Đề nghị truy tố đại gia Tòng 'Thiên Mã' tội lừa đảo
Trong vụ án VDB Cần Thơ, ông Phan Bá Tòng, nguyên giám đốc Cty Thiên Mã và bà Trần Thị Diễm, nguyên kế toán trưởng bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Phan Bá Tòng trong lần làm việc với CQĐT.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án hình sự tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Chi nhánh Ngân hàng phát triển Việt Nam khu vực Cần Thơ - Hậu Giang (VDB Cần Thơ) liên quan đến ông Phan Bá Tòng, giám đốc Công ty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã (Cty Thiên Mã) trong đó truy tố ông Phan Bá Tòng, nguyên giám đốc Cty Thiên Mã và bà Trần Thị Diễm, nguyên kế toán trưởng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công ty Thiên Mã thành lập từ năm 2005, ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thủy sản, với vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Các thành viên góp vốn là Phan Bá Tòng góp 66,5 tỷ đồng, tương đương 95% và bà Trần Thị Kim Yến (vợ Tòng), góp là 3,5 tỷ đồng tương đương 5%. Người đại diện theo pháp luật là Phan Bá Tòng (Tòng "Thiên Mã"), Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty.
Cty Thiên Mã quan hệ tín dụng với VDB Cần Thơ 2 loại tín dụng là: Tín dụng đầu tư (TDĐT) và tín dụng xuất khẩu (TDXK) từ năm 2008. Quá trình ký kết, thực hiện các hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu, đến ngày 31/3/2016, Công ty Thiên Mã nợ VDB Cần Thơ trên 471 tỷ đồng trong đó, số tiền nợ gốc hơn 147 tỷ đồng. Các khoản vay TDĐT của Cty Thiên Mã tại VDB Cần Thơ phần lớn được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay (Nhà máy chế biến Thủy sản Thiên Mã 3). Toàn bộ dư nợ nêu trên đã được VDB phân loại nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, các tài sản đảm bảo không có khả năng tất toán các khoản vay gốc và lãi.
Trong quá trình ký kết, thực hiện các hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu, đến ngày 31/3/2016, Công ty Thiên Mã nợ VDB Cần Thơ trên 471 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ gốc là 147 tỷ đồng.
Theo Kết luận điều tra, trong khoản vay TDĐT tại VDB 120 tỷ đồng, từ 29/9/2009 đến 15/6/2010, VDB đã giải ngân 89,836 tỷ đồng để đầu tư nhà máy chế biến thủy sản Thiên Mã 3 với tổng giá trị hơn 154 tỷ đồng. Ngày 31/3/2015, VDB và Cty Thiên Mã tiến hành định lại giá trị tài sản, xác định còn 80,861 tỷ đồng. Nợ quá hạn của Cty đến lúc này là 102,710 tỷ đồng trong đó nợ gốc hơn 70,726 tỷ đồng.
Đối với khoản vay TDXK, tính đến 31/3-2016 (lúc Tòng "Thiên Mã" bị bắt), Cty Thiên Mã còn nợ quá hạn tại VDB tổng số tiền gần 367 tỷ đồng trong đó nợ gốc là 147,334 tỷ đồng, nợ lãi 219,6 tỷ đồng.
CQĐT kết luận: ông Phan Bá Tòng chỉ đạo kế toán trưởng Trần Thị Diễm tạo dựng báo cáo tài chính khống từ thua lỗ thành kinh doanh có lãi và làm hồ sơ khống mua cá nguyên liệu để chứng minh sử dụng vốn vay đúng mục đích để ngân hàng giải ngân tiếp.
Cũng theo kết luận điều tra, từ năm 2009, 2010, trước tình hình khó khăn về xuất nhập khẩu cá tra, những lần VDB giải ngân, Cty Thiên Mã dùng tiền giải ngân để trả nợ cho chính khỏan vay trước đó. Chính Phan Bá Tòng cũng thừa nhận như thế.
CQĐT kết luận: Sau khi xử lý tài sản đảm bảo và thu nợ tài sản, ông Phan Bá Tòng, giám đốc Cty Thiên Mã sử dụng vốn không đúng mục đích khi vay vốn và chiếm đoạt 147,334 tỷ đồng. Bà Trần Thị Diễm, kế toán trưởng lập khống chứng từ, lập khống hồ sơ để vay vốn, ký 285 phiếu chi trị giá gần 180 tỉ và ký 252 phiếu nhập kho và 51 sổ chi tiết thanh toán.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng luật sư Vạn Lý, bản Kết luận điều tra còn nhiều khoản chưa được làm rõ như: Chưa chứng minh được quá trình kinh doanh, Cty Thiên Mã làm lỗ là bao nhiêu; chưa chứng minh được số tiền lãi đã nộp cho các ngân hàng trong qúa trình vay vốn kinh doanh…