Thiếu thông tin, nông sản còn tồn ứ
Những ngày gần đây người ta lại thấy các tổ chức xã hội kêu gọi giải cứu dưa hấu tồn ứ cho bà con nông dân tỉnh Quảng Ngãi. Dường như cứ đến vụ mùa là tình trạng ứ đọng nông sản lại diễn ra. Câu chuyện tìm đầu ra cho bài toán nông sản vẫn luôn được nhắc đi nhắc lại và theo các chuyên gia, nhất định phải giải quyết được điểm yếu của nông dân hiện nay, đó là thiếu thông tin thị trường.
Nhiều doanh nghiệp đang tích cực vào cuộc giải cứu dưa hấu cho bà con Quảng Ngãi.
Tái phát việc tồn ứ nông sản
Theo nhận định của các chuyên gia, phát triển nông nghiệp đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập. Các chủ thể hộ nông dân, các DN đơn vị cung ứng dịch vụ trong nông nghiệp rất yếu…
Trong khi đó, cơ chế, chính sách một thời gian dài chủ yếu phát triển theo chiều rộng, hướng vào phân khúc sản phẩm chất lượng thấp, chế biến thô mà vấn đề quan trọng nhất để giải quyết thực trạng tồn ứ nông sản là thị trường lại ít được nhắc đến. Đây là lý do dẫn đến thực trạng ngành nông nghiệp vẫn rất bấp bênh và chưa thể phát triển bền vững.
Những ngày gần đây, người ta lại chứng kiến một câu chuyện cũ về thực trạng tồn ứ nông sản. Đó là tình trạng dưa hấu ở Quảng Ngãi thu hoạch quá nhiều mà không tiêu thụ được, và người dân cả nước, đội ngũ thanh niên tình nguyện, các tổ chức xã hội lại kêu gọi nhau để “giải cứu” dưa hấu. Đối với bà con nông dân tỉnh Quảng Ngãi, đây không phải là lần đầu lâm cảnh này.
Chỉ cách đây một vài năm thôi, người ta cũng đã chứng kiến bà con nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi “thi đua” mở rộng diện tích trồng dưa hấu bán cho thương lái Trung Quốc vì được các thương lái cam kết sẽ thu mua khối lượng lớn. Song, khi nguồn cung quá lớn, thương lái ngừng thu mua, nông dân “lãnh đủ” và thời điểm đó, người người vào cuộc để giúp bà con nông dân thoát cảnh dưa ế.
Dư luận vẫn chưa quên câu chuyện đó thì ở thời điểm hiện tại, nó lại được lặp lại y như cũ. Một lần nữa, bà con nông dân tỉnh Quảng Ngãi lại sập bẫy của thương lái nước ngoài trong vụ thu hoạch dưa hấu năm nay.
Câu chuyện nói trên cho thấy, trong khi nhà quản lý còn loay hoay với các chính sách cơ chế để giải quyết các mối khúc mắc của ngành nông nghiệp thì người nông dân, chủ thể chính của sản xuất nông nghiệp lại luôn ở tình trạng “mù tịt thị trường”. Và phần lớn các nông hộ ở Việt Nam chỉ sản xuất theo kiểu tự phát cho nên, không tránh khỏi việc bị thương lái ép giá khi được mùa…
Nâng cao vai trò của hợp tác xã
Theo TS. Nguyễn Văn Tiến- Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), những hạn chế của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay do xuất phát điểm của ngành nông nghiệp nước ta còn thấp, các yếu tố về thiên tai, địch họa cũng tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế nông nghiệp… Song, ông Tiến cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là do thể thế nông nghiệp chưa phát triển theo chiều sâu, chủ yếu dựa vào tài nguyên, vốn, lao động giá rẻ, và đặc biệt, nền sản xuất vẫn dựa vào kinh tế nông hộ, nhỏ lẻ.
Do đó, theo TS Nguyễn Văn Tiến, nhất định phải đưa ra cơ chế, chính sách khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại lớn… Vì một nền kinh tế nông nghiệp mạnh không thể dựa vào những nhà sản xuất có quy mô manh mún, nhỏ lẻ.
Nhận định về những khúc mắc của ngành nông nghiệp hiện nay, và cụ thể hơn là sự bế tắc của bài toán đầu ra cho nông sản, TS Lê Đức Thịnh- Cục phó Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thách thức lớn nhất của ngành nông nghiệp là câu chuyện quản trị theo thị trường, câu chuyện bán sản phẩm cho nông dân. Hay nói cách khác, phải làm thế nào để người nông dân luôn nắm được tín hiệu của thị trường, sản xuất những thứ mà thị trường cần với nguồn cung vừa đủ chứ không thể cứ để nông dân tự bơi mãi được.
Và câu trả lời được vị chuyên gia này đưa ra đó là phải nâng cao được vai trò của hợp tác xã trong việc kết nối giữa người nông dân và DN. Bởi người nông dân có nguồn cung nhưng nếu đầu ra mờ mịt thì biết bán cho ai, còn DN lại biết thị trường nhưng để kết nối với nhà sản xuất thì hầu như họ không tự làm được.
TS Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng nêu lên nhận định rằng, vai trò của các hợp tác xã có ý nghĩa then chốt với tổ chức sản xuất nông nghiệp nhưng đáng tiếc các hợp tác xã của ta hiện nay vẫn tổ chức theo mô hình kiểu cũ, có sự can thiệp sâu của chính quyền Trung ương, địa phương. “Khi nâng cao được vai trò của các hợp tác xã, chắc chắn bài toán đầu ra cho nông sản sẽ có lời giải hiệu quả”- TS Thành nhấn mạnh.