Kênh tiêu 756 tỷ đồng tại Nghệ An: Chưa xong đã sụt lún
Ngày 9/10/2012, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án công trình kênh tiêu Châu Bình thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng, có chiều dài hơn 10km, đi qua hai xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu và xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, với tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng. Công trình được khởi công tháng 10/2014. Tuy nhiên, đến nay dù công trình chưa hoàn thành nhưng đất trên mái, bờ kênh đã bị sạt lở kéo dài toàn tuyến rất nghiêm trọng.
Sụt lún xảy ra trên toàn tuyến kênh Châu Bình.
Sau hơn 2 năm rầm rộ thi công, hệ thống kênh tiêu Châu Bình thuộc Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, huyện Quỳ Châu đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hệ thống kênh tiêu trị giá hơn 750 tỷ đồng đang xảy ra hiện tượng sụt lún rất nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ hư hỏng toàn tuyến.
Số phận một dự án trọng điểm
Từ nhiều năm nay, hơn 600 hộ dân thị tứ Châu Bình và hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… luôn nằm trong tình trạng phải đối phó với ngập lụt vào mùa mưa bão. Chính vì vậy, tỉnh Nghệ An quyết định thực hiện dự án hạ cao trình chống ngập và đắp đập phụ nhằm giúp người dân chủ động trong việc đối phó với thiên tai. Tới ngày 9/10/2012, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định 3879/QĐ-UBND-NN phê duyệt Dự án công trình kênh tiêu Châu Bình thuộc Dự án hồ chứa nước Bản Mồng có chiều dài hơn 10km, đi qua hai xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu và xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (viết tắt là kênh Châu Bình) với tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng
Công trình được khởi công tháng 10/2014 sau khi có chấp thuận chỉ định thầu của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi hoàn thành thi công đưa công trình vào hoạt động sẽ đảm nhiệm chức năng tiêu thoát lũ vùng trung tâm thị tứ xã Châu Bình, đồng thời cấp nước và tạo nguồn cấp nước tưới cho hơn 180ha đất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận. Ngoài ra, kênh Châu Bình còn giúp cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực, kết hợp phát triển du lịch, phòng chống lũ hạ du...
Đây là hạng mục phát sinh sau nhưng được tỉnh Nghệ An ưu tiên cho thi công và hoàn thành trước khi thi công các công trình đầu mối của dự án nhằm chặn dòng, tích nước cho hồ Bản Mồng. Điều này có khẳng đinh, kênh Châu Bình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Dự án hồ chứa nước Bản Mồng cũng như cư dân địa phương. Vậy nhưng, công trình đang trong giai đoạn thi công cuối cùng thì xảy ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng với chiều dài hàng nhiều cây số. Dự án thủy lợi Bản Mồng nói chung và Kênh Châu Bình nói riêng là dự án trọng điểm, có mức đầu tư lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Nghệ An. Như vậy, trước sự cố nói trên, đặt ra nhiều câu hỏi đối với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cũng như nhà thầu thi công về mặt chất lượng của công trình có được đảm bảo?
Xem xét trách nhiệm
Trưa ngày 11/4, phóng viên báo Đại Đoàn Kết có mặt tại hiện trường cho thấy: Đất trên mái, bờ Kênh Châu Bình đã bị sạt lở kéo dài toàn tuyến rất nghiêm trọng. Ngay gần chân cầu bắc qua kênh xảy ra hiện tượng sạt lở với diện rộng có nguy cơ ảnh hưởng đến mố cầu; khối lượng bê tông rãnh dọc, ngang, gia cố mái, cống tiêu nước, gia cố cầu bị hư hỏng nặng. Theo người dân ở đây cho biết, tình trạng sạt lở tại hệ thống kênh này bắt đầu xuất hiện từ tháng 4/2016. Đặc biệt, vào mùa mưa bão tình trạng sạt lở trở nên phức tạp hơn nhưng người dân không thấy nhà thầu tiến hành khắc phục.
Công trình kênh Châu Bình giờ đây giống như một con mương bị tàn phá tan hoang sau trận bão lũ. Hệ thống kè bằng đá, đất ở hai bên bờ kênh sụt lún nham nhở. Nhiều đoạn giữa lòng kênh đất đá vẫn còn ngổn ngang, nhiều mố cầu bắc qua tuyến kênh này bị sạt lở nghiêm trọng. Hơn thế, tại vùng thượng lưu của dòng kênh cũng đã nhiều lần xảy ra hiện tượng sụt lún. Ban QLDA Bản Mồng (chủ đầu tư) cho rằng: Hiện tượng nước chảy xuyên trong lòng đất, nước mưa lũ dồn từ vùng đồi núi đổ xuống chính là nguyên nhân dẫn tới thảm cảnh trên.
Được biết, sau khi xảy ra sự cố kênh Châu Bình, Ban QLDA Bản Mồng đã báo cáo lên UBND tỉnh Nghệ An, Bộ NNPTNT nhằm tìm phương án xử lý. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, chủ đầu tư cũng như các bên liên quan đang bế tắc trong việc đưa ra giải pháp khắc phục. Ngành chức năng tỉnh Nghệ An cũng chưa đánh giá hết được các nguy cơ sạt lở có thể tiếp tục xảy ra.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Hoàng Nghĩa Hiếu- Giám đốc Sở NNPTNT Nghệ An cho biết: Hiện tượng sụt lún, sạt lở tại dự án kênh Châu Bình là có thật. Tuy nhiên đây là công trình sở chưa nhận bàn giao, chưa nghiệm thu nên về nguyên tắc, đơn vị thi công phải khắc phục những điểm hư hại nói trên. Ông Hiếu khẳng định: “Đơn vị thi công làm chưa xong, chưa bàn giao thì cứ thế mà làm. Về phần nguyên nhân dẫn tới hiện tượng sụt lún trên con kênh trị giá 756 tỷ đồng và trách nhiệm thuộc về ai sẽ được xem xét sau”.
Công trình kênh Châu Bình giờ đây giống như một con mương bị tàn phá tan hoang sau trận bão lũ. Hệ thống kè bằng đá, đất ở hai bên bờ kênh sụt lún nham nhở. Nhiều đoạn giữa lòng kênh đất đá vẫn còn ngổn ngang, nhiều mố cầu bắc qua tuyến kênh này bị sạt lở nghiêm trọng. Hơn thế, tại vùng thượng lưu của dòng kênh cũng đã nhiều lần xảy ra hiện tượng sụt lún. Ban QLDA Bản Mồng (chủ đầu từ) cho rằng: Hiện tượng nước chảy xuyên trong lòng đất, nước mưa lũ dồn từ vùng đồi núi đổ xuống chính là nguyên nhân dẫn tới thảm cảnh trên. |