Hé lộ thị trường mua bán nô lệ ở Libya
Trong khi làn sóng người di cư trên thế giới vẫn chưa chấm dứt thì người di cư đến từ Tây Phi đang đứng trước thảm cảnh bị mua và bán công khai trên các thị trường nô lệ trong lãnh thổ Libya- một cơ quan của LHQ chuyên hỗ trợ những nô lệ hiện đại cho hay.
Đoàn người di cư thoát khỏi Libya trong quá trình hồi hương
được IOM tổ chức. (Nguồn: Reuters).
Trước đây, nhiều người di cư bị vận chuyển trái phép qua lãnh thổ Libya đã được báo cáo trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực, tra tấn và bị bán làm nô lệ. Tuy nhiên, báo cáo mới của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) công bố mới đây cho thấy tình trạng buôn bán nô lệ đã trở nên công khai hơn bao giờ hết.
“Các báo cáo mới nhất về các thị trường nô lệ chuyên mua bán người di cư hiện nay rất đáng lo ngại”- Mohammed Abdiker, người đứng đầu văn phòng khẩn cấp và điều phối chiến dịch của IOM, cho hay. “Tình hình rất khẩn cấp. IOM càng ở lâu ở Libya, thì chúng tôi càng nhận ra rằng người di cư đang phải đối mặt với nghịch cảnh như thế nào”.
Quốc gia Bắc Phi này là một điểm đến lớn đối với những người di cư đến từ khắp châu Phi với hy vọng tìm các con tàu cập cảng châu Âu. Nhưng kể từ sau khi cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị lật đổ, đất nước này đã rơi vào tình trạng bạo lực, hỗ loạn trong khi người di cư lại không có đủ tiền hoặc giấy tờ tùy thân để di chuyển sang nước khác.
Một người đàn ông Senegal 34 tuổi may mắn sống sót nói với IOM rằng ông đã bị đẩy tới thành phố Sabha, phía Nam Libya, sau khi từ Niger băng qua sa mạc trên một chuyến xe buýt do những kẻ buôn người vận hành. Nhóm của ông đã trả tiền để được chúng đưa tới bờ biển, nơi mà họ liều mạng lên những con thuyền tồi tàn băng biển để đến châu Âu. Tuy nhiên, đi giữa đường, tài xế nói rằng kẻ trung gian đã không trả đủ tiền cho ông ta nên người này đã tuyên bố sẽ bán hành khách.
“Những hành khách trên xe thường bị đưa tới một quảng trường, hay một bãi đậu xe, nơi mà hàng loạt các hoạt động mua bán nô lệ diễn ra công khai. Có nhiều người dân địa phương đã tham gia phiên mua bán này”- Livia Manante, một quan chức IOM đang hoạt động tại Niger, cho hay. Bà Manante đã phỏng vấn người đàn ông 34 tuổi trên sau khi ông may mắn rời khỏi Libya hồi đầu tháng, và cho hay việc xuất hiện các thị trường buôn bán nô lệ công khai cũng được một số người nhập cư khác mà bà từng phỏng vấn xác nhận.
“Một số người di cư khác cũng xác nhận câu chuyện của người đàn ông nọ, trong đó mô tả về đủ kiểu chợ nô lệ và đủ kiểu mua bán tù nhân làm nô lệ ở Libya”- bà Manante nói. “IOM cũng đã xác nhận câu chuyện này, bởi từng có nhiều câu chuyện tương tự liên quan tới mua bán người di cư làm nô lệ trước đây”.
Sau khi bị bán đi, người đàn ông Senegal đã bị mang tới một nhà tù. Những tù nhân tại đây bị ép buộc phải làm việc mà không có tiền lương, hoặc bị bỏ đói trong khi những kẻ giam hãm họ liên hệ với gia đình các nạn nhân để đòi tiền chuộc. Người đàn ông Senegal cho hay ông đã bị ép phải trả khoản tiền chuộc 300.000 franc châu Phi. Những người di cư bị lưu lại nhà tù này quá lâu mà không được trả tiền chuộc sẽ bị đem đi hành quyết. Một số tù nhân không qua khỏi trong điều kiện sống thiếu vệ sinh, chết vì đói khát hoặc dịch bệnh, thế nhưng số lượng tù nhân không hề giảm.
“Nếu như số lượng tù nhân giảm, chủ yếu do bị chết hoặc đã được tự do sau khi được trả tiền chuộc, những kẻ bắt cóc lại ra các khu chợ nô lệ để mua thêm”- bà Manante cho hay.
Hiện nay, có rất nhiều người di cư có nguồn gốc từ các nước châu Phi đã rời khỏi Libya với những câu chuyện tương tự để kể- Giuseppe Loprete, Trưởng phái đoàn IOM tại Niger, cho hay. “Rõ ràng là những con người này đang bị đối xử như nô lệ”- ông Loprete nói thêm.
Được biết, Văn phòng của ông Loprete đến nay đã sắp xếp quá trình hồi hương cho khoảng 1.500 người bị bán làm nô lệ trong 3 tháng đầu năm nay – gần bằng tổng số lượng người mà họ cứu giúp trong cả năm 2015. Ông Loprete lo ngại rằng vấn nạn này sẽ còn tiếp tục đi theo chiều hướng xấu trong tương lai.
“Ngày càng có nhiều người di cư tìm cách thoát khỏi Libya, bởi vậy mà câu chuyện về thị trường nô lệ mới được hé lộ”- ông Loprete nói và cho biết thêm: “Tình hình ở Libya thì ngày càng trở nên tồi tệ, bởi vậy tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải chứng kiến nhiều hơn tình trạng này trong các tháng tới đây”.
Ngoài vấn nạn người di cư bị mua bán như nô lệ, một vấn đề khác thậm chí còn đáng quan ngại hơn mà họ đang phải đối mặt chính là bị lạm dụng. IOM mới đây công bố một số báo cáo cho thấy có nhiều băng nhóm tội phạm đóng giả các tổ chức cứu trợ nhằm đánh lừa người di cư.
Hiện IOM đang nỗ lực tuyên truyền sự cảnh giác cho cộng đồng người dân trên khắp khu vực Tây Phi về các chiêu trò của băng nhóm buôn bán người. Dù phần lớn người di cư đều hiểu sự rủi ro của các hành trình vượt biển đến châu Âu, nhưng ít người nhận thấy rằng họ đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa hơn khi tới Libya.