Bảo tồn và phát huy sản phẩm bánh dân gian Nam Bộ

Tuấn Quang 12/04/2017 20:29

Hội thảo với chủ đề “Bánh dân gian Nam Bộ - Bảo tồn và phát huy thông qua các loại hình du lịch” vừa diễn ra ngày 7/4, trong khuôn khổ của Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ năm 2017 tại TP Cần Thơ.

Bánh dân gian Nam Bộ trong chiến lược bảo tồn và phát huy thông qua các loại hình du lịch.

Vấn đề bảo tồn và phát huy nét văn hóa ẩm thực bánh dân gian Nam Bộ (BDGNB) được nhiều đại biểu là nhà quản lí, nhà nghiên cứu, các tổ chức, công ty du lịch bàn luận sôi nổi.

Tại Hội thảo, ông Lê Minh Sơn – Phó Giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đặt ra vấn đề: Cần tìm tòi và xây dựng kho dữ liệu về bánh dân gian Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung với những câu chuyện về nguồn gốc của các loại bánh, quá trính gìn giữ của các nghệ nhân. Thậm chí cần có có những công trình nghiên cứu toàn diện về bánh dân gian một cách đầy đủ. Đi liền với đó là hệ thống và xây dựng bản đồ ẩm thực Cần Thơ. Từ đó, xây dựng các kế hoạch quảng bá, bảo tồn và phát huy nét văn hóa ẩm thực đặc trưng này.

Ông Lê Minh Sơn đề nghị: Cần xây dựng phiên chợ du lịch với không gian trải nghiệm bánh dân gian tại khu vực công cộng theo định kì. Tại đây, các nghệ nhân có dịp để trình diễn, chuyện trò cùng du khách đồng thời phiên chợ sẽ được kết nối với các đơn vị lữ hành để phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tạo sân chơi cho các nghệ nhân thông qua các cuộc thi tay nghề, nhằm gìn giữ các loại bánh truyền thống và phát huy sự sáng tạo của các nghệ nhân.

Soạn giả Nhâm Hùng nhấn mạnh: BDGNB là loại bánh do dân gian sáng tạo từ nguyên, phụ liệu ở vùng đất Nam Bộ. Ngoài việc để ăn, bánh còn dùng làm lễ vật cúng kiến trong gia đình, trong lễ hội cộng đồng, rồi dần trở thành hàng hóa, tham gia tích cực vào thị trường ẩm thực. Qua thời gian, BDGNB đã ăn sâu vào đời sống của người dân qua lời ca, tiếng hát, ca dao, tục ngữ, câu hò, điệu hát, lời rao,... đây là cơ sở quan trọng minh chứng BDGNB là một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng trên vùng đất phương Nam của Tổ Quốc.

Theo đó, soạn giả Nhâm Hùng cho rằng: Để bảo tồn và phát huy nét văn hóa ẩm thực BDGNB cần chú ý phát huy những thành công của Lễ hội BDGNB theo hướng lễ hội văn hóa, chứ không chỉ là hội chợ - mua bán đơn thuần. Đặc biệt, cần phục hồi các loại bánh truyền thống trong gia đình, cổ vũ văn hóa làm bánh, văn hóa thưởng thức, văn hóa bán bánh trên tinh thần “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Ông Trần Đông Phương An, Phó Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ cho biết: Nguồn sản xuất bánh dân gian chủ yếu từ các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình nên hầu như chưa áp dụng biện pháp đóng gói, bảo quản phù hợp. Trong khi việc áp dụng những phưng pháp bảo quản đòi hỏi phải có máy móc, thiết bị đắt tiền nên các hộ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ không thể áp dụng. Bên cạnh đó, đa phần bánh dân gian đều có hạn sử dụng ngắn, thường tiêu thụ trong ngày. Ngoài ra, việc đăng kí bảo hộ nhãn hiệu vẫn chưa được các doanh nghiệp và hộ dân sản xuất quan tâm thực hiện. Đây là những hạn chế cơ bản làm giảm sức cạnh tranh cũng như giảm khả năng mở rộng thị trường cho các loại bánh dân gian.

Ông Trần Đông Phương An đề xuất: Để nâng cao giá trị thương phẩm cho sản phẩm bánh dân gian truyền thống, giải pháp đặt ra là các cơ quan chức năng cần có quy hoạch, tập hợp các hộ sản xuất bánh dân gian trong các hợp tác xã, tổ hợp tác qua đó nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư về máy móc thiết bị, công nghệ trong quá trình sản xuất nhất là khâu bảo quản.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm TP Cần Thơ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 244 nhà hàng khách sạn, 67 điểm vườn du lịch, homestay,... hàng năm đón và phục vụ khoảng 5,3 triệu lượt khách. Đây thật sự là cơ hội, là thị trường lớn để giới thiệu các sản phẩm bánh dân gian Nam Bộ đến du khách trong và ngoài nước. Đồng thời cũng là hướng phát triển bánh dân gian trong tiến trình hội nhập.

Do đó, các làng nghề bánh dân gian cần phải liên kết với các công ty du lịch dã ngoại trong và ngoài thành phố để xây dựng các tour. Cụ thể, tại một số điểm du lịch nhà vườn, du lịch sinh thái, làng nghề nên có chương trình mời du khách tham quan, trải nghiệm, thử làm và thưởng thức bánh dân gian cùng nghệ nhân.

Tại Hội thảo, đại diện các Khu du lịch sinh thái và các công ty du lịch lữ hành đã tiến hành kí kết bản ghi nhớ trong việc đưa bánh dân gian đến với du khách trong và ngoài nước nhằm duy trì và bảo tồn bánh dân gian Nam Bộ.

Tuấn Quang