Mưa trái mùa nông dân điêu đứng
Trái với quy luật thời tiết hàng năm, từ đầu tháng 4 đến nay, Nam Bộ xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa với thời gian kéo dài, cường độ mưa lớn. Mưa trái mùa không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn làm cho nhiều nông dân điêu đứng vì nhiều loại nông, thủy sản bị hư hại, thậm chí có nguy cơ mất mùa.
Người trồng sầu riêng lo lắng vì mưa trái mùa đúng lúc tụ bông. Ảnh: Đoàn Xá.
Trở tay không kịp
Ông Nguyễn Văn Hưng- chủ vườn thanh long ở thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) cho biết, do mưa kéo dài nhiều ngày gần đây, vườn thanh long hơn 8 héc-ta của ông đang có nguy cơ thất thu nặng.
“Thông thường, những tháng đầu năm sau Tết trời thường nắng, nếu có mưa cũng chỉ thoáng qua mà thôi. Thế nên nhiều hộ trồng thanh long ở đây bắt đầu chong điện suốt đêm cho thanh long đậu trái. Ai ngờ ngày nào cũng mưa, có ngày mưa kéo dài tới mấy giờ liên tục khiến cho hoa thanh long không thể đậu được. Nguy cơ mất mùa thanh long đang hiển hiện trước mắt. Thậm chí, nhiều hộ còn trùm bạt cho thanh long khi gặp mưa. Tuy nhiên cách này chỉ vớt vát phần nào bởi diện tích cây trồng rộng, chi phí bạt tốn kém mà hiệu quả cũng chưa rõ rang bởi mưa kéo theo sự thay đổi của thời tiết nên chắc chắn tỷ lệ đậu trái sẽ giảm đi”, ông Hưng nói.
Được coi là vựa thanh long lớn nhất vùng Nam Bộ, hiện nay hàng trăm nông dân ở Châu Thành đang khốn đốn vì mưa. Với chi phí hàng chục triệu đồng tiền cọc bê-tông, tiền điện cao áp, nếu mưa vẫn tiếp tục thì nguy cơ nhiều hộ trồng thanh long sẽ lỗ nặng bởi ngay cả thanh long đã đậu trái gặp mưa nhiều cũng vẫn bị hư hỏng.
Ngoài thanh long, theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm này nhiều loại cây trồng ở các địa phương Bến Tre, Long An, Tiền Giang hay Đồng Nai, Bình Phước… cũng đối mặt với rủi ro vì mưa bất thường.
“Cả vườn sầu riêng hơn 300 gốc nhà tôi đang đến mùa tụ bông thì ngày nào cũng gặp mưa. Nhìn bông sầu riêng bị mưa đập rụng trắng cả gốc mà biết chắc năm nay sẽ mất mùa nhưng không làm sao cứu vãn được. Ở mấy vườn khác trong ấp, sầu riêng thậm chí đậu trái rồi, đang phun thuốc trừ sâu mưa cũng cuốn cả thuốc lẫn đầu bông đi”, bà Nguyễn Thị Tuyến, một hộ trồng sầu riêng ở xã Tam Hiệp (Bình Đại, Bến Tre) thở dài cho biết.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh- Chủ tịch Hội nông dân Bến Tre, do người dân địa phương sinh sống chủ yếu bằng nghề nông với các loại cây trồng chủ lực như dừa, nhãn, xoài, chôm chôm, sầu riêng… nên khi thời tiết bất thường, hậu quả luôn rất nặng nề.
Ngoại trừ cây dừa, hầu hết các nông sản khác đều đang ở thời điểm ra hoa, đậu trái nên gặp mưa lớn kéo dài thì vô cùng bất lợi. Tuy chưa có thống kê đầy đủ chính xác nhưng đợt mưa trái mùa năm nay chắc chắn đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều hộ nông dân.
Các chuyên gia cho rằng, do đặc thù nền nông nghiệp nước ta theo mùa vụ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết khí hậu. Vì thế, khi thời tiết có diễn biến khác thường, tiêu cực thì những người nông dân thường trở tay không kịp, nên phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
Tại Bình Phước, bông điều đang kết trái bỗng bị héo rũ vì mưa trái mùa. Nguồn: TTO.
Thiệt hại nặng nề
Nếu như các nhà vườn trồng cây lâu năm chỉ đang đối mặt với các rủi ro thì nhiều hộ trồng rau màu, hoa trái ở khu vực TP HCM lại đối mặt với cảnh mất trắng vì mưa liên tiếp cả tuần qua.
Ông Nguyễn Văn Hải- một hộ trồng rau ở xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) buồn rầu cho biết: “Hầu hết nông dân trồng rau vùng ngoại thành đều là rau cạn. Đó là các loài rau cải, rau rền, rau mồng tơi hay bí xanh, khổ qua, mướp thơm, bầu, dưa leo… Các loại rau quả này hiện đều khá ngắn ngày, từ lúc gieo hạt tới khi thu hoạch chỉ khoảng 25-30 ngày, vì thế mưa kéo dài cả tuần qua khiến cho nhiều hộ điêu đứng. Quanh đây chỉ có rất ít đất để gieo trồng, buổi chiều tối mưa xuống, sang hôm ruộng ngập hết, cây cũng úng rũ ra không làm sao cứu kịp. Tuy không bằng dịp Tết nhưng thời gian này cũng là thời gian vàng với người thuê đất trồng rau mà mưa như vậy, tiền đâu trả cho chủ đất chứ”.
Được biết, quanh vùng Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi có hàng trăm hộ nông dân thuê đất trồng rau phục vụ nhu cầu người dân thành phố. Với thời tiết mưa lớn bất thường như hiện nay, nhiều hộ rất lo lắng vì mất mùa rau mà chi phí lại đắt đỏ, chưa biết lấy tiền đâu bù lỗ.
Không chỉ các hộ nông dân, theo các chuyên gia nông nghiệp thì ngay cả các hộ nông dân nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi lượng mưa cũng ảnh hưởng nhiều đến các loài cá, tôm nuôi.
Do thời tiết thất thường, lượng mưa trái mùa nhiều kèm theo các hợp chất khác khiến cho. Ngoài ra, mưa trái mùa trên diện rộng còn ảnh hưởng nhiều đến đời sống của những người làm nghề muối ở các tỉnh ven biển Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Dũng- Phó Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Nam Bộ cho biết, trong vài ngày tới, thời tiết khu vực Nam Bộ vẫn diễn biến phức tạp. Sẽ vẫn có mưa giông kèm theo gió mạnh lúc chiều tối. Tuy nhiên, mưa không còn trên diện rộng mà chỉ xuất hiện ở các tỉnh miền Đông (như Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số tỉnh dọc biên giới phía Tây Nam như An Giang, Kiên Giang. Còn lại, thời tiết các tỉnh thành khác chủ yếu là nắng nóng. Cũng theo giải thích của đại diện Trung tâm khí tượng thì đợt mưa bất thường vừa qua ở khu vực Nam Bộ chủ yếu là do nguyên nhân biến đổi khí hậu kết hợp với các sự cố bất thường của thời tiết. |