'Tết nhớ về chơi nhé!'

NH - 12.2016 Nguyễn Hòa 26/01/2017 18:05

Giữa những năm 60 thế kỷ trước, chiến tranh phá hoại bắt đầu lan rộng, tôi theo mẹ đi sơ tán ở một làng trung du ven sông Hồng, suốt mấy năm, chỉ dịp nghỉ hè mới được về Hà Nội. Hồi ấy đa số trai tráng khỏe mạnh trong làng đã đi bộ đội, ở nhà hầu như chỉ có phụ nữ, trẻ em, người già, cô bác trung niên.

Làng nghèo, mọi thứ đều kham khổ, chỉ đến tết đám trẻ trong làng mới được mấy bữa thỏa thê. Thường thì vài ngày trước tết, mấy gia đình chung nhau thịt một con lợn. Nửa đêm, nghe lợn eng éc là K - con trai bác chủ nhà, kéo tôi dậy ra xem. Trời rét tái tê, giữa ánh đuốc chập chờn, hai thằng và đám trẻ của các gia đình “đụng” lợn ngồi so ro bên đống lửa người lớn chia thịt xương, lòng, thủ, nước xuýt,… thành mấy phần đều nhau. Là dân sơ tán nên gia đình tôi không được “đụng”, chia xong thì nhà này bán cho lạng thịt, nhà nọ bán cho ít xương, nhà kia để lại cho vài lạng mỡ. Nhận phần về, bác chủ nhà lập tức chọn thịt còn nóng để giã giò. Đám trẻ xì xụp bên nồi cháo lòng. Sau khi làm bát tiết canh, chén rượu, bác chủ nhà bày thịt xương ra nong để phân loại, phần gói bánh chưng, phần làm giò thủ, phần rán mỡ cho vào hũ để ra giêng ăn dần. Xương xẩu thì một ít hầm măng, hầm khoai, còn lại băm nhỏ như ngô xay, trộn với muối, riềng giã nhỏ rồi rang kỹ cất vào hũ, ra giêng thi thoảng nấu canh, bác gái lại múc một hai thìa cho vào nồi, bảo là cho có tý thịt mỡ.

Một lần sau khi xem thịt lợn xong, vẫn còn buồn ngủ, tôi lên nhà chui vào chăn. Bỗng thằng K kéo chăn, rỉ tai lát nữa lên đồi cọ chỗ nó chăn trâu. Tôi gật đầu, ngủ tiếp. Sáng ra, tôi mò lên đồi. Đến chỗ hẹn thấy mấy tay bạn trải lá cọ ra ngồi, giữa bày gan lợn cắt miếng cha miếng con và đĩa muối. Té ra lúc nửa đêm, mấy tay đó ăn trộm bộ gan luộc. Thảo nào lúc chia lòng, mọi người nhốn nháo không biết bộ gan luộc để trong cái nia cùng dồi, lòng mà biến đâu mất. Khoắng nồi nước xuýt không thấy, tìm không được, mọi người quy tội cho mấy chú chó. Thế là mấy chú chó đang lăng xăng te tởn bị đánh kêu ăng ẳng, cong đuôi chạy mất. Lúc tôi ngồi vào, mấy thằng bắt tôi hứa không được hé răng với ai, nhưng ăn đến miếng thứ hai thì tôi chịu, gan luộc nhai như bột ứ trong cổ, rất khó nuốt.

