Cần thiết ban hành Nghị quyết liên tịch quy định các hình thức giám sát, phản biện xã hội

Việt Thắng 15/04/2017 08:35

Ngày 14/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Chủ tọa phiên họp.

Dự phiên họp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực khẳng định: Theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam thì hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân, thành viên của MTTQ Việt Nam xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân thực hiện công khai minh bạch không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.

Trên tinh thần đó, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, Nghị quyết liên tịch đã quy định: Quý IV hàng năm, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm sau. Kế hoạch giám sát có sự trao đổi, thống nhất với UBTVQH, Chính phủ, HĐND, UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian giám sát. “Như vậy sẽ rõ hơn về cơ chế phối hợp trong việc xây dựng và ban hành kế hoạch giám sát hàng năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị- xã hội trên cơ sở không để trùng lặp nội dung vụ việc lĩnh vực mà UBTVQH, HĐND các cấp tiến hành giám sát”- Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Thay mặt Ủy ban Pháp luật, trình bày báo cáo thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết: Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với tờ trình của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về việc cần có sự phối hợp để thống nhất về kế hoạch giám sát hàng năm giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội ở Trung ương với kế hoạch giám sát của Quốc hội, UBTVQH; giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam ở địa phương với HĐND cùng cấp theo hướng không chồng chéo, không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát, không để một vụ việc lĩnh vực nội dung có đồng thời nhiều cơ quan, tổ chức cùng giám sát ở một thời gian, địa bàn nhất định. Về cơ bản, thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với cơ chế phối hợp giám sát được quy định tại khoản 3 điều 3 của dự thảo Nghị quyết.

Theo đó Quý IV hàng năm, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp chủ động xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của năm sau. Kế hoạch giám sát có sự trao đổi, thống nhất với UBTVQH, Chính phủ, HĐND, UBND cùng cấp về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian giám sát.

Tại phiên họp, cho biết tại sao đến nay Chính phủ vẫn chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Ngày 31/3 Bộ Tư pháp đã có văn bản thẩm định gửi Chính phủ. Ngày 4/4 Bộ đã có văn bản gửi Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ngày 10/4 Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Mặt trận gửi sang. Hiện Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Dự kiến thứ 2 tới các thành viên Chính phủ mới có ý kiến, sau đó Văn phòng Chính phủ mới tổng hợp ý kiến để gửi Quốc hội.

Thay mặt Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng, Theo điều 109 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đây là Nghị quyết 3 bên, theo thẩm quyền Bộ Tư pháp đã thẩm định gửi sang Mặt trận chỉnh lý, còn cần ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật gửi UBTVQH để xem đủ điều kiện chưa. Khi UBTVQH thấy đủ điều kiện thì sau đó Chính phủ mới xem xét có ký hay không. Bà Thoa cũng cho biết Bộ Tư pháp đã gửi văn bản sang Mặt trận. Mục đích ban hành là 3 bên, trong đó Chính phủ là cơ quan hành pháp, còn Mặt trận, và UBTVQH cũng là cơ quan giám sát làm sao để không chồng lấn. Cho nên Thống nhất quan điểm những gì Quốc hội đã giám sát rồi thì Mặt trận không giám sát nữa, còn Chính phủ chỉ phối hợp làm sao tạo điều kiện cho giám sát nhưng cũng phải đảm bảo hoạt động của cơ quan nhà nước không bị chồng lấn và hiệu quả. Không giám sát vào cùng thời điểm. Do đó Chính phủ thanh tra kiểm tra, Quốc hội giám sát thì Mặt trận không giám sát nữa.

Kết luận phiên họp, ông Nguyễn Khắc Định- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết sẽ báo cáo UBTVQH 2 phương án. Phương án 1 là ký 3 bên vì Mặt trận muốn ký 3 bên. Còn phương án 2 nếu trong trường hợp 2 bên ký là UBTVQH và Mặt trận ký thì Chính phủ là cơ quan chấp hành. Do đó Chính phủ cần có ý kiến chính thức về vấn đề này. Liên quan đến vấn đề chế tài sau giám sát mà Mặt trận kiến nghị, ông Định cho rằng qua hầu hết các ý kiến thấy rằng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận là giám sát của nhân dân, cho nên chế tài cao nhất là chịu sự đánh giá của nhân dân, công khai trong nhân dân.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, Mặt trận mong muốn ký 3 bên nên mong Chính phủ xem xét. Đồng thời đề nghị cân nhắc thêm vì Luật MTTQ Việt Nam có 4 điều quy định các cơ quan nhà nước trả lời kiến nghị của Mặt trận như điều 7 quan hệ của Mặt trận với cơ quan nhà nước có nêu cơ quan nhà nước có trách nhiễm xem xét giải quyết và trả lời kiến nghị của Mặt trận theo quy định của pháp luật. Hay điều 23 quy định trong tham gia phòng chống tham nhũng lãng phí cũng nêu xem xét trả lời kiến nghị của Mặt trận; điểm 6,7 điều 29 cũng nêu xem xét kiến nghị sau giám sát của MTTQ; hay điều 36 quy định quyền và trách nhiệm của cơ quan soạn thảo văn bản được phản biện phải trả lời bằng văn bản kiến nghị của Mặt trận, còn không tiếp thu ý kiến thì phải giải trình.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, giám sát của Mặt trận là giám sát không chế tài. Điểm 4 điều 7 Luật Mặt trận quy định Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận hoạt động có hiệu quả, hay trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong nhóm giải pháp có nêu phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền cho nên cần tạo điều kiện cho Mặt trận.

Việt Thắng