Thiêng liêng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Sáng 12/4 (16/3 âm lịch), tại làng An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) các họ tộc ở đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Trước đó, ngày 2/4 tại đình làng xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn) cũng đã tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức rất trang nghiêm.
Lễ khao lề thế lính (KLTL) Hoàng Sa là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, được tổ chức hàng năm, tri ân Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải- những dân binh năm xưa ra khơi thực hiện chủ quyền của đất nước tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Để chuẩn bị cho buổi lễ tổ chức vào ngày 12/4 năm nay, UBND xã An Vĩnh đã tiến hành phục dựng lại 5 thuyền câu cùng vật dụng của Đội dân binh Hoàng Sa và 25 linh vị ghi danh tính, chức danh từng dân binh trong đội Hoàng Sa năm xưa, kèm theo Văn tế lính Hoàng Sa.
Lễ KLTL Hoàng Sa năm nay diễn ra với nhiều phần: Lễ Chánh tế, lễ Trình, Lễ Nhập yết tại đình Sở và tại Nghĩa tự và phần chính là Lễ KLTL. Ông Phạm Thoại Tuyền, 75 tuổi (ở thôn Đông, xã An Vĩnh), hậu duệ đời thứ 5 của Chánh thủy quân suất đội Phạm Hữu Nhật - là một trong những người đã từng được triều đình nhà Nguyễn cử đi Hoàng Sa cho biết: Thời các hùng binh năm xưa có nhiệm vụ đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với đó là tìm kiếm hải vật, sản vật.
Cũng cần nhắc lại, trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi rõ: “Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên chia nhau đi biển, lấy tháng Giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp phát mỗi người sáu tháng lương. Họ chèo năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo Hoàng Sa. Họ tha hồ lượm lặt, tự ý bắt chim cá làm đồ ăn”.
Tại chính lễ năm nay, Văn tế lính Hoàng Sa đã được tế lên trong không khí trang nghiêm và với lòng thành tâm của con cháu. Sau khi làm lễ xong, con cháu tiến hành thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và tiếp tục tham gia rước thuyền ra biển chứng kiến cảnh thả thuyền.
Đội thả thuyền gồm những nam thanh niên của làng An Vĩnh, trong trang phục thuyền đua bắt đầu rước thuyền từ sân đình làng xuống biển và thả thuyền. Thuyền thả gồm 5 chiếc, trong đó có 1 chiếc lớn và 4 chiếc còn lại nhỏ hơn và bằng nhau. Thả theo trình tự 2 thuyền nhỏ đi trước với chức năng tiền trạm, thuyền lớn đi giữa vì trên thuyền có cai đội và 2 thuyền nhỏ còn lại đi sau cùng.
Trên thuyền đặt các hình nhân tượng trưng cho người lính trong Hải đội Hoàng Sa cùng những thứ cần thiết của người lính mỗi khi ra đảo xa như: muối, gạo, chè xôi, vàng mã, nếp nổ, gỏi cá nhám, cua, cá nướng… Thuyền lễ đế là 3 cây chuối dài khoảng 1,5-2m, được kết lại với nhau bằng các thanh tre (đóng bè). Trên đế bè gắn con thuyền làm bằng tre và giấy ngũ sắc, có buồm, cờ, phướn, như thuyền buồm dùng để đi Hoàng Sa, Trường Sa năm xưa.
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Việc các họ tộc trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ KLTL Hoàng Sa nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao của các thế hệ cha ông; cũng là để giáo dục cho các con cháu hiểu được ý nghĩa lịch sử biển đảo của dân tộc, nét văn hóa tâm linh của người dân đảo Lý Sơn.
Vì vậy, cũng như mọi năm, năm nay Lễ KLTL Hoàng Sa được tổ chức rất trang nghiêm, chu đáo với sự tham dự của đông đảo người dân.