Về bác chủ nhà cũng có nhiều chuyện vui. Một lần vào ngày tết, nửa đêm đi uống rượu về, bác vào bếp mò mẫm lục chạn. Vớ được cái bát đầy nước, bác húp sạch. Sáng ra mới biết là bát mỡ nước để xào nấu mấy ngày tết. Bác gái la thất thanh, bác trai thì cười hề hề và bảo: “Thảo nào lúc đêm húp, tớ cứ thắc mắc canh gì mà béo thế!”. Lần khác, nghe tiếng người nhốn nháo và tiếng lợn kêu, tôi ra xem, thấy bác chủ nhà đang chuẩn bị “thiến” lợn. Bác để trước mặt cái đĩa nhỏ đựng dầu hỏa, kim xâu sẵn chỉ, ít vôi sền sệt, tay lăm lăm con dao sắc lẹm vốn bác vẫn dùng để cạo râu. Sau khi vợ con bác vật ngửa con lợn khoảng hơn 20 kg ra đất, mỗi người giữ một chân ghì xuống, bác xắn tay thao tác rất lanh lẹ. Trước khi khâu vết mổ, thấy bác cầm dao khía một cái vào đoạn lòng trắng xanh hở qua vết mổ, tôi hỏi tại sao lại làm thế. Bác bảo: “Kỹ thuật thiến riêng của bác, cháu không được nói với ai”. Vừa được thả vào chuồng, con lợn chạy vào trong góc nằm im thin thít. Chưa hết thắc mắc, tôi lại hỏi với mẹ. Mẹ phì cười, bảo tôi không được bép xép. Con lợn lử đử lừ đừ tới trưa thì quay lơ. Bác chủ nhà đề nghị hợp tác xã cho mổ. Hợp tác xã cử người đến xem xét và đồng ý. Chiều hôm đó mấy nhà lại “đụng” lợn, lại chạy ra chạy vào ríu rít vui như tết. Mẹ tôi cũng mua một ít, luộc một đĩa nhỏ ăn trước, còn lại kho để dành cuối tuần cha tôi ở cơ quan về cùng ăn. Sau mẹ tôi thì thào bảo: vì muốn thịt lợn mà không được phép, bác chủ nhà đã bày ra ngón “thiến” lợn để có cái oánh chén!

Giờ thì làng ven sông ấy khác xưa rất nhiều. Rừng cọ lùi xa, thay vào đó là lớp lớp đồi cây công nghiệp. Ngày mùa đến, trong các thung lũng, trên những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng. Những ngôi nhà ngói, nhà hai ba tầng khang trang ven đồi, nằm giữa vườn cây ăn quả. Chợ làng, chợ xã ê hề thực phẩm, nhìn dãy phản thịt đầu chợ, tôi lại nhớ chuyện năm xưa. Bác chủ nhà nay đã mất, anh K đã có cháu nội cháu ngoại. Một hôm ngồi tào lao với cả nhà K, tôi kể chuyện K trộm gan luộc, cụ của đám trẻ “thiến” lợn như thế nào. Cả nhà cười lăn, nhưng đám trẻ không tin. Đến khi K xác nhận thì tất cả ồ à cứ như là chuyện lạ xảy ra ở nơi nào khác. Làng xóm phát triển như thế nhưng nếp xưa của các gia đình hầu như vẫn như trước, từ tổ chức cuộc sống cho đến phong tục, tập quán. Lần nào tôi ghé qua, vợ chồng K cũng đều khẩn khoản bảo tết phải lên chơi. Nhận lời mà tôi chưa đến lần nào vào dịp tết, nghĩ cũng băn khoăn.

Mấy chục năm làm lính và làm báo cho tôi cơ hội được đến nhiều nơi từ Tây Bắc, Việt Bắc, Trung du, đồng bằng Bắc Bộ đến dọc miền Trung, theo đường Trường Sơn, lên Tây Nguyên, vào miền đông và miền tây Nam Bộ. Mỗi chuyến đi đều gắn với kỷ niệm, và kể cả thời cuộc sống còn khó khăn tới thời cuộc sống khấm khá hơn thì ở những nơi bà con đã coi như người thân, trước khi tôi ra về thường dặn: “Tết nhớ đến chơi”, “Tết nhớ về chơi”, “Tết nhớ vào chơi”… Lời mời ấy không chỉ cho thấy tình cảm, mà còn cho thấy với bà con, Tết là một dịp đặc biệt, lời mời cũng là đặc biệt. Ngày xưa các cụ bảo: “Đói quanh năm, no ba ngày tết”, đó là về vật chất, về miếng ăn. Song tết đâu chỉ là miếng ăn, tết còn là niềm vui đoàn tụ, sum vầy; là thời khắc thiêng liêng bày tỏ lòng thành kính biết ơn tổ tiên, ông bà; là lúc ước mơ và khát vọng về một năm mới hanh thông hiển hiện trong tâm trí mỗi người,…

