Doanh nghiệp FDI áp đảo doanh nghiệp nội

H.H. 15/04/2017 10:10

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ngoài: 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Một lần nữa, sức cạnh tranh của khối doanh nghiệp nội lại tiếp tục bị áp đảo.

Cơ cấu 70 - 30

Về cơ cấu xuất nhập khẩu, tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 70% và DN có vốn đầu tư trong nước chiếm 30%

Số liệu mới nhất vừa cập nhật của Tổng cục Hải quan một lần nữa dấy lên lo ngại về sức khỏe của cộng đồng DN nội khi miếng bánh xuất khẩu đang nằm phần lớn trong tay DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chỉ trong 15 ngày cuối của tháng 3, trị giá xuất khẩu hàng hóa của DN FDI đạt hơn 6,67 tỷ USD, tăng 23,1%. Trong khi đó tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 3/2017 là 9,44 tỷ USD. Như vậy thành tích xuất khẩu của Việt Nam do chính khối FDI tạo nên.

Trong 3 tháng đầu năm, nhóm các DN này lên hơn 31,32 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Các nhóm hàng xuất khẩu cũng tăng: điện thoại các loại và linh kiện tăng 37,2%, tương ứng tăng 485 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 24,2%, tương ứng tăng 122 triệu USD; giày dép các loại tăng 21,7%, tương ứng tăng 107 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,2%, tương ứng tăng 107 triệu USD; hàng dệt may tăng 10,3%, tương ứng tăng 103 triệu USD; …

Giới chuyên gia khẳng định, sự tăng trưởng xuất khẩu hiện nay mà Việt Nam có được chủ yếu là do đóng góp của khối DN FDI. Khu vực FDI hiện đóng góp 2/3 tổng lượng xuất khẩu tại Việt Nam.

Trong bối cảnh nhiều DNtrong nước hoạt động không có lãi thì DN FDI vẫn tiếp tục mở rộng và đầu tư tại Việt Nam. Khu vực FDI đã đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước song cũng có điều đáng bàn DN FDI xuất khẩu lớn thì nhập khẩu cũng nhiều và chủ yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới hình thức lắp ráp, gia công, nên nền kinh tế chưa được nhiều lợi ích từ thành tích này. Điều này dẫn đến nguy cơ méo mó lâu dài trong cơ cấu kinh tế. Ngoại lực là rất quan trọng, nhưng nội lực mới có yếu tố quyết định.

Hướng đến chiến lược chọn lọc

Cũng theo một diễn biến mới, các nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn. Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, hay bán buôn bán lẻ được nhà đầu tư quan tâm. Chỉ tính riêng trong quý I năm 2017, Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí số một trong các nhà đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng, đáng chú ý hơn cả là Trung Quốc đã vượt các nhà đầu tư khác như Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông để trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Năm. Trung Quốc có 66 dự án đăng ký mới và bổ sung vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 0,82 tỷ USD.

Việc nhà đầu tư Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam là dấu hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực ASEAN đang cạnh tranh quyết liệt để hút vốn FDI. Tuy nhiên, sự gia tăng của nhà đầu tư Trung Quốc cũng dấy lên nỗi lo nhất định về công nghệ và môi trường.

Cùng với đó, thu hút các tập đoàn lớn có năng lực công nghệ và sẵn sàng chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, phát triển và đào tạo nhân lực, sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện của doanh nghiệp trong nước (có thể quy định tỷ lệ cụ thể tuỳ theo từng ngành ưu tiên), ưu tiên hình thức liên doanh, liên kết với DN Việt.

H.H.