Trung Quốc: Không bên nào thắng nếu có xung đột trên bán đảo Triều Tiên
Một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể bùng phát vào “bất kỳ thời điểm nào”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 14/4 nhấn mạnh, cùng lúc đưa ra lời cảnh báo rằng sẽ không có bên nào chiến thắng trong mọi cuộc chiến trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng cực độ.
Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson mà Mỹ điều tới bán đảo Triều Tiên. (Nguồn: AP).
Tuyên bố trên của ông Vương Nghị được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang có hàng loạt hành động gây leo thang căng thẳng ở các điểm nóng khác nhau trên thế giới, đầu tiên là vụ tấn công tên lửa nhằm vào chính quyền Syria và sau đó là điều nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới bán đảo Triều Tiên.
“Mới đây, căng thẳng đã gia tăng nhanh chóng… và người ta có cảm giác rằng một cuộc xung đột có thể bùng phát vào bất kỳ thời điểm nào” - Ngoại trưởng Vương nói - “Nếu một cuộc chiến xảy ra, hậu quả sẽ là một tình trạng mà trong đó mọi người đều thua cuộc và không có người chiến thắng”.
Bất cứ bên nào khơi dậy một cuộc xung đột đều “cần phải mang vác trách nhiệm lịch sử và trả một cái giá tương xứng”, ông Vương nói trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị triển khai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Carl vinson tới bán đảo Triều Tiên nhằm thúc đẩy luận điểm của mình, một trong số hàng loạt các tín hiệu mà ông đưa ra để thể hiện rõ ràng rằng ông luôn sẵn lòng thay đổi chiến lược chính sách ngoại giao.
Hồi tuần trước, ông Trump cũng đã thể hiện rõ sự cứng rắn như ông tuyên bố bằng việc tung đòn tấn công tên lửa nhằm vào một căn cứ không quân Syria mà lực lượng chính phủ nước này đang kiểm soát, nơi mà chính quyền của ông Trump tin rằng là điểm xuất phát của các máy bay thực hiện vụ tấn công hóa học nhằm vào thường dân ở tỉnh Idlib.
Động thái gây tranh cãi này còn được xem như một lời cảnh báo đặc biệt nhằm vào Triều Tiên rằng Washington không e ngại phải sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết.
Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ ngăn chặn bằng được Bình Nhưỡng tiến tới mục tiêu phát triển một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạn nhân, với tầm xa đủ để với tới lãnh thổ Mỹ.
Trong hôm 14/4, một cố vấn chính sách ngoại giao của Nhà Trắng đã nói rằng Mỹ đang đánh giá về các lựa chọn quân sự nhằm đáp trả chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, thêm rằng một vụ thử nghiệm tên lửa mang tính chất khiêu khích khác chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trong hôm 14/4, Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng “vấn đề” Triều Tiên “sẽ được giải quyết”, trong bối cảnh nhiều quan ngại rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa.
“Triều Tiên là một vấn đề, và vấn đề đó sẽ được giải quyết” - Tổng thống Trump nói trước báo giới.
Trong khi đó, ông cũng chia sẻ về lòng tin của mình về vai trò Trung Quốc trên Twitter, rằng họ sẽ “đối phó đúng cách với Triều Tiên. Nhưng nếu họ thất bại, Mỹ cùng các đồng minh của mình sẽ làm!”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, ông Trump cũng cho hay ông đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng hãy để Triều Tiên biết được rằng Mỹ không chỉ có các hàng không mẫu hạm mà còn có cả nhiều tàu ngầm hạt nhân nữa. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công Mỹ thực hiện nhằm vào Triều Tiên.
Có nhiều báo cáo mới đây về các hoạt động tại một khu vực thử nghiệm hạt nhân ở Triều Tiên ngay trước lễ kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Il-sung, điều làm dư luận lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của họ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vốn có quan điểm đưa ra các phản ứng ôn hòa hơn đối với các hành động của Bình Nhưỡng, cho rằng tổ chức đàm phán chính là biện pháp duy nhất phù hợp với tình hình thời điểm hiện nay, thay vì khơi dậy một cuộc xung đột.
“Đối thoại chính là giải pháp duy nhất có thể” - Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh.
Theo giới phân tích, bất kỳ một cuộc tấn công nào mà Mỹ thực hiện nhằm vào Triều Tiên đều có khả năng vấp phải đòn đáp trả từ phía Bình Nhưỡng nhằm vào họ hoặc các đồng minh của Mỹ trong khu vực - Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay thì chính quyền Tổng thống Trump lại có rất ít lựa chọn về mặt ngoại giao hoặc kinh tế.
Triều Tiên hiện đang bị áp đặt nhiều lớp lệnh trừng phạt của LHQ liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của họ và dường như các lệnh trừng phạt này đến nay vẫn không thể khiến Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình đó.
Dưới sức ép phải hành động cụ thể để kiềm chế Bình Nhưỡng, chính quyền Bắc Kinh mới đây đã áp đặt một biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, trong đó bao gồm cả việc ngừng nhập khẩu than đá - mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Triều Tiên - cho đến hết năm nay.