Cần xây dựng đội ngũ giám đốc hợp tác xã 'chất lượng cao'
Đó là khẳng định của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Sóc Trăng vào chiều ngày 8/4.
Quang cảnh buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Trần Văn Chuyện; Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Văn Mẫn và lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Sóc Trăng.
Năm 2016 được xem là một năm có quá nhiều khó khăn với Sóc Trăng khi tỉnh này là một trong nhiều tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ phải công bố tình trạng thiên tai khi xâm nhập mặn trên diện rộng gây tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Sóc Trăng được biết đến là một trong những tỉnh đi đầu về chống hạn mặn.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, trong việc chống hạn mặn xâm nhập, Sóc Trăng tập trung vào 3 mũi nhọn là chuyển đổi mùa vụ để thực hiện vụ Đông Xuân trước Tết Nguyên đán, cơ cấu lại bộ giống lúa và không giao chỉ tiêu cho các huyện.
Dù vậy, những hệ luỵ của thời tiết vẫn kéo dài cho đến nửa đầu năm 2017, kéo theo năng suất lúa bị giảm.
Nếu năm 2016 là không có mưa năm nay thì có mưa nhưng lại là những cơn mưa trái mùa đã tiếp tục gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành nông nghiệp.
Trong khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi vẫn khó khăn, dịch bệnh tái phát trên đàn gia cầm hơ 9.000 con. Việc không giao chỉ tiêu cho các huyện về sản xuất lúa cũng khiến sản lượng giảm.
Từ thực tế trên, theo ông Nguyễn Văn Thể, trong thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục làm tốt công tác chống hạn mặn cũng như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, theo dõi sát tình hình thả nuôi tôm với kỳ vọng 2017 sẽ là một năm đạt sản lượng cao về tôm nuôi.
Đầu tư cho nông nghiệp là một dung quan trọng mà Sóc Trăng đang phấn đấu thực hiện, từ đó góp phần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có việc vận động nhân dân tham gia Hợp tác xã.
"Không thể để người dân làm ăn cá thể. Chúng tôi khuyến khích hình thành Hợp tác xã. Nếu dân không có đất rộng thì gom lại hình thành hợp tác xã. Trong trồng lúa, khuyến khích người dân chuyển qua trồng lúa cao sản, xuất khẩu... chắc chắn tình hình sẽ thay đổi", ông Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Cùng với đó, Sóc Trăng tập trung phát triển một số ngành công nghiệp, khu công nghiệp, tận dụng trí tuệ và sức lao động của con em địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm để người dân địa phương không phải tha hương tìm việc tại một số tỉnh lân cận, gắn bó hơn với mảnh đất quê hương mình.
Thông qua đoàn công tác của MTTQ Việt Nam, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Sóc Trăng bày tỏ một số kiến nghị. Theo đó, ông Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong nhiệm kỳ này, "dù khó khăn thế nào đi nữa, đề nghị Trung ương thực hiện xong đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh xuống Cần Thơ".
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Theo người đứng đầu Đảng bộ Sóc Trăng, đây cũng là mong mỏi của 18 triệu dân Đồng bằng sông Cửu Long vì đây là con đường huyết mạch nối giao thông của TP Hồ Chí Minh với cả vùng và ngược lại. Cũng như vậy, Quốc lộ 60 là xương sống phía Đông của cả vùng nhưng toàn tuyến hiện nay chỉ có 1 cây cầu Đại Ngãi.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thể, Sóc Trăng và Trà Vinh là hai tỉnh nghèo và có tỉ lệ đồng bào dân tộc lớn nhất vùng đồng thời tỉ lệ hộ nghèo cũng rất cao. "Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi đặc thù, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho hai địa phương này", Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng kiến nghị.
Sóc Trăng có biển, nhưng đất đai chủ yếu là đất đồi chịu ảnh hưởng cả biến đổi khí hậu là sạt lở nghiêm trọng, do vậy, theo ông Nguyễn Văn Thể, phải có giải pháp trong việc gia cố, xây dựng, ưu tiên đầu tư đê kè góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ từng tấc đất.
Chia sẻ và ghi nhận với những nỗ lực của Sóc Trăng trong thời gian qua, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trong kế hoạch 2017, Sóc Trăng có rất nhiều chỉ tiêu, tuy nhiên cần bổ sung chỉ tiêu giám sát thu nhập trong đó chẻ nhỏ thu nhập của một người nông dân là bao nhiêu.
Đối với phát triển nông nghiệp, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, từ bài học chuyển đổi giống lúa trong thời gian qua, Sóc Trăng nên tiếp tục nghiên cứu việc chuyển đổi giống trái cây thích ứng với biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng.
Để góp phần thực hiện nhiệm vụ này, việc hình thành hợp tác xã cần gắn với nông nghiệp công nghệ cao để tìm những giống cây lai ghép cho ra sản phẩm tối ưu nhất.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng phát biểu tại buổi làm việc.
Trong thâm canh con tôm, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, giống tôm, quy hoạch vùng tôm liền khoảnh và vận động bà con vào hợp tác xã nuôi tôm là những vấn đề quan trọng nhất. Nếu tiếp tục duy trì kinh doanh hộ cá thể, người nông dân vẫn yếu thế trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh. Chỉ có vào hợp tác xã mới đảm bảo được chất lượng sản phẩm, không bị ép giá và xây dựng được thương hiệu.
Đối với những sản phẩm chủ lực như tôm, bò thì phải có liên hiệp hợp tác xã.
"Sóc Trăng cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ giám đốc hợp tác xã. Người làm giám đốc hợp tác xã phải là người am kiểu kỹ thuật, kinh tế. Để tuyển được giám đốc hợp tác xã, tỉnh phải đứng ra ký hợp đồng với những người này rồi tiến hành làm thí điểm, sau đó chuyển giao dần dần cho bà con", Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Là một tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, Sóc Trăng cần phải quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ người Khmer.
Để ổn định chính trị cũng như thực hiện nghiêm túc Nghị quyết trung ương 4 (khoá XII), Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc gì dân bức xúc, Mặt trận phải biết, từ đó kiến nghị chính quyền cùng cấp để giải quyết bức xúc, bắt đầu từ những bức xúc nhỏ nhất.
"Không thể để việc nhỏ tích tụ thành lớn", người đứng đầu Mặt trận nhấn mạnh.