Cầu nối giữa Đảng và dân

Nhà văn Nguyệt Tú 17/02/2017 14:05

Cơn bão trái mùa vừa đi qua, trời se lạnh không mưa không nắng thật dễ chịu. Làm dâu hơn 60 năm, không biết tự bao giờ các cụ ở Bắc Ninh đã coi tôi như con gái Bắc Ninh. Trước ngày hội Lim tôi không thể từ chối lời mời của các cụ đình Lim “chị cố gắng về nghe quan họ”.

Chủ tịch Lê Quang Đạo trên đường đi công tác khi là Chính ủy Chiến dịch Đường 9 - Quảng Trị.

Đình Lim được xây dựng vào đời nhà Lê năm 1783, nhưng đến năm 1992 có nguy cơ bị xóa sổ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Sơn lúc ấy không công nhận ngôi đình cũ, muốn phát triển dịch vụ ở đất đình có mặt tiền rộng. Các cụ phân công trực ngày, dựng lều trực đêm tại ngôi đình Lim. Ba cụ đại diện cho hàng trăm người dân làng Lim lên gặp anh Lê Quang Đạo tại nhà riêng để cầu cứu. Hồi ấy anh Đạo làm Chủ tịch Quốc hội kiêm Bí thư Đảng đoàn mặt trận. Mặt trận và anh Đạo trực tiếp có ý kiến với các đồng chí lãnh đạo Đảng Hà Bắc (cũ). Với sự can thiệp kịp thời của đồng chí Bí thư tỉnh Hà Bắc mối căng thẳng giữa dân và chính quyền đã được giải quyết.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, kể từ ngày đình Lim được xây dựng lại. Tôi được các liền anh, liền chị cho nghe những bài dân ca quan họ cổ ngay trong đình Lim. Lời ca quan họ sao mà tình tứ và tinh nghịch: “Nếu em không yêu anh, anh sẽ bỏ bùa mê cho em yêu”. Anh Đạo hát quan họ rất hay. Ngày cưới anh hát tặng tôi bài “Cây trúc xinh”. … Tôi nhớ mãi nụ cười “trẻ thơ” khi anh hát quan họ.

Anh rất vui khi lấy lại được đất đình cho các cụ làng Lim quan họ. Chùa Dận, Bắc Ninh nơi vua Lý Thái Tổ được sinh ra cũng bị chịu chung số phận như đình Lim. Nhờ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và anh Đạo can thiệp kịp thời, cơ quan địa phương không thể lấy đất chùa. Việc này giải quyết được mối mâu thuẫn nặng giữa dân và chính quyền.

Bốn năm sau khi anh Đạo mất, lần giỗ thứ tư, tôi định tổ chức cúng giỗ trong gia đình. Tôi không thông báo rộng rãi như những năm trước. Thật bất ngờ cho cả gia đình và khách: một đoàn các vị sư áo cà sa vàng cùng một đoàn phật tử xin vào nhà thắp hương anh Đạo. Các nhà sư đặt bó hoa trên bàn thờ và đứng mặc niệm rất lâu.

Hòa thượng Kim Cương Tử tâm sự với tôi, vì lí do sức khỏe cụ có ý định xin thôi không làm đại biểu Quốc hội của nhiệm kỳ khóa X. Nhưng cụ đổi ý ở lại Quốc hội sau những lời động viên của anh Đạo: “Cụ là nhà phật học có uy tín cao của Giáo hội nên cụ cố gắng tham gia đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam đóng góp với Quốc hội khóa X. Nước ta vào thời Lý-Trần, Phật giáo đã là quốc giáo, nhiều vị cao tăng còn tham gia làm Quốc sư, bây giờ đối với cụ làm việc ở Quốc hội thì cũng như vậy”

Những người đứng đầu các tôn giáo tìm thấy ở anh Đạo một sự cảm thông, cùng một chí hướng yêu nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, tập hợp tất cả các dân tộc, các tôn giáo trong Mặt trận Tổ quốc, anh Đạo muốn tiếng nói của họ đến được với Chính phủ, Quốc hội.

Anh Đạo luôn trăn trở có cách nào đây để người dân bình thường, các công ty tư nhân có thể phát biểu những yêu cầu chính đáng của họ với Đảng và Nhà nước. Có cách nào đây để những vấn đề lớn của đất nước được quyết định với sự đồng thuận của dân. Anh nghĩ đến sự cần thiết phải có luật của Mặt trận. Luật Mặt trận cho phép các đoàn thể quần chúng, các thành phần kinh tế tư nhân đóng góp ý kiến có hiệu quả đối với Chính phủ, Quốc hội trong quá trình đổi mới.

Trong quá trình chuẩn bị Luật Mặt trận Tổ quốc, anh Đạo thiết tha mong Đảng và Nhà nước có quyết định đưa hoạt động của Mặt trận lên một vị trí đúng tầm của một cơ quan có vai trò lớn trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc. Anh mong muốn thể chế hóa điều này bằng luật pháp để Mặt trận có một vị trí rõ ràng.

Trước đây, Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về công tác Mặt trận đã quan trọng, nhưng chưa được cụ thể hóa thành Luật Mặt trận, đảm bảo cho Mặt trận vị trí được khẳng định trong hệ thống chính trị, là chỗ dựa của Đảng, của Nhà nước để tập hợp đại đoàn kết toàn dân và đại diện cho tiếng nói chính đáng của tất cả các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các kiều bào ta ở nước ngoài. Anh Đạo muốn điều đó trở thành nhận thức chung của toàn Đảng, toàn dân. Anh luôn tôn trọng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, bao giờ cũng muốn trong Luật Mặt trận thể hiện được rõ vai trò của Mặt trận đối với Nhà nước. Làm thế nào để Mặt trận có điều kiện, có quyền giám sát để giúp cho Đảng, cho Nhà nước phát hiện những vấn đề sai trái của các cấp chính quyền, của những cá nhân không tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân. Mặt trận phải phát huy vai trò đoàn kết, tham gia quản lý Nhà nước, giám sát và động viên quần chúng, để họ trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước.

Suốt thời gian họp Quốc hội về Luật Mặt trận anh Đạo làm việc cả ngày lẫn đêm. Có một đêm, tôi tỉnh dậy vẫn thấy anh ngồi chăm chú sửa bức thư gửi Bộ Chính trị. Tôi nghe tiếng anh gọi cậu con trai dậy đánh máy. Tôi không ngờ đấy là lá thư cuối cùng anh gửi trực tiếp Bộ Chính trị.

“Hà nội, ngày 3 tháng 4 năm 1999

Kính gửi Bộ Chính trị,

Các đồng chí cố vấn,

Tất cả các đồng chí.

Tôi xin phát biểu thêm về vai trò của Đảng vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận.

Thực tiễn cách mạng của nước ta đã có chứng minh rõ rệt:

1. … Từ khi có Mặt trận dân tộc thống nhất đến nay, Đảng Cộng sản luôn luôn vừa là một thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận. Do đó, Đảng mới gắn bó, đoàn kết được đông đảo nhân dân, phát huy vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy sức mạnh của cả dân tộc để thực hiện đường lối chính sách của Đảng, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác…

Tôi tha thiết đề nghị Bộ Chính trị, đề nghị tất cả các đồng chí cần cân nhắc thật kỹ vấn đề vô cùng hệ trọng này.

2. Tôi xin phát biểu thêm một vấn đề quan trọng nữa là phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc. Thực chất đây là phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Theo đường lối, quan điểm của Đảng, chúng ta phải phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, chủ yếu bằng nhà nước, qua tổ chức đại diện quyền lực của nhân dân, tức là qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và qua các tổ chức quyền lực khác của Nhà nước. Đồng thời phải phát huy vai trò làm chủ cả nhân dân bằng các tổ chức chính trị xã hội, qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là rất quan trọng. Lại không thể thiếu được việc phát huy vai trò làm chủ trực tiếp của nhân dân, nhất là cơ sở, như chỉ thị của Đảng và quy định của Nhà nước…

Phát huy vị trí, vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc theo đúng các Nghị quyết của Đảng và điều 9 của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc phải cụ thể hóa Hiến pháp, làm cho Mặt trận có điều kiện tốt nhất, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình…

Tôi thiết nghĩ, Mặt trận phải góp phần cùng nhân dân và Nhà nước làm nhiệm vụ giám sát sao cho nó hiệu lực và hiệu quả nhất chứ không sợ Mặt trận giám sát nhiều quá, trở thành tổ chức “siêu quyền lực”. Vì giám sát của Mặt trận và các đoàn thể mang tính xã hội, tính nhân dân, chỉ có quyền phát hiện, kiến nghị với Đảng và Nhà nước xử lí giải quyết những văn bản và hành vi trái đường lối, quan điểm của Đảng, trái pháp luật. Mặt trận không thể có quyền quyết định như tổ chức nhà nước…

Đề nghị Bộ Chính trị quyết định dứt khoát cho vấn đề này.”

Anh Đạo đã phải rất kiên định, cố gắng bằng việc thuyết minh, thuyết trình trước Bộ Chính trị, trước mọi người về ý kiến của Mặt trận nói chung, của anh Đạo nói riêng, với tư cách là Chủ tịch Mặt trận. Cuối cùng, Bộ Chính trị đã đồng ý.

Trước ngày Quốc hội bàn lần cuối về Luật, anh Đạo bỗng nói với tôi:

- Ngày mai Quốc hội thông qua Luật Mặt trận đấy, gay go đây. Mình và anh Đăng (tức nguyên Tổng Thư ký Trần Văn Đăng – bt) phải chịu trận. Tú có đi dự không?

Không biết vì sao tôi không đến dự buổi họp Quốc hội ấy. Sau này tôi rất ân hận. Sau khi anh mất, khi đi thu thập tài liệu để viết về anh tôi mới hiểu nỗi vất vả khó khăn của anh và Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc với luật Mặt trận.

Nhà văn Nguyệt Tú