Quyết liệt ngăn chặn thực phẩm bẩn
Lãnh đạo UBND TP HCM đặt mục tiêu sẽ chấm dứt tình trạng dùng hóa chất trong sản xuất rượu; đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở giết mổ, chế biến cung ứng rượu, nông sản khi được đưa vào thành phố; nói không với thực phẩm không nguồn gốc…
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM đã chia sẻ như vậy tại buổi lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 2017” diễn ra sáng 15/4, tại TP HCM.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố đã được cải thiện, trong nhiều năm liền, thành phố không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu.
Đặc biệt, thành phố là địa phương đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm nhằm thực hiện công tác quản lý chất lượng thực phẩm nhanh, hiệu quả hơn. Tuy nhiên tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn còn phức tạp, cần tập trung giải quyết.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tồn tại nhiều thách thức nhưng có 2 thách thức lớn cần được giải quyết, đó là kiểm soát tồn dư của chất bảo vệ thực vật, kháng sinh và những phụ gia công nghiệp trong thực phẩm.
Thứ 2 là làm sao để đảm bảo được an toàn thực phẩm trong sản xuất, bảo quản, lưu thông, phân phối trong chế biến và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt, gần đây tình trạng ngộ độc rượu dẫn đến chết người đã xảy ra tại một số địa phương và đang diễn biến phức tạp.
“Các loại rượu lậu, rượu không có nguồn gốc giá rất rẻ nên vẫn len lỏi được trên thị trường. Việc kiểm soát rượu lậu vô cùng khó khăn nên chính người tiêu dùng cần cảnh giác đối với những loại rượu này, bởi uống rượu không rõ nguồn gốc là chúng ta đang mạo hiểm với sức khỏe của chính mình. Nguy hiểm nhất chính là cồn công nghiệp được pha vào trong nước để trở thành rượu và giá bán một chai rượu đôi khi còn rẻ hơn một chai nước”, bà Lan chia sẻ thêm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu cho biết, để thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thời gian tới, Ban Quản lý an toàn thực phẩm phối hợp cơ quan chức năng của thành phố sẽ tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi lưu thông, mua bán hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… ngoài danh mục được phép sử dụng.
Cùng với đó, các cơ quan sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác lưu thông trên thị trường gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm tại TP HCM đang được kỳ vọng kiểm soát được an toàn thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn của mọi gia đình; chấm dứt tình trạng một miếng ăn có tới 3 bộ quản lý gồm Y tế, Công thương và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn gây nên nhiều