Thêm một cơ hội mở rộng thu hút đầu tư
Thời điểm này, những bàn luận xoay quanh Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã lắng xuống. Song, các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vẫn đang tiếp diễn. Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, RCEP sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho DN trong nước.
Ông Vũ Đức Giang.
PV: Thưa ông, hiện nay Việt Nam đang tham gia đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ông có nhận định thế nào về những cơ hội cũng như thách thức đối với DN Việt Nam khi Hiệp định này được ký kết, thưa ông?
Ông Vũ Đức Giang: Nếu RCEP được ký kết thì đây sẽ là thuận lợi lớn cho các DN xuất khẩu của Việt Nam. Bởi, RCEP bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước là đối tác của Việt Nam. tôi đánh giá đây là Hiệp định rất tốt cho các DN của ta. Nếu Hiệp định này sớm được ký kết, thực thi sẽ tác động lớn đến sự phát triển ngành công nghiệp của nước ta.
Cùng với những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thời gian qua, thêm RCEP, chúng ta sẽ có một thị trường rộng mở và hầu như loại bỏ các rào cản thương mại ràng buộc chúng ta lâu nay. Các DN đều mong muốn Hiệp định này sẽ sớm được ký kết trong năm tới.
Một số ý kiến cho rằng, không còn TPP thì RCEP được coi là một sự thay thế. Ý kiến của ông?
- Tôi nghĩ, mỗi một hiệp định đều có những lợi ích riêng, chúng ta là nước xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ do đó, Mỹ vẫn luôn là đối tác của Việt Nam. Kể cả Mỹ không tham gia TPP, thì chúng ta cũng không mất thị trường này, chỉ là phải chấp nhận tuột mất một số cơ hội giảm thuế mà thôi. Với Hiệp định RCEP cơ hội cũng không ít.
Dù hiện tại, chúng ta chưa được nắm rõ những điều khoản ở trong RCEP nhưng tôi cho đây là một thị trường có tính chiến lược của khu vực châu Á, ở đó Việt Nam có ba lợi ích: Thứ nhất là chi phí vận chuyển trong khối RCEP này sẽ thấp hơn nhiều so với khi chúng ta xuất sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ, đó là mặt lợi thế về khoảng cách địa lý.
Thứ hai, thị trường này giúp chúng ta có khả năng thích ứng được về vấn đề nguyên phụ liệu, nó sẽ đáp ứng tốt hơn cho các DN Việt Nam so với việc chúng ta chỉ xuất khẩu.
Thứ ba, đây sẽ là hiệp định tạo ra một khoảng thị trường rộng lớn hơn và sự gần gũi về văn hóa của các nước trong khu vực châu Á sẽ tạo điều kiện để các đàm phán ký kết hợp đồng được nhanh gọn hơn, thuận lợi hơn. Tôi cho rằng, nếu chúng ta có một chiến lược thu hút thị trường tốt, thì có thể nói Hiệp định này sẽ tạo nhiều cơ hội thuận lợi để thu hút đầu tư từ các nước thuộc khối RCEP này.
Trung Quốc cũng tham gia vào Hiệp định này. Vậy theo ông, DN Việt Nam có phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh không?
- Chúng tôi không quan ngại lắm thị trường Trung Quốc, bởi một thị trường lớn vừa là thách thức song cũng là cơ hội. Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều mặt hàng trong đó có dệt may chứ không chỉ đơn thuần nhập khẩu từ nước này. Những năm gần đây, chúng ta đã xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc 1,8-2 tỷ USD/năm về lĩnh vực sợi. Ngoài ra nhiều mặt hàng khác cũng đã xuất sang thị trường này.
Một điểm thuận lợi nữa là hiện đất nước này đang dịch chuyển công nghiệp sang một số vùng miền Tây. Đây là cơ hội để các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc vì lợi thế về mặt khoảng cách địa lý sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam nhập khẩu hàng.
Nhiều DN, nhà đầu tư Trung Quốc đã bắt đầu sang Việt Nam đặt vấn đề mua các sản phẩm của chúng ta. Bởi vậy, có tôi cho rằng, Trung Quốc tham gia RCEP lại tạo nhiều cơ hội cho DN xuất khẩu của Việt Nam chứ không phải là thách thức đáng lo ngại.
Trong khối RCEP có Úc và Ấn Độ. Đối với hai thị trường này, ông đánh giá thế nào về những lợi thế dành cho các DN Việt?
- Với Ấn Độ, hiện Việt Nam chưa có hiệp định thương mại nào với nước này. Vừa rồi chúng ta gặp một số rào cản từ Ấn Độ đối với một số sản phẩm xuất khẩu.
Nhưng khi ký kết RCEP thì những rào cản đó sẽ được tháo gỡ, do đó, đây cũng sẽ là thị trường tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới. Úc cũng vậy. Cả hai thị trường này đều khá khó tính, vì thế, RCEP sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc mở rộng thị trường của Việt Nam đến hai thị trường này trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông!