Mặt trận không đứng ngoài cuộc khi báo chí phản ánh tiêu cực
Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị giao ban công tác thông tin, tuyên truyền giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ngày 12/4.
Dự hội nghị còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Lê Bá Trình; Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý; Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM Nguyễn Ngọc Lương; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết; ông Lê Ngọc Đỉnh, Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan báo chí khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị cùng Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn
và Phó Chủ tich Lê Bá Trình.
Báo chí phải là hàn thử biểu đo được nóng lạnh trong nhân dân
Tại hội nghị nhiều ý kiến của đại diện các tổ chức chính trị xã hội, lãnh đạo các tờ báo trong hệ thống Mặt trận đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thực tiễn để công tác thông tin, tuyên truyền đạt hiệu quả cao trong năm 2017.
Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên Đặng Thị Phương Thảo cho rằng báo chí là kênh quan trọng để lắng nghe nhân dân. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có khối báo chí mạnh với nhiều tờ báo lớn có số lượng phát hành lớn với uy tín và tính phản biện mạnh. Đây là thế mạnh cần liên kết các tờ báo để tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.
Bà Thảo nhận định, Internet đã thay đổi và tác động lớn tới báo chí dẫn tới sự sụt giảm lượng phát hành của nhiều tờ báo giấy. Chính vì vậy các tờ báo cần đổi mới trong hoạt động thu hút độc giả bằng sự chính trực, xác tín của thông tin, bảo vệ lẽ phải đấu tranh với tiêu cực.
Để báo chí làm tốt chức năng giám sát phản biện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên đề nghị cần thực hiện tốt quy chế phát ngôn, không né tránh thông tin, không có những áp lực mềm để báo chí phản biện và thực sự là hàn thử biểu đo được nóng lạnh trong nhân dân.
Chia sẻ về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Nhà báo Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho rằng việc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng lãng phí chính là để xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đời sống của người dân tốt đẹp hơn.
Ông Hồng Thanh Quang cho rằng, phải quan tâm đến việc xử lý những vụ việc mà báo chí đã nêu. Nếu chính quyền không giải quyết những vụ việc này dẫn đến tồn đọng sẽ làm giảm niềm tin của nhân dân và xã hội.
Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận Vũ Văn Tiến đề nghị, trong việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cần chọn nội dung cụ thể mới đạt hiệu quả cao nhất. Các cơ quan báo chí tập trung vào phản ánh việc tham ô, tham nhũng về nhà công vụ và xe công vụ vì thực tế nhiều cán bộ về hưu vẫn dùng nhà công vụ, xe công vụ của tổ chức không trả.
Vấn đề ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp và nhà máy. Hội nông dân, hội cựu chiến binh và các tổ chức rất cần vào cuộc. Hay tình trạng bán hàng đa cấp hiện không chỉ tồn tại ở các đô thị mà còn tràn lan ở nông thôn. Báo chí phải vào cuộc để cứu người dân, cứu những người không có kiến thức đang chịu ảnh hưởng sức khoẻ và tài sản.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý chia sẻ, hiện báo in, báo giấy gặp sức ép lớn trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay. Báo in của Hội hầu như không bán ra thị trường, việc đưa báo xuống cơ sở cũng bị cắt giảm.
“Đề nghị, MTTQ Việt Nam có kiến nghị Nhà nước hỗ trợ báo giấy của các tổ chức chính trị xã hội để đưa báo đến vùng sâu vùng xa vùng biên giới hải đảo để báo chí tiếp tục đứng vững, duy trì và phát huy nỗ lực của mình trong việc đưa thông tin đến với người dân.”, bà Lý đề xuất.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết kiến nghị việc thu thập, nắm tình hình tư tưởng ở cơ sở vẫn gặp khó. Nếu Trung ương không xuống thì không thể thu thập được thông tin trong khi đó năng lực phản ánh của cán bộ cơ sở còn hạn chế thậm chí còn có tình trạng địa phương giấu không cho phản ánh. Từ thực tế trên đại diện Hội LHPN Việt Nam đề nghị MTTQ Việt Nam nghiên cứu có cơ chế để cán bộ cơ sở nắm và phản ánh thông tin.
Nhà báo Vũ Tiến – Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong chia sẻ hiện nay báo điện tử đang “áp đảo” báo giấy tuy nhiên văn hóa đọc sẽ vẫn tiếp tục được duy trì và tồn tại chính vì vậy báo giấy không thể chết mà cần phải đưa ra định hướng để đổi mới, phát triển báo giấy.
Theo nhà báo Vũ Tiến sự kết hợp của báo điện tử và mạng xã hội sẽ làm tiền đề cho sự phát triển của báo giấy. Hiện báo Tiền phong đang hợp tác với báo Nông thôn Ngày nay ra một chuyên trang cho bà con vùng dân tộc thiểu số vì đối với những vẫn đề chuyên sâu báo mạng không thể làm được, báo giấy vẫn là công cụ cần thiết đối với người dân.
Cũng theo Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong, đối với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII báo chí không thể tránh khỏi những vấn đề “sáng đăng, trưa gỡ”.
“Chính vì vậy báo chí cần xác định là minh bạch thông tin và dám chịu trách nhiệm trong những vấn đề nhạy cảm hiện nay để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4” ông Vũ Tiến nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị.
Đánh giá hiệu quả, tác động của từng bài viết chống tiêu cực
Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, việc phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thể hiện quyết tâm của Mặt trận và các tổ chức trong tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đi vào cuộc sống.
“Trong thời gian tới cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng các tờ báo, phát hành báo đến bạn đọc, đến đoàn viên, hội viên.”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí thuộc khối Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm phản ánh những vấn đề nóng được dư luận quan tâm cùng với đó cần tuyên truyền những tấm gương điển hình, người tốt việc tốt để tạo hiệu ứng, lan tỏa trong xã hội.
“Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cái chính vẫn là phòng, vì phòng làm tốt thì hiện tượng tham nhũng sẽ giảm đi, hệ thống Mặt trận phải là đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí này.”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý các cơ quan báo chí cần quan tâm tuyên truyền về an toàn thực phẩm, tích cực hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí”. Việc thực hiện phải có sơ kết hàng tuần, hàng tháng để đánh giá hiệu quả, tác động của từng bài viết.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.
Tăng cường chia sẻ thông tin
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, để phát huy hiệu quả của các cơ quan báo chí trong thông tin tuyên truyền cần có sự chia sẻ thông tin định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm giữa ban tuyên giáo MTTQ Việt Nam với các tổ chức chính trị xã hội. Bên cạnh đó cần có sự luân phiên trao đổi, thảo luận giữa các cơ quan báo chí trong Khối về những vấn đề, hiện tượng mà dư luận xã hội quan tâm để tuyên truyền, phản ánh.
Từ kết quả hoạt động của Hội nông dân thu thập ý kiến nông dân qua việc thiết lập đường dây nóng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần có đánh giá về hình thức này xem tác dụng đến đâu, hướng giải quyết như thế nào để tạo sự lan tỏa và phối hợp giữa các cơ quan trong việc nắm tình hình nhân dân, dư luận xã hội
Trước thực trạng khó khăn đang đặt ra đối với các tờ báo giấy, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, trong quý III-2017 các báo nên tổ chức tọa đàm trao đổi chia sẻ về vấn đề báo giấy có thể sống được trong thời kỳ mạng internet đang phát triển mạnh như hiện nay.
“Sức sống của báo giấy là chính là sự chuẩn mực về chính trị, chuẩn xác về thông tin, có tính xây dựng, phát triển và có nghiên cứu chiều sâu.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, trong thời gian tới MTTQ Việt Nam sẽ cùng phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các tọa đàm xung quanh việc bảo vệ phóng viên hành nghề trung thực.
Bên cạnh đó MTTQ Việt Nam sẽ làm việc với 5 bộ ngành, địa phương trong việc công khai kết luận thanh tra, công khai kết quả đấu thầu và giám sát việc thực hiện quy chế phát ngôn của cơ quan Nhà nước. Đây là nguồn thông tin chính thống cho các nhà báo, các cơ quan báo chí trong quá trình tác nghiệp
Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ nhưng cần đánh giá chính quyền đã phản ứng như thế nào với những vụ việc này. Đối với những vụ việc mà báo chí phản ánh thì Mặt trận không thể đứng ngoài cuộc. Địa phương nào có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí thì Mặt trận các cấp phải biết và phải cùng vào cuộc.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình phát biểu tại Hội nghị.
"Hàng tuần, Mặt trận các tỉnh, thành phải biết các báo viết về vụ việc ở địa phương báo đã đăng. Nếu chỉ có báo đăng mà không có người tác động xử lý thì vụ việc sẽ rơi vào im lặng. Mặt trận và các tổ chức thành viên cần tích cực tham gia vào các vụ việc này để giải quyết đến cùng hiện tượng báo chí phản ánh" Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Đối với dự thảo nghị định của bộ công an quy định nhà báo, người dân không được dùng thiết bị nguỵ trang ghi âm, ghi hình, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các cơ quan báo chí nên bày tỏ quan điểm về việc quy định sử dụng các thiết bị nghe, nhìn đối với hoạt động báo chí. Bên cạnh đó đề nghị các các ban chuyên môn của Mặt trận rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật và quy định quốc tế trên cơ sở đó Mặt trận sẽ có kiến nghị với Chính phủ.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu bên lề Hội nghị.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên Đặng Thị Phương Thảo.
Nhà báo Hồng Thanh Quang, Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết.
Nhà báo Vũ Tiến – Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong.
Nhà báo Huy Thiêm, Phó Tổng biên tập báo Cựu Chiến Binh.