhân dân, ý kiến cử tri trước Quốc hội.

Trong Hội nghị lần thứ 6 tại Cần Thơ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương những hoạt động của MTTQ Việt Nam trong năm 2016, đặc biệt là việc triển khai các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị.

Bước vào năm 2017, Mặt trận đã ký kết với nhiều cơ quan, trong đó có việc Mặt trận giám sát các kết luận của thanh tra. Mặt trận phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành giám sát về việc khai thác cát, sỏi ở một số địa phương…

Tại hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám nêu lên một thực trạng là các cán bộ Mặt trận ở cơ sở xã, phường ở các địa phương xin nghỉ việc khá nhiều, đặc biệt là tại Hậu Giang có hơn 200 người. Nguyên nhân, theo các báo chí đăng tải là do thu nhập quá thấp, không thể tiếp tục làm việc, họ đành phải bỏ để đi làm việc khác có thu nhập cao hơn, nhằm đảm bảo cuộc sống của mình. Ông Trần Hoàng Thám đề nghị, Mặt trận Trung ương cần có cuộc khảo sát tìm hiểu đầy đủ hơn về những nguyên nhân nhằm kịp thời kiến nghị với Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Ông Đỗ Long, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, cho biết, thời gian gần đây, doanh nghiệp (DN) phản hồi về những đổi mới và họ yên tâm hơn đối với những hoạt động của Chính phủ. Mặc dù vậy, việc giải quyết những kiến nghị, vướng mắc cho DN vẫn còn rất chậm, nhất là giải quyết liên quan đến đất đai cực kỳ phức tạp, khó khăn. Một vấn đề nữa là nạn hàng nhái, hàng giả diễn ra phổ biến trên cả nước, trong khi đó chế tài quá nhẹ nên sẵn sàng vi phạm để trục lợi. Theo ông Long, “việc làm giả nếu chỉ dừng lại ở hàng tiêu dùng thì còn đỡ, nhưng việc làm hàng gian, hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh thì vô cùng nguy hại cho xã hội”. Ông Long kiến nghị, Mặt trận nên có chuyên đề nghiên cứu về đời sống của nhân dân. DN sẵn sàng hỗ trợ để Mặt trận thực hiện công việc này.

Các đại biểu phát biểu.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM lại phản ánh một khía cạnh khác: Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, DN chịu sức ép rất lớn trước các tập đoàn lớn từ nước ngoài, họ “nhảy” vào và chi chiết khấu rất lớn nhằm trước mắt thâu tóm thị trường. Nếu Nhà nước không có điều chỉnh hợp lý thì DN trong nước không thể cạnh tranh nổi.

Ông Dũng cũng phàn nàn rằng, “chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài không có chọn lọc, thực chất hấp thụ công nghệ, làm thay đổi công nghệ trong nước là rất ít, trong khi đó, chính sách đối với DN trong nước có khi còn không tốt bằng DN nước ngoài…”.

Đánh giá về những hoạt động của Mặt trận, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, cho rằng: Thời gian qua, Mặt trận đã có nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực tôn giáo, đã đoàn kết được các tôn giáo, đoàn kết được nhân dân. “Các cán bộ càng làm cao, càng phải tu dưỡng đạo đức, chuyên môn, có nghĩa là tu dưỡng lối sống, bởi có gương mẫu thì nói cấp dưới, nói nhân dân mới nghe, lúc đó mới hiệu quả được. Cần xem xét kỹ những ai đưa người nhà, người quen vào bộ máy nhà nước” - Hòa thượng Thích Thiện Tâm đề nghị.

Đề cập đến một vấn đề còn khá “nóng” thời gian qua đó là việc chính quyền ở nhiều địa phương trên cả nước ra quân quyết liệt để lấy lại vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm, ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, cho hay: Ở nhiều tuyến đường, hầu hết những người lấn chiếm lòng, lề đường là người giàu. Xét ở khía cạnh dư luận, thì đây là một việc làm hết sức hữu ích, đem lại trật tự xã hội. “Mặc dù vẫn không tránh khỏi những tồn tại trong quá trình thực hiện nhưng quan điểm của chúng tôi là ủng hộ chủ trương này” - Ông Ngời khẳng định.

Một vấn đề nữa đang gây nhức nhối xã hội đang được các đại biểu phản ánh đó là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều địa phương trên cả nước. Các đại biểu đề nghị cần có biện pháp xử lý nghiêm những người vi phạm để làm gương.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những phát biểu của các đại biểu. “Đây là những ý kiến hết sức sát thực và ý nghĩa. Chúng tôi sẽ tổng hợp đầy đủ tất cả các ý kiến của các vị kiến nhằm nghị lên kỳ họp Quốc hội sắp tới”.

Đối với chiến dịch ra quân lấy lại vỉa hè, lòng, lề đường ở các địa phương, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị các địa phương nhanh chóng có đánh giá sơ bộ để tìm ra cái nào đúng thì phát huy, cái nào còn sai cần rút kinh nghiệm. Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Hội phụ nữ đi tìm hiểu, khảo sát tại sao lại xảy ra tình trạng xâm hại tình dục trẻ em lại nhiều như vậy, đồng thời đề xuất giải pháp tuyên truyền, giáo dục, xử lý.

“Bên cạnh lắng nghe các phản ánh, kiến nghị của người dân, chúng tôi cũng đã và đang theo dõi những phản ánh từ các cơ quan báo chí để xem xét một số vụ việc để tiếp tục đề nghị tới kỳ họp Quốc hội sắp tới” - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho biết thêm.

Quốc Định