Quản lý thị trường sữa: Bỏ 'áp trần' nhưng không thể buông giá
Bỏ trần giá sữa song nhà quản lý cần phải có những biện pháp để làm sao kiểm soát được DN, không để giá sữa tăng “phi mã” như đã từng xảy ra trước đó gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Đó là ý kiến của các DN, giới chuyên gia kinh tế tại Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi được Bộ Công thương tổ chức sáng 14/4.
Thị trường bị can thiệp quá sâu
Thời gian qua, nhiều ý kiến bày tỏ, việc đưa ra trần giá sữa là phi thị trường. Việc Nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các biện pháp hành chính như áp đặt giá bán tối đa đã đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ. Theo TS. Gellért Horváth- Phó Chủ tịch EuroCham, việc can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) thông qua các biện pháp hành chính như áp đặt giá bán tối đa đã đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ.
Đây là điều đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang ở trong bối cảnh hội nhập và tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. “Trong vài năm trở lại đây, rất nhiều khoản chi phí đã tăng, trong đó có tỷ giá, chi phí điện, chi phí nhân công... Trong khi đó, ngành sữa lại bị chi phối bởi chính sách bình ổn giá sữa. Điều này không chỉ tác động tới kết quả hoạt động ngắn và trung hạn của DN mà còn ảnh hưởng đến thương mại và triển vọng đầu tư trong dài hạn nói chung”- ông Gellért Horváth nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến của cộng đồng DN cũng cho rằng, áp giá trần là phi thị trường, hạn chế cạnh tranh bởi giá phụ thuộc chủ yếu vào DN. Bên cạnh việc hạn chế cạnh tranh, việc áp giá trần còn cản trở khả năng áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, năng suất của DN. Bởi lẽ, khi làm ra một mặt hàng nếu giá bị khống chế thì DN không thể cải tiến, áp dụng công nghệ mới do bị đội chi phí lớn...
Cũng thừa nhận việc bình ổn thị trường sữa bằng cách áp trần giá sữa đã và đang bộc lộ những bất cập, ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, chính sách bình ổn giá sữa hiện có những tác động không tốt đến việc xây dựng mạng lưới phân phối cũng như các công năng dinh dưỡng của sữa do các quy định hiện hành còn hạn chế. Bởi vậy, ông Quyền cho rằng, việc Bộ Công thương xây dựng Dự thảo Thông tư về giá sữa với kỳ vọng sẽ tạo sự đồng thuận, hài hòa 3 lợi ích, trong đó Nhà nước tạo ra chính sách, tạo ra lợi ích cho DN và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ảnh minh họa.
Bỏ nhưng không thể buông
Đồng tình với việc bỏ trần giá sữa, song ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vitas) cho rằng, một thời gian khá dài, việc đưa ra giá trần cũng đã giúp thị trường sữa bớt “loạn”. Nói rõ hơn, ông Hùng cho hay, trước đây, đã có giai đoạn, giá sữa bị các DN “làm giá” đẩy lên vô tội vạ, khiến cho sản phẩm sữa đến tay người tiêu dùng bị đội giá lên gấp nhiều lần so với giá sản xuất.
Trước thực trạng này, Bộ Tài chính (lúc đó được giao quản lý giá sữa – PV) và Vitas đã có đề xuất lên Chính phủ nên áp trần giá sữa để “cứu nguy” thị trường sữa thời điểm bấy giờ. Và thực tế, ngay khi trần giá sữa được áp dụng, thị trường sữa lúc đó đã đi vào ổn định. Chính bởi vậy, thời điểm đó, biện pháp này đã được dư luận ủng hộ cao khi đã kiểm soát, “ghìm cương” được thị trường sữa đang liên tục “phi mã”. Song, ông Hùng cũng cho rằng, hiện tại giá trần sữa đã được coi là biện pháp “phi thị trường” cho nên không còn phù hợp với tình hình hiện nay.
Dù vậy, theo vị Phó Chủ tịch Vitas, việc bỏ áp giá trần không có nghĩa là buông lỏng quản lý, vì sữa vẫn là mặt hàng trong diện bình ổn của Luật về giá. Do đó, đây vẫn là lĩnh vực các nhà quản lý cần phải tập trung theo sát, nắm bắt tình hình để làm sao giá sữa cuối cùng đến tay người tiêu dùng là giá hợp lý nhất, không bị tái phát tình trạng “thổi giá” như đã từng xảy ra trước đây. “Nếu việc bỏ giá trần sữa mà thị trường lại rơi vào tình trạng loạn giá, chúng tôi sẽ lại kiến nghị thực hiện biện pháp này, vì trên hết, tất cả các giải pháp, chính sách phải là quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo”- ông Hùng khẳng định.
Còn theo ông Vũ Ngọc Quỳnh- Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, biện pháp áp trần giá sữa lại nhận được nhiều ý kiến bất đồng của cộng đồng DN. Ông Quỳnh đưa ra quan điểm: Liệu có thực sự thị trường sữa được bình ổn là do biện pháp áp trần giá sữa hay không, hay là do thị trường tự điều chỉnh? Câu hỏi này cần phải được xem xét kỹ lưỡng để nhà quản lý có thể đưa ra những chính sách hợp lý nhất đối với thị trường sữa hiện nay.
Và để hạn chế được thực trạng giá sữa “nhảy múa” như thời kỳ trước đây, ông Quỳnh cho rằng, vai trò của cơ quan chức năng trong việc giám sát, quản lý là rất quan trọng. Theo vị này, trong Luật Giá cũng đã có quy định, khi có những biến động đột xuất thì cơ quan chức năng có quyền kiểm tra giá thành sản phẩm. Đây chính là công cụ để cơ quan chức năng quản lý giá sữa, như vậy vừa có thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước