Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ: Qui định chặt để nâng chất lượng

Thu Hương 12/04/2017 10:35

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, Thông tư về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ vừa được ban hành nhằm nâng cao chuẩn đầu ra của nghiên cứu sinh thông qua các quy định về công bố báo cáo khoa học quốc tế, chuẩn ngoại ngữ. Đồng thời, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng thông qua các quy định về điều kiện người hướng dẫn, người phản biện luận án… phải có công bố khoa học quốc tế và đề cao trách nhiệm của người hướng dẫn, hội đồng đánh giá luận án khi có khiếu

Một buổi lễ trao bằng Tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội.

Cụ thể, so với quy định hiện hành, điều kiện dự tuyển để làm nghiên cứu sinh đòi hỏi người tham gia dự tuyển phải có bằng Thạc sĩ hoặc tốt nghiệp ĐH loại giỏi, có 1 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 3 năm tính đến ngày đăng ký. Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ yêu cầu người dự tuyển có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp ĐH loại khá trở lên, có một bài luận về dự định nghiên cứu.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, việc siết quy định đầu vào của người dự tuyển là cần thiết để đảm bảo chất lượng người học vì có trường hợp, đã vào được rồi thì các trường linh động cho ra. Trong quy định mới, việc yêu cầu có 1 bài báo hoặc báo cáo đăng trên tạp chí khoa học… là phù hợp với xu thế hiện nay khi đòi hỏi người đã học đến bậc tiến sĩ cần có nghiên cứu thiết thực chứ không chỉ học để lấy bằng “cho sang”, cho oai, học để thăng quan tiến chức.

“Quy định này sẽ hạn chế được phần nào các tiến sĩ giấy, công trình xếp ngăn kéo mà xã hội vẫn đề cập đến lâu nay”- ông Nhĩ nhấn mạnh.

Đồng thời, quy chế mới xác định ngoại ngữ (đặc biệt tiếng Anh) là công cụ hỗ trợ không thể thiếu cho nghiên cứu sinh trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. Điều kiện để được dự tuyển đào tạo tiến sĩ là phải có một trong các chứng chỉ: TOEFL iBT từ 45 trở lên; IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên; TOEIC từ 500 điểm trở lên. Các chứng chỉ này do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong 2 năm (24 tháng) kể từ ngày cấp đến ngày đăng ký dự tuyển. Quy định hiện hành chỉ yêu cầu nghiên cứu sinh đạt trình độ ngoại ngữ cấp độ B1 hoặc trình độ ngoại ngữ bậc 3/6, chứng chỉ này theo Khung tham khảo châu Âu về ngoại ngữ.

Lý giải điều này, Bộ GD-ĐT cho rằng những ứng viên không sử dụng tiếng Anh trong thời gian học tập vẫn phải có khả năng giao tiếp được bằng ngoại ngữ này trong chuyên môn. Tức là người này phải diễn đạt được những vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn cho người khác hiểu và hiểu được người khác trình bày vấn đề chuyên môn bằng tiếng Anh.

Chia sẻ thêm về những tiến sĩ đã đào tạo trước đây, không đạt được trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, mỗi quy chế có một sứ mệnh riêng phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng thời kỳ mà quy chế đó có hiệu lực. Vì vậy, Quy chế mới này cũng như hầu hết các văn bản pháp luật khác đều không áp dụng hiệu lực hồi tố, không yêu cầu các tiến sĩ đã đào tạo trong thời gian trước khi Quy chế có hiệu lực phải đáp ứng điều kiện của Quy chế này.

Tuy nhiên, khi Quy chế mới này có hiệu lực, các tiến sĩ đã được đào tạo trước đây, nếu không hoàn thiện được các điều kiện theo chuẩn mới thì không thể trở thành giảng viên hay người hướng dẫn nghiên cứu sinh, không thể tham gia vào quá trình đào tạo tiến sĩ trong thời gian tới.

Về điều kiện bảo vệ luận văn tiến sĩ, quy định mới yêu cầu nghiên cứu sinh phải có ít nhất 1 bài đăng trong tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 2 báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện (Peer Review) hay 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác. Bộ GD-ĐT đưa ra quy định này chủ yếu để nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ của Việt Nam, yêu cầu nghiên cứu sinh phải có kết quả nghiên cứu mới, được quốc tế thừa nhận; tránh tình trạng một số luận án chủ yếu là nghiên cứu tổng quan, kiến nghị chung chung, không có đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực nghiên cứu, không làm gia tăng tri thức khoa học hoặc không giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi phải nghiên cứu…

“Đào tạo tiến sĩ chủ yếu là đào tạo ra những giảng viên, nhà nghiên cứu… nên nhìn chung, phải đáp ứng được yêu cầu “không biên giới” của các lĩnh vực khoa học, đảm bảo hội nhập quốc tế” – bà Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.

Trao đổi với TS Phạm Văn Bổng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, được biết nhà trường đã bắt đầu đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí (hướng chuyên sâu: Công nghệ chế tạo máy) từ năm 2015 và đến thời điểm này chưa có nghiên cứu sinh nào bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Việc Bộ GD-ĐT ban hành quy chế mới có hiệu lực từ 18/5/2017 không chỉ nhằm nâng cao chuẩn đầu vào và nâng đầu ra đối với các tiến sĩ tương lai mà còn là cơ hội để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của ngành và xã hội đặt ra.

Đặc biệt là yêu cầu về điều kiện người hướng dẫn, người phản biện luận án… phải có công bố khoa học quốc tế và đề cao trách nhiệm của người hướng dẫn, hội đồng đánh giá luận án khi có khiếu kiện về bản quyền tác giả… là những vấn đề nhà trường sẽ phải họp bàn và nếu cần thì bổ sung, thay đổi, tuyển mới… để đảm bảo yêu cầu Bộ GD-ĐT đề ra.

Thu Hương