Nghi phạm vụ tấn công tại Thụy Điển thừa nhận khủng bố
Rakhmat Akilov là nghi phạm chính trong vụ tấn công bằng xe tải xảy ra tại Stockholm, Thụy Điển khiến 4 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương đã thừa nhận thực hiện một hành vi khủng bố - luật sư của nghi phạm nói trong một phiên tòa tổ chức trong hôm 11/4.
Luật sư Eriksson tuyên bố thân chủ của ông đã thừa nhận hành vi khủng bố. (Nguồn: AP).
Cảnh sát Thụy Điển tin rằng nghi phạm Akilov, 39 tuổi đến từ Uzbekistan, chính là tài xế đã lái một chiếc xe tải chở bia tông bừa vào đám đông khách bộ hành trên một tuyến phố sầm uất ở thủ đô của nước này trong hôm thứ Sáu tuần trước, trước khi đâm vào một cửa hàng mua sắm gần đó.
“Quan điểm của thân chủ tôi là, ông ta đã thừa nhận thực hiện một hành vi khủng bố bởi vậy chấp nhận việc ông sẽ bị giam giữ” – Johan Eriksson, luật sư đại diện cho nghi phạm Akilov, nói trong một phiên tòa xét xử nhằm quyết định xem kẻ này có bị giam giữ để thẩm vấn hay không.
Akilov, người đã đi vào phòng xử án trong một áo trùm đầu màu xanh lá cây trước khi ngồi xuống băng ghế gần luật sư cùng người phiên dịch của mình, đã bị bắt giữ chỉ vài giờ sau khi vụ tấn công xảy ra. Kẻ này bị bắt giữ do mức độ tình nghi đặc biệt cao mà hệ thống pháp lý Thụy Điển đưa ra. Được biết nghi phạm Akilov trước đây đã từng bị cảnh sát truy nã vì không tuân thủ chỉ thị trục xuất của chính quyền nước này.
Các cơ quan an ninh Thụy Diển cũng cho hay Akilov từng nhiều lần thể hiện sự đồng cảm với các tổ chức cực đoan trên thế giới, đáng chú ý nhất trong số này là tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tuy nhiên lại chưa từng coi kẻ này là một mối đe dọa khủng bố.
Nghi phạm Akilov trước đó đã yêu cầu thay thế luật sư của mình bằng một luật sư khác người Hồi giáo dòng Sunni, tuy nhiên tòa án đã bác bỏ yêu cầu này.
Vụ tấn công được xem là hành động khủng bố nghiêm trọng xảy ra hồi tuần trước mang ý nghĩa đặc biệt khi nó dường như phá vỡ cảm giác rằng đất nước Bắc Âu yên bình này luôn tách biệt khỏi tình trạng bạo lực do phiến quân Hồi giáo mang tới, vốn đã ảnh hưởng tới nhiều phần khác của châu Âu. Tuy nhiên, giới chính trị nước này vẫn đưa ra quan điểm rằng Thụy Điển vẫn luôn là một xã hội cởi mở và vị tha.