Lãnh đạo Mỹ-Trung tìm cách xây dựng quan hệ bằng hữu

Khánh Duy 08/04/2017 07:35

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hôm 7/4 tại khu nghỉ dưỡng được gọi là “Nhà Trắng Mùa Đông” Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida, bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh kéo dài 2 ngày mà Ngoại trưởng Rẽ Tillerson mô tả là “các cuộc thảo luận thẳng thắn” về vấn đề Triều Tiên và thương mại.

Lãnh đạo Mỹ-Trung bắt tay trong bữa tối tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Palm Beach, bang Florida. (Nguồn: Reuters).

Phát biểu trước báo giới sau khi đón tiếp ông Tập tại sân bay, Ngoại trưởng Tillerson nói rằng phía Mỹ sẽ thúc đẩy phái đoàn Trung Quốc “tìm ra biện pháp kiềm chế các hành động của CHDCND Triều Tiên nhằm giải giáp vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa của họ”.

“Trung Quốc có thể trở thành một phần trong chiến lược mới nhằm kết thúc thái độ liều lĩnh của Triều Tiên và đảm bảo an ninh, sự ổn định, thịnh vương kinh tế ở khu vực Đông Bắc Á” - ông Tillerson nói.

Tổng thống Trump, đồng hành cùng Đệ nhất phu nhân Melania Trump, đã đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình cùng Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện khi họ đặt chân tới khu nghỉ dưỡng là nơi từng tổ chức hàng loạt các cuộc đối thoại song phương với các lãnh đạo thế giới.

Ông Trump đã bước xuống từ chiếc Không lực Một chỉ vài phút sau khi ông Tập tới khu nghỉ dưỡng này. Trong lúc đang trên chuyến bay, ông Trump nói với báo giới, ông tin rằng “Trung Quốc sẽ tăng cường” quan điểm cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. Liên quan tới vấn đề thương mại, ông Trump nhắc lại quan điểm của ông về thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc.

“Chúng ta đã bị đối xử không công bằng và đã có nhiều thỏa thuận thương mại tồi tệ với Trung Quốc trong rất nhiều năm” - ông Trump nói - “Đó sẽ là một trong những vấn đề mà chúng tôi đề cập tới”.

Theo các cố vấn Nhà Trắng, địa điểm tổ chức cuộc gặp thường đỉnh này được lựa chọn nhằm giảm bớt tính thủ tục của cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, đồng thời giúp thiết lập một mối quan hệ bằng hữu giữa ông Trump và ông Tập sau một khoảng thời gian xuất hiện nhiều căng thẳng giữa hai bên.

Lãnh đạo Trung Quốc sẽ chỉ dành hơn 24 giờ đồng hồ tại đây, trong đó có một bữa trưa làm việc, giới chức Mỹ cho hay. Ông Tập cùng phái đoàn Trung Quốc sẽ không nghỉ qua đêm tại khu nghỉ dưỡng mà sẽ lựa chọn một khách sạn gần đó.

Tín hiệu cứng rắn về vấn đề Triều Tiên

Tổng thống Trump đã từng đưa ra nhiều tín hiệu mâu thuẫn liên quan tới quan điểm của mình trước cuộc họp thượng đỉnh này. Ông từng nói với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Washington trong tuần này rằng ông “rất tôn trọng” ông Tập, nhưng tuần trước, ông lại viết trên Twitter rằng đây sẽ là một “cuộc họp rất khó khăn” do vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng Financial Times cuối tuần trước, ông Trump nói rằng ông sẽ thúc giục ông Tập gây sức ép nhiều hơn với chính quyền Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của nước này. Nhưng ông cũng thêm rằng, nếu Bắc Kinh không thể làm như vậy, Mỹ sẽ tự đưa ra các biện pháp đơn phương.

Trong hôm thứ Ba, một quan chức chính quyền Mỹ đã nói rằng mọi lựa chọn phản ứng đều được xem xét, dù Nhà Trắng không nêu rõ các lựa chọn đối phó của họ đối với Triều tiên. Chỉ vài giờ sau đó, Triều Tiên đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo khiến Ngoại trưởng Tillerson phải lên tiếng, khẳng định Mỹ đã nói quá đủ về Triều Tiên và sẽ không đưa thêm bình luận nào về các hành động khiêu khích của họ nữa.

“Đây là một mối đe dọa cấp thiết và mang tính toàn cầu, chúng tôi xem chương trình vũ khí của Triều Tiên như một yếu tố đang ngày càng gây bất ổn, cả ở Đông bắc Á và toàn cầu” - Susan Thorton, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, nói trong một tuyên bố.