Vì thế dù không đồng tình với tình trạng nghỉ nhiều vào dịp tết, tôi vẫn cứ lăn tăn trước ý kiến nên gộp tết ta với tết tây. Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 do Tổng cục Thống kê công bố tháng 6.2016 thì dân số cả nước ước tính 92,70 triệu người, trong đó dân số ở thành thị là 32,06 triệu người (34,6%), dân số ở nông thôn là 60,64 triệu người (65,4%); và theo Thông cáo báo chí về tình hình lao động quý II và 6 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Thống kê thì trên toàn quốc, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính 53,24 triệu người, trong đó khu vực thành thị chiếm 31,7%; khu vực nông thôn chiếm 68,3%. Như vậy, xét từ cơ cấu dân số, từ cơ cấu việc làm thì số người được nghỉ cả tết ta lẫn tết tây chiếm khoảng hơn 30% dân số. Vì thế thiết nghĩ, liệu phải chăng ý kiến gộp cả tết ta và tết tây để nghỉ tết một lần chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của 34,6% dân số đô thị và 31,7% lao động khu vực đô thị, chưa đại diện cho nhu cầu của 65,4% dân số nông thôn và 68,3% lao động ở khu vực nông thôn?

Có nên lấy nhu cầu của 1/3 dân số để đại diện cho nhu cầu của 2/3 dân số còn lại? Đặt câu hỏi này xong, tôi lại nhớ tới điều một tác giả nước ngoài nào đó mà tôi quên tên, nhận xét đại loại rằng: nông thôn Việt Nam là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống một cách bền chặt nhất. Nhận xét ít nhiều có lý, khi mà dân cư nông thôn và lao động nông nghiệp đang giữ tỷ lệ áp đảo. Mặt khác, lao động nông nghiệp gắn liền với nông lịch, gắn liền với chu kỳ tự nhiên xuân - hạ - thu - đông nên ngày nghỉ là không rạch ròi, có tính tương đối, như nghỉ lúc gối vụ, giáp hạt,… Có thời điểm, khi người ở đô thị, lao động ở đô thị được nghỉ lễ theo quy định thì bà con vẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vì những công việc bức thiết như: mạ cần nhổ, lúa cần làm cỏ, rau cần chăm bón, ngô cần bẻ bắp, khoai cần lên luống, sắn cần thu hoạch, mía cần nhập nhà máy, trâu bò cần chăn thả, lợn cần dọn chuồng,… Đó là các công việc không thể tiến hành theo giờ giấc ấn định như ca kíp hay giờ hành chính, không thể bỏ bê vì muốn được nghỉ lễ. Sự gắn liền đưa tới tính chất “mờ nhòe” của thời gian lao động, tính chất lao động ở vùng nông thôn, đồng thời chi phối cả sự ổn định (dẫu tương đối) của nếp sống, phong tục, tập quán hình thành từ phương thức canh tác nông nghiệp tồn tại đã hàng nghìn năm. Điều này không chỉ nhận thấy ở những thôn làng xa xôi mà còn nhận thấy ở các “làng như phố”, nơi không chỉ có nhà cửa, mà cuộc sống của bà con nông đã có nhiều phương tiện văn minh hiện đại.

Đất nước tiếp tục phát triển, có thể mai đây tỷ lệ cư dân đô thị và cư dân nông thôn, lao động đô thị và lao động nông thôn sẽ đảo ngược so với hiện tại, nhiều tập quán xã hội mới ra đời, và bằng tài năng của mình, người trồng hoa ở Nhật Tân, Quảng Bá sẽ làm cho quất chín vàng, hoa đào nở vào tết Dương lịch thì cái tâm tưởng rất riêng của tết Nguyên đán vẫn tồn tại trong đa số người Việt Nam. Và thiết nghĩ trước mắt, ở làng ven sông Hồng nọ, K bạn tôi và con cháu anh vẫn coi tết Nguyên đán là sự kiện quan trọng. Dù tết Dương lịch, con anh đi làm xa về thăm nhà, cháu nội ngoại của anh được nghỉ học ở trường, thì anh vẫn chưa chỉnh trang bàn thờ ông bà, vợ anh chưa vo gạo, rửa lá dong chuẩn bị nồi bánh chưng,… Rồi mấy ngày tết Nguyên đán, anh chị vẫn ăn vận chỉnh tề đi chúc tết họ hàng, bà con trong làng. Vì với gia đình anh, đó là ngày vui gắn với các trông đợi về một mùa màng bội thu, một năm mới an lành, cũng là ngày được nghỉ có thời gian đón khách, nên nếu tôi ghé thăm anh lại dặn: “Tết này lên chơi nhé”!

NH - 12.2016 Nguyễn Hòa