Thu ngân sách tăng cao

H.Hương 14/04/2017 08:10

Thu ngân sách nhà nước trong chặng đường đầu của năm 2017 tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2016. Nhưng cũng cần nhắc lại rằng, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu tăng thấp. Cùng với đó cả năm 2016 chỉ có 41% doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận. Cách nào làm cho thu ngân sách nhà nước tăng là một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm.

Ảnh minh họa.

Thu tăng chứ không phải tăng thu

Dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết,thu ngân sách trong quý I đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm, và tăng hơn 15% so với cùng kỳ.

Trong đó thu nội địa: tăng 13,3%; thu từ dầu thô cũng tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2016. Và cuối cùng, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng 18,5% so với cùng kỳ.

Như vậy cả 3 khoản thu đều có dấu hiệu tăng mạnh. Đặt trong bối cảnh tăng trưởng quý I có dấu hiệu thụt lùi trong quỹ đạo thời gian 3 năm trở lại đây nhiều băn khoăn được đặt ra có hay chăng tình trạng lạm thu thuế phí.

Ở một công bố khác từ Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch-Đầu tư, năm 2016 chỉ có 41% doanh nghiệp hoạt động có lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với xu thế doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn. Phải chăng áp lực thuế phí vẫn đang đè nặng lên vai doanh nghiệp, ăn mòn lợi nhuận.

Ông Nguyễn Đại Trí- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định: Trong quý I/2017, mặc dù GDP giảm nhưng số thu vẫn tăng, chủ yếu đến từ nguồn thu từ đất đai và phí, lệ phí.

Riêng với phí và lệ phí, quý I ước đạt 31,3% dự toán, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Nguyên nhân cũng được đưa ra, từ 1/1/2017, một số khoản thu từ phí, lệ phí được tính trong cân đối như phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện ô tô, phí đảm bảo hàng hải,...

Bên cạnh đó, cũng từ 1/1/2017, thực hiện Nghị định 139/2016/NĐ-CP, thuế môn bài trước đây được chuyển sang lệ phí môn bài.

Ông Nguyễn Đại Trí nhấn mạnh, “không phải là vì tăng trưởng kinh tế giảm, mà phải tăng thu. Hay nói một cách khác là thu tăng, chứ không phải tăng thu”.

Khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp

Theo ước tính hiện nay, cả nước đang có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh (HKD), trong đó 3,5 triệu HKD được cấp mã số thuế, 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh cá thể sẽ chỉ thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu hay còn gọi là nộp thuế khoán.

Phía cơ quan quản lý là Tổng cục Thuế từng kỳ vọng, cách thu này sẽ giảm thời gian và mà còn góp phần chống tiêu cực trong nội bộ ngành.

Thế nhưng có một thực tế, tình trạng vi phạm pháp luật về thuế của các hộ kinh doanh thường xảy ra dưới nhiều hình thức, với các mức độ khác nhau từ trong khi thực trạng quản lý các hộ kinh doanh cũng còn những bất cập dẫn đến hiệu quả thu thuế ở đối tượng này chưa đạt kết quả cao.

Ông Nguyễn Đại Trí phân tích: Phần lớn những hộ kinh doanh nhỏ lẻ này không có hóa đơn chứng từ mua bán. Thực tế cho thấy nhiều hộ kinh doanh có quy mô như nhau nhưng doanh thu lại chênh lệch nhau khá lớn, tuy nhiên lại không có gì để chứng minh được doanh thu thực chất của họ ngoài việc tự kê khai. Do vậy cán bộ thuế trên địa bàn khó có thể nắm chính xác để quản lý.

Dù việc quản lý thuế với hộ kinh doanh buôn bán nhằm tránh thất thu ngân sách luôn được ngành Thuế chú trọng và tăng cường song gặp khó khăn nhất định.

Nhiều hộ kinh doanh cá thể có doanh thu lớn, sử dụng nhiều lao động đã đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp nhưng không chịu lên doanh nghiệp vì ngại quản lý kế toán, hóa đơn, sổ sách chứng từ. Chưa kể các thủ tục đăng kí kinh doanh còn nhiều phức tạp do chịu sự quản lý của nhiều ban ngành khác nhau.

Vậy làm sao để tránh thất thu ngân sách nhà nước tại khu vực hộ kinh doanh cá thể này? Ông Nguyễn Đại Trí cho biết: “Thời gian tới cơ quan Thuế sẽ thực hiện đánh giá những khó khăn thuận lợi của việc này trên cơ sở những quan sát thực tiễn.

Ngành Thuế sẽ hỗ trợ tối đa cho việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ nhìn thấy được cái lợi về lâu về dài khi thực hiện việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp”.

Ông Tô Hoài Nam- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, cần khuyến khích để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp vì đây là khu vực có số lượng lớn, có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế và đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế đất nước.

H.Hương