Giới chuyên gia nhận định rằng, trong số các lựa chọn hành động của chính quyền Trump bao gồm cả các lệnh trừng phạt nhằm vào một số ngân hàng Trung Quốc có làm ăn với Triều Tiên, nhằm hạn chế nguồn ngoại tệ mà Bình Nhưỡng thu được.

Xây dựng quan hệ bằng hữu

Về vấn đề thương mại, ông Trump đã thể hiện rõ sự quan ngại về mức thặng dư thương mại của Trung Quốc kể từ khi thực hiện chiến dịch tranh cử, cáo buộc chính quyền Bắc Kinh liên tiếp thao túng giá trị tiền tệ, dù các nhà kinh tế hoc từng nói rằng Trung Quốc trong những năm gần đây còn tìm cách tăng giá đồng tiền của mình.

Khi còn là một ứng viên, ông Trump từng đe dọa sẽ áp đặt nhiều lớp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, dù đã giảm nhẹ luận điệu trên kể từ sau khi nhậm chức. Ông cũng đã có quan điểm ôn hòa hơn nhờ ảnh hưởng từ cố vấn kinh tế Gary Cohn và cố vấn Jared Kushner, con rể ông.

Trong bữa tối đón tiếp, Tổng thống Trump đã có câu nói hài hước rằng ông Tập vẫn chưa nhượng bộ trong các cuộc nói chuyện đầu tiên, nhưng thêm rằng cả hai “đã phát triển mối quan hệ bằng hữu”.

“Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận khá lâu, và đến nay tôi vẫn chưa thu được gì cả, hoàn toàn không có gì, nhưng chúng tôi đã gầy dựng được tình bạn - tôi có thể nhận thấy điều đó” - ông Trump đùa vui trước khi khai tiệc - “Và tôi nghĩ về lâu về dài, chúng tôi sẽ có một mối quan hệ rất tuyệt vời và tôi mong chờ điều đó xảy ra”.

Vài giờ sau đó, các hãng truyền thông Trung Quốc cũng đăng tải thông tin cho hay ông Trump đã nhận lời mời tới thăm Trung Quốc của ông Tập, dù thời gian và địa điểm vẫn chưa được công bố.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đã nhắc câu thành ngữ của người Trung Quốc “nhà cao vạn trượng đều phải xây từ nền đất” khi đề cập đến tương lai quan hệ Trung-Mỹ. Ông Tập bày tỏ mong muốn cùng Mỹ “từng tầng từng bậc” xây dựng quan hệ song phương từ một “xuất phát điểm mới”.

“Có hàng nghìn lý do để khiến mối quan hệ Trung-Mỹ trở nên tốt hơn trong khi không có lý do nào để phá vỡ mối quan hệ này” - hãng thông tấn Tân Hoa xã trích lời ông Tập, nói.

Rủi ro tiềm ẩn

Một số chuyên gia về chính sách ngoại giao của Mỹ đã cảnh báo rằng cuộc họp thượng đỉnh lần này được tổ chức vào thời điểm chưa chín muồi, khi mà Tổng thống Trump vẫn chưa thể bổ nhiệm hết hàng trăm vị trí còn thiếu khuyết trong chính quyền của ông và các cơ quan chính phủ, trong đó gồm cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao. Bên cạnh đó, chính sách về Trung Quốc của Mỹ cũng chưa được phát triển một cách rõ rệt.

Ngay cả việc lên kế hoạch cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago cũng cho thấy một số rủi ro, giới phân tích nhận định.

Tổng thống Trump từng tiếp đón Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng này vào hồi tháng 2 vừa qua, nhưng đó là sau khi hai nhà lãnh đạo của hai nước đồng minh đã có cuộc làm việc tại Nhà Trắng. Sau đó họ cùng bay tới Mar-a-Lago và tham dự một tour đánh golf.

Không giống như ông Abe, ông Tập không dừng chân tại Nhà Trắng và cũng không mong muốn tham gia đánh golf. Trong nước, ông Tập đã chỉ thị cho các quan chức không chơi môn thể thao tiêu tốn tiền của này và từng đóng cửa hàng loạt các sân golf trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Trước đây, trong năm 2013, Tổng thống Barack Obama cũng từng mời Chủ tịch Tập tới Sunnylands, một khu nghỉ dưỡng ở miền Nam California, trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên nhằm “phá băng” mối quan hệ. Cuộc gặp đó đã mang lại nhiều thành công như dẫn tới bước đột phá trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và làm giảm các hoạt động tấn công mạng nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ. Nhưng trong một số lĩnh vực khác, bao gồm an ninh hàng hải và nhân quyền, mối quan hệ giữa ông Obama và ông Tập lại trở nên lạnh nhạt hơn.

Khánh Duy