Phim truyện điện ảnh nhìn từ giải Cánh diều: Vui vui buồn buồn
Tối nay (9/4), tại TP HCM, Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam - Cánh diều 2016 chính thức được sướng tên. Cánh diều vàng, cánh diều Bạc rồi sẽ có chủ. Sẽ có người vui và có những người buồn. Nhưng điều có lẽ đáng quan tâm hơn, ấy là chuyện phim có tính giả trí đang áp đảo tại giải Cánh diều năm nay.
Cảnh trong phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”.
Nhiều tên tuổi mới
Với 118 phim (19 phim truyện điện ảnh, 20 phim truyện truyền hình, 13 phim hoạt hình, 52 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 16 phim ngắn) và 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh; những ngày qua giải Cánh diều đã chiêu đãi khán giả yêu điện ảnh nước nhà cơ hội được xem phim miễn phí thỏa thích.
Riêng với khán giả của dòng phim truyện điện ảnh đã theo dõi 19 bộ phim được chiếu miễn phí tại 5 cụm rạp Cinebox, Cinestar Quốc Thanh, CGV Thảo Điền, BHD, Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh. Năm nay, với việc tổ chức tại TP HCM, BTC mong muốn làm một cuộc “đổi gió” thú vị cho giới làm nghề cũng như thu hút công chúng khán giả của thành phố phương Nam vốn được cho là có thói quen tới rạp hơn khán giả miền Bắc.
19 bộ phim truyện điện ảnh tham gia tranh giải Phim truyện điện ảnh giải Cánh diều 2016 gồm: Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn), Sút (Việt Max), Tấm Cám - chuyện chưa kể (Ngô Thanh Vân), Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng), Chạy đi rồi tính (Nam Cito - Bảo Nhân), Fan cuồng (Charlie Nguyễn), Sài Gòn anh yêu em (Lý Minh Thắng), Sứ mệnh trái tim (Đỗ Đức Thịnh), Chờ em đến ngày mai (Đinh Tuấn Vũ), 12 chòm sao - vẽ đường cho yêu chạy (Vũ Ngọc Phượng)... Nhìn vào danh sách phim truyện tham gia năm nay, nổi lên những cái tên đạo diễn mới, như Bảo Nhân, Đinh Tuấn Vũ, Vũ Ngọc Phượng, Trần Kamy, Ngô Thanh Vân, Việt Max...
Với những người trong nghề, giải Cánh diều cũng là dịp để mọi người cùng có điều kiện ngồi lại xem tất cả những phim đã được ra rạp trong một năm, có được cái nhìn tổng thể về tình hình sản xuất phim, về nhu cầu của khán giả và hiệu ứng khán giả với từng bộ phim.
Phim tư nhân “lên ngôi”
Trước thềm đêm trao giải, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát không giấu giếm: Số lượng phim tham gia tranh giải Cánh diều càng ngày càng tăng lên, đó là một tín hiệu vui. Theo bà Ngát, số lượng phim Việt Nam sản xuất trong năm qua tăng đáng kể, trong đó đặc biệt là TP.HCM với nhiều nhà sản xuất, nhiều phim ra mắt và các rạp hoạt động sôi nổi. Ở thể loại gây chú ý nhất là phim truyện, toàn bộ 19 phim đều của nhà sản xuất phía Nam và tư nhân.
Tuy nhiên, nhìn nhận về “cán cân” giữa phim do nhà nước và phim do tư nhân sản xuất, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng thẳng thắn bày tỏ tâm trạng cá nhân của mình: “Tôi thấy vui là điện ảnh tư nhân đi lên, còn buồn là điện ảnh nhà nước đi xuống. Không có một bộ phim truyện của điện ảnh nhà nước nào được sản xuất trong năm qua, nên cũng vắng mặt ở giải Cánh diều 2016”. Phân tích kỹ hơn, bà Ngát cho rằng: Năm nay có một đặc thù rất buồn là các hãng phim ở phía Bắc không có phim để tham dự. Hãng phim truyện Việt Nam hầu như không, hãng phim Giải phóng cũng vậy, ngoài 5 phim đề tài miền núi kinh phí thấp mà lại dự thi ở thể loại phim truyền hình dài tập và ngắn tập.
Việc phim tư nhân áp đảo cho thấy một thực tế đáng buồn, như bà Ngát nói. Nhưng có một thực tế “đáng vui”, đó là khi tư nhân chấp nhận bỏ vốn đầu tư và chấp nhận gửi đi dự thi. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh thu thương mại của phim khi chiếu rạp sẽ thụt giảm. Ví như phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng đầu tư 18 tỷ đồng vừa ra rạp hôm 5-4 thì đồng thời chiếu miễn phí trong khuôn khổ giải Cánh diều. Tất nhiên, không phải tất cả đều có “duyên phận” như “Cha cõng con”. Nhiều phim tư nhân gửi dự thi Cánh diều sau khi đã chiếu rạp trong suốt thời gian qua như “Fan cuồng”, “Truy sát”, “Lộc phát”, “Tấm Cám- Chuyện chưa kể”… Không ngoại lệ, có những nhà làm phim quan niệm, gửi tham dự Cánh diều nếu ăn giải thì vui, không thì… cũng chẳng mất gì.
Một thực tế khác đó là khi nhìn vào danh sách 19 bộ phim truyện tranh giải năm nay sẽ dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng dòng phim chính luận do nhà nước đầu tư. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tâm tư: “Bây giờ ai cũng có thể làm phim. Nhiều người nghĩ đây là lĩnh vực để đầu tư sinh lời nhanh chóng, lãi hơn là mở nhà hàng. Nhưng sự thiếu hụt chuyên môn, định hướng, tầm nhìn dẫn đến nhiều phim xem rất mệt. Nhiều phim rất tầm phào. Nghệ thuật rất công bằng, bỏ tâm sức thì tác phẩm sẽ sống được lâu hơn. Nên một năm cũng chỉ 1-2 phim đọng lại, càng không dễ tìm được tác phẩm vừa có tính nghệ thuật cao vừa hút khách”.