Quảng Ninh Phấn đấu đưa 1.581 hộ thoát nghèo trong năm 2017
Sáng 11/4, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh họp trực tuyến với các địa phương để nghe đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án "Nhiệm vụ, giải pháp đưa 22 xã và 11 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135, giai đoạn 2017-2020" (gọi tắt Đề án 196); phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đưa các xã, thôn trên địa bàn tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Thực hiện Đề án 196, thời gian qua, các địa phương và sở, ngành liên quan đã tích cực triển khai các nội dung của Đề án. Đến nay các huyện đã hoàn thành phê duyệt Đề án phát triển sản xuất của 22 xã ĐBKK giai đoạn 2016-2020; chỉ đạo các xã ĐBKK, xã có thôn ĐBKK rà soát, phân tích, xác định nguyên nhân nghèo của từng hộ nghèo; 22 xã ĐBKK, 8/8 xã có thôn ĐBKK đã xây dựng lộ trình, mục tiêu giảm nghèo cụ thể để thực hiện trong năm 2017.
Các địa phương cũng đã đăng ký 1.581 hộ thoát nghèo và 479 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững trong năm 2017; các huyện đã phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư đối với 124 danh mục công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 22 xã ĐBKK, 2 xã biên giới và 11 thôn, bản ĐBKK với tổng số vốn được phân bổ là 169,318 tỷ đồng; xây dựng mục tiêu duy trì đội ngũ cán bộ, công chức đạt chuẩn theo tiêu chí hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 tại 10/10 xã và đào tạo, bồi dưỡng để có thêm 3 xã có đội ngũ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn....
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 196 của các sở, ngành, địa phương thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế như: 11/22 xã đến nay chưa được UBND huyện phê duyệt Đề án cho từng xã để thực hiện; một số huyện còn lúng túng trong việc giao xã làm chủ đầu tư, quản lý dự án; một số thôn không bình xét được đối tượng hỗ trợ, người dân mang nặng tư tưởng cào bằng, bình quân nên mức hỗ trợ cho hộ thấp, kém hiệu quả; Đề án phát triển sản xuất của một số xã còn chung chung hình thức nên bước vào năm đầu thực hiện bị lúng túng.
Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành và địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu nhấn mạnh: Qua kiểm tra thực tế tiến độ và kết quả triển khai thực hiện Đề án 196 tại các địa phương cho thấy, việc phân bổ nguồn lực, phân công công việc đã được các địa phương xây dựng kế hoạch rất chi tiết. Nhưng để các nội dung công việc được triển khai một cách xuyên suốt, các địa phương phải nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân. Trong phát triển sản xuất phải có mô hình bài bản để tập trung chỉ đạo và nhân rộng; phải có chính sách thu hút doanh nghiệp và HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Đặng Huy Hậu yêu cầu các địa phương phải lưu tâm đến công tác quản lý kỹ thuật các công trình thủy lợi, nước sạch VSMT nông thôn; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với nhu cầu thực tế của người dân, không tổ chức tràn lan; các xã phải quan tâm đến công tác điều chỉnh cán bộ.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long biểu dương các sở, ngành và một số địa phương đã tích cực triển khai và phê duyệt đề án xuống đến cấp cơ sở. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn chậm so với yêu cầu đề ra, do đó, đồng chí yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của tỉnh, khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt, chỉ đạo thực hiện Đề án 196.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải có sự chuyển động mới, không dừng lại ở cách làm cũ để dần thay đổi nhận thức cũng như giúp nhân dân nâng cao thu nhập. Trước mắt, các địa phương phải bám sát các mục tiêu cụ thể của Đề án đặt ra trong năm 2017, trong đó có những mục tiêu rất quan trọng như: Đưa 1.581 hộ thoát nghèo; hoàn thiện các công trình nước sinh hoạt tập trung, phân tán thực hiện theo Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản ĐBKK theo Quyết định số 755/QĐ-TTg.
Riêng đối với những địa phương chưa phê duyệt Đề án, phải khẩn trương hoàn thành và tiến hành phân bổ vốn ngay trong tháng 4/2017. UBND tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng phân cấp, ủy quyền triệt để cho các địa phương, nhưng việc triển khai vốn hỗ trợ sản xuất và đầu tư phải đảm bảo theo đúng luật ngân sách, tránh để xảy ra tình trạng thất thoát, tiêu cực. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt Đề án 196 một cách đậm nét, sâu rộng hơn để tạo sự đồng thuận, quyết tâm của cán bộ, nhân dân trong thực hiện Đề án trên địa bàn.
Tại cuộc họp, Sở Nội Vụ, Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh đã đề xuất các tiêu chí và nội dung phát động phong trào thi đua các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK.