Phát triển nhiệt điện than: Được không thể bù mất

Tuấn Việt 11/04/2017 09:05

Hàng chục nghìn người thương vong mỗi năm, nguy hại hơn, những tác động xấu với môi trường không khí về lâu dài sẽ khó có thể chữa lành, hậu quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều triệu người. Đó là cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với sự hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than hiện nay.

Theo WHO, nhà máy nhiệt điện than mỗi lần vận hành sẽ thải ra không khí một lượng lớn bụi (các loại PM), khí SO2, NO2… Những hợp chất này, kết hợp với thời tiết ẩm ướt sẽ tạo ra sương mù, mưa axit, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Một thống kê cho thấy, số người chết do nhiệt điện than gây nên ở Việt Nam (căn cứ vào các loại bệnh thuộc nhóm này), khoảng 4.000 người mỗi năm, bằng gần nửa số người chết do TNGT nỗi năm.

Ngoài ra, cứ một quốc gia có 100 nhà máy nhiệt điện than, tương ứng sẽ có khoảng 25.000 thiệt mạng và gấp 3 lần số này chịu ảnh hưởng bệnh tật suốt đời do các chất độc hại đào thải ngoài không khí.

Nguy hại hơn, tại những vùng có nhà máy nhiệt điện than, tình hình an ninh lương thực sẽ thiếu hụt, vì bụi và axit từ các ống khói thải vào không khí sẽ khiến hàng triệu ha hoa màu, cây cối bị ảnh hưởng, từ năng suất đến chất lượng.

“Các nhà máy nhiệt điện chạy than để tạo điện, có ưu thế giá thành đầu vào rẻ hơn các loại hình tạo điện khác. Tuy nhiên, những tác hại đối với sức khỏe con người là khôn lường. Nhiều quốc gia trên thế giới đã từng phải trả giá đắt vì những lò phun khí chết người này”- WHO cảnh báo.

Nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường đang được các cơ quan chức năng tìm giải pháp xử lý.

Đó có lẽ là lý do, đến năm 2006, 7 quốc gia châu Âu gồm Pháp, Đức, Italya… đã đóng cửa 109 nhà máy nhiệt điện than. Năm 2011, Mỹ đã đóng cửa 165 nhà máy nhiệt điện than và đến năm 2015 đã hủy bỏ 179 dự án xây dựng mới.

Trong năm 2016, khi môi trường không khí tại nhiều thành phố ở Trung Quốc ô nhiễm nặng, quốc gia với mệnh danh ông vua “chuyên sản xuất công nghệ tối ưu về nhiệt điện than” cũng đã phải ra sắc lệnh đóng cửa cả trăm nhà máy điện than trong toàn quốc.

85 dự án nhiệt điện than của 13 tỉnh phía Nam Trung Quốc đầu năm 2017 cũng bị xóa sổ. Đây rõ ràng là những tuyên bố cương quyết của không chỉ Trung Quốc, nhằm chống ô nhiễm môi trường do các nhà máy nhiệt điện than- kẻ thù của những lá phổi, gây nên.

“Nghịch lý là Việt Nam đang tồn tại nhiều nhà máy nhiệt điện than và số lượng sẽ còn gia tăng khi các dự án nhiệt điện than trong vài năm nữa ngày một nở rộ”- WHO nhấn mạnh

Theo báo cáo của Bộ Công thương, cả nước có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than, riêng Đồng bằng sông Cửu Long có 14 nhà máy. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than đã và đi hoạt động.

Nhiều trong số này là các siêu dự án tỷ đô, với quy mô lớn. WHO cũng đặt vấn đề “Với lợi thế bờ biển dài trên 3.200 km trải dài từ Bắc xuống Nam, vì lý do gì Việt Nam không tận dụng ưu thế này để xây dựng nhà máy điện gió. Đây là loại hình nhà máy thân thiện với môi trường, công nghệ và giá thành cũng ở mức vừa phải”.

Tại Việt Nam, đã có 2 nhà máy điện gió ở Bình Thuận và Bạc Liêu đã đi vào hoạt động, trong đó, nhà máy điện gió Tuy Phong của Bình Thuận có công suất 120 MW. Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu có tổng công suất là 99,2 MW. Hàng triệu kw điện đã được sản sinh, vẫn đảm bảo môi trường sống trong sạch.

Như vậy, trong quá trình phát triển nguồn nhiên liệu, cũng rất cần có sự cân nhắc kĩ lưỡng.

Tuấn Việt