Mỹ và đòn tấn công trực diện đầu tiên nhằm vào chính phủ Syria
Quân đội Mỹ trong hôm 7/4 đã khai hỏa 59 tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu quân đội chính phủ Syria, trong cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên mà Mỹ thực hiện nhằm vào chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này bắt đầu cách đây 6 năm.
Tên lửa hành trình Tomahawk được khai hỏa từ tàu khu trục USS Porter của Mỹ .(Nguồn: Reuters).
59 tên lửa hành trình khai màn chiến sự
Chiến dịch trên, trong đó chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm đáp trả cái mà họ gọi là vụ tấn công hóa học khiến nhiều thường dân thiệt mạng ở Syria, đã mở rộng sự can dự quân sự của Mỹ ở Syria và đặt nước này vào thế rủi ro vì khả năng đối đầu trực tiếp với Nga và Iran, cả hai nước đang hỗ trợ chính quyền Syria chống chủ nghĩa khủng bố.
Tổng thống Trump nói rằng cuộc tấn công trên là “lợi ích an ninh quốc gia quan trọng” của nước Mỹ và kêu gọi “tất cả các quốc gia văn minh tham gia nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria. Và cũng để chấm dứt mọi loại chủ nghĩa khủng bố”.
“Chúng ta trông đợi trí tuệ của Chúa khi phải đối mặt với thách thức trong bối cảnh thế giới nhiều bất trắc” - ông Trump nói - “Chúng ta cầu nguyện cho cuộc sống của những người bị thương và cho linh hồn của những người đã thiệt mạng. Chúng tôi hy vọng rằng một khi nước Mỹ còn đứng lên vì công lý, thì hòa bình và sự hòa hợp cuối cùng sẽ chiến thắng”.
Được biết 50 tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ 2 khu trục hạm của Hải quân Mỹ là USS Ross và USS Porter, đang đóng tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải. Số tên lửa này đã đánh trúng một căn cứ quân sự tên Shayrat ở tỉnh Homs, Syria, nơi được cho là điểm xuất phát của các máy bay gây ra vụ tấn công hóa học ở Idlib vừa qua.
Các mục tiêu bao gồm các hệ thống phòng thủ trên không, máy bay, kho chứa máy bay và kho nhiên liệu. Quân đội Mỹ cho hay cuộc tấn công này đã gây “thiệt hại lớn hoặc đã tiêu hủy cơ sở không quân của Syria”.
Kênh truyền hình quốc gia Syria cùng ngày cho hay, một tên lửa của Mỹ đã đánh trúng một số mục tiêu quân sự của họ, gọi vụ tấn công này là hành động “hung hăng”. Giới chức Mỹ cho hay, quân đội Nga, hiện đang duy trì một lực lượng đáng kể ở Syria, đã được thông báo trước về cuộc tấn công này.
Để so sánh về quy mô cuộc tấn công, vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến Iraq năm 2003, Mỹ đã sử dụng tổng cộng 500 tên lửa hành trình và 47 tên lửa đã được bắn ngay ngày khai màn chiến dịch chống phiến quân IS ở Syria hồi năm 2014.
Quyết định tấn công trên được đưa ra chỉ 48 giờ sau khi giới chức Mỹ có cuộc họp căng thẳng và cho thấy một sự thay đổi chiến lược lớn kể từ chính quyền trước đây của Mỹ, những người do dự trong việc khuấy động cuộc chiến ở Syria.
Giới chức Nhà Trắng đã có cuộc họp về vấn đề Syria trong chiều hôm 5/4, kéo dài đến tận sáng 6/4, và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Tướng H.R McMaster, Cố vấn An ninh Quốc gia đã giữ liên lạc với nhau kể từ sau vụ tấn công hóa học hôm thứ Ba.
Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ đã từng lên kế hoạch tấn công chính phủ Syria trong nhiều năm liền, và hiện đã có đủ sức mạnh trong khu vực để đưa ra phản ứng nhanh chóng một khi quyết định được đưa ra.
Quyết định choáng váng
Trước đây, khi chính quyền Obama bắt đầu chiến dịch chống IS năm 2014, họ đã tự rút khỏi một cuộc can thiệp quân sự nhằm vào chính phủ Syria sau khi một vụ tấn công hóa học tương tự xảy ra năm 2013. Dù chưa có chứng cứ rõ ràng về cuộc tấn công hóa học, nhưng chính quyền Trump hiện tại đã lập tức ra quyết định áp dụng một chính sách cứng rắn hơn đối với Syria.
Vụ tấn công này đã làm tăng phần phức tạp cho cuộc xung đột kéo dài ở Syria, trong đó các phe phái nổi dậy chiến đấu chống chính phủ Syria cùng nhiều phe phái khác đang chiến đấu chống IS.
Trong nội bộ chính quyền Mỹ, trước đây, một số quan chức đã thúc giục đưa ra hành động tức thì chống lại chính quyền Assad, trong khi số còn lại lại quan ngại về hiệu ứng xấu có thể xảy ra, trong đó có khả năng Nga đưa ra hành động đáp trả. Nhưng ngay sau khi vụ tấn công vừa qua xảy ra, quan điểm của chính quyền Trump đối với vấn đề Syria đã thay đổi bước ngoặt, khi hàng loạt quan chức kỳ cựu lên tiếng chỉ trích lãnh đạo Syria.
Tối hôm thứ Năm vừa qua, ông McMaster đã đưa ra dự đoán rằng cuộc tấn công của họ sẽ mang lại “sự thay đổi lớn trong tính toán của ông Assad. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra hành động quân sự trực tiếp”.
Tướng McMaster cũng nói về một tiến trình ra quyết định bên trong Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia, trong đó đưa ra 3 lựa chọn quân sự theo chỉ thị của Tổng thống. Ông Trump sau đó đưa ra quyết định cuối cùng và đòn tấn công “rõ ràng đã chỉ ra rằng Tổng thống sẵn sàng có hành động quyết liệt khi được đề nghị”.
Sớm hơn trong hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Tillerson cũng đã hé lộ rằng, Mỹ cùng nhiều quốc gia khác sẽ tìm cách loại bỏ ông Assad khỏi quyền lực, tuy nhiên không nêu rõ cách thức. Chỉ cách đó vài ngày, Nhà Trắng còn nói rằng việc loại bỏ ông Assad không còn là ưu tiên hàng đầu của Washing ton nữa.
“Chúng tôi đang cân nhắc về một phản ứng đáp trả trước vụ tấn công hóa học này” - ông Tillerson nói từ Palm Beach, Florida hôm 6/4 - “Đó là một vấn đề nghiêm trọng, và đòi hỏi chúng tôi phải phản ứng một cách nghiêm túc”.
Đòn tấn công của Mỹ nhằm vào Syria cũng diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và một số quan chức Mỹ tin rằng động thái trên cũng sẽ mang tính chất một lời cảnh báo rằng Mỹ luôn sẵn sàng tấn công Triều Tiên nếu như Trung Quốc không hành động quả quyết kiềm chế chương trình hạt nhân của quốc gia này.
Hiện vẫn chưa rõ liệu đòn tấn công phủ đầu của nước Mỹ có kéo theo một số quốc gia phương Tây hành động tương tự hay không. Đây được cho là đòn công kích trực diện đầu tiên mà Mỹ thực hiện nhằm vào chính quyền Asad, dù trước đây họ từng tấn công nhầm vào một nhóm binh sỹ Syria ở khu vực phía Đông nước này - điều mà Mỹ đã thừa nhận là một sai sót.
Thay đổi chính sách bước ngoặt
Chính quyền Obama trước đây đã áp dụng một chiến lược hoàn toàn khác, trong đó khẳng định rằng ông Assad không bao giờ có thể tại vị được ở Syria thời hậu chiến, và họ hậu thuẫn các phe phái nổi dậy ở nước này để lật đổ ông.
Hiện nay Mỹ đang sẵn có một nguồn lực quân sự không nhỏ trong khu vực, bao gồm hàng chục máy bay chiến đấu trên hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush, được triển khai tới khu vực Trung Đông và được hộ tống bởi các tàu khu trục có trang bị hệ thống tên lửa định hướng, có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk.
Thêm vào đó, một lực lượng lưỡng cư khác của hải quân Mỹ cũng đóng trong khu vực bao gồm Đơn vị Viễn chinh số 24 với nhiều phi cơ lớp Harrier cùng tàu chiến Cobra. Lầu Năm Góc cũng bố trí nhiều máy bay trong khu vực mà hàng ngày vẫn đang thực hiện các cuộc không kích chống IS, bao gồm cả căn cứ Incilik, Thổ Nhĩ Kỳ.
Đòn công kích vừa qua dường như chỉ gồm các tên lửa hành trình Tomahawk. Nếu như Mỹ điều phi cơ chiến đấu của họ, có khả năng chúng sẽ phải đối đầu với một mạng lưới các hệ thống phòng thủ trên không của Syria cùng nhiều tên lửa đất-đối-không tân tiến mà Nga cung cấp.
Một trong những hệ thống phòng thủ phổ biến của quân đội Syria chính là S-200. Hệ thống này có tầm bắn khoảng 300 km và có thể bắn hạ các mục tiêu bay ở độ cao khoảng 40.000 m. Các hệ thống phòng thủ S-300 và S-400, được đặt xung quanh căn cứ không quân Khmeimim ở phía Tây Syria, thì có tầm bắn ngắn hơn S-200 nhưng lại có hệ thống radar hiện đại hơn và bay nhanh hơn hệ thống cũ.
Trong một tuyên bố chung, các Thượng nghị sỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Các lực lượng vũ trang Thượng viện, và Lindsey Graham, đã nói rằng chiến dịch tấn công này “đã gửi đi một thông điệp quan trọng rằng Mỹ không còn để yên cho ông Assad sát hại thường dân vô tội Syria bằng vũ khí hóa học và bom thùng”.
Họ cũng kêu gọi chính quyền Mỹ loại bỏ lực lượng không quân của chính quyền Assad và theo duổi “một chiến lược mới toàn diện, phối hợp với các đồng minh và đối tác để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài ở Syria”.
Nga hôm 7/4 tuyên bố rằng họ có thể chấm dứt hợp tác với Mỹ về vấn đề Syria sau vụ quân đội Mỹ không kích căn cứ không quân của quân chính phủ Syria. Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi một cuộc họp khẩn Hội đồng Bảo an LHQ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng cuộc tấn công mà Mỹ thực hiện là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. |