'Cấm cửa' 58 quận/huyện xuất khẩu lao động: Có hạn chế được lao động bỏ trốn?
Ông Đặng Sỹ Dũng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, đã có nhiều giải pháp vận động, tuyên truyền, gia ân cho lao động bỏ trốn trở về. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2016, có 16.100 người lao động (NLĐ) cư trú bất hợp pháp trên tổng số 40.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, tăng 3% so với thống kê đầu năm này.
Trước tình trạng này, Bộ LĐTB&XH đã có công văn gửi các địa phương thông báo tạm dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2017 đối với 58 quận, huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.
Đây là quyết định sau khi thống nhất ý kiến và theo đề nghị của phía Hàn Quốc. Bộ LĐTB&XH cũng đưa vào danh sách xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2017 số lượng 109 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên việc tạm dừng tuyển chọn lao động không áp dụng với ngành ngư nghiệp trong năm 2017 đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016. Trong đó, có tỉnh Hà Tĩnh, gồm: huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà và Kỳ Anh; tỉnh Quảng Bình, gồm: huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới.
Thực tế cho thấy, đa phần NLĐ bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp cũng vì nhu cầu kinh tế. Họ rất muốn có thời gian tiếp tục ở lại Hàn Quốc làm việc khi hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên bên cạnh đó lao động Việt Nam được chủ ưa thích tạo điều kiện nên việc hạn chế lao động bỏ trốn ở thị trường này gặp nhiều khó khăn.
Việc “cấm cửa” với những quận/huyện có lao động bỏ trốn cao không phải giờ mới được áp dụng mà trong năm 2016, có 44 quận/huyện cũng đã bị tạm dừng tuyển chọn và đăng ký đi làm việc ở Hàn Quốc nhưng nhìn con số hơn 16.000 cho thấy giải pháp này vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe.
Theo ông Đặng Sỹ Dũng, nếu không có các giải pháp mạnh không loại trừ khả năng sang năm 2018 khu vực và số lượng bị tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc sẽ phải mở rộng hơn. Bên cạnh hình thức xử phạt khi vi phạm hợp đồng, ông Đặng Sỹ Dũng cho rằng tuyên truyền vẫn là giải pháp quan trọng nhất.
Vì thế, tới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước sẽ cùng với các cơ quan liên quan của ta ở Hàn Quốc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền.
Liên quan đến chỉ tiêu năm 2017, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước Hà Xuân Tùng cho biết, 3.600 lao động sẽ có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc với 4 ngành được tuyển chọn. Trong đó, chỉ tiêu ngành sản xuất chế tạo 1.500 người, ngành xây dựng là 500 người, ngành ngư nghiệp 800 người và ngành nông nghiệp có chỉ tiêu 800 người.
Đối tượng dự thi lần này là những lao động chưa từng đi làm việc tại Hàn Quốc, cư trú dài hạn tại các địa phương không bị tạm dừng tuyển chọn năm 2017. Đối với những lao động chuyển hộ khẩu từ các huyện tạm dừng tuyển chọn lao động năm 2017 đến các huyện không tạm dừng tuyển chọn phải có thời gian cư trú tối thiểu tại địa phương chuyển đến là một năm tính đến ngày 10/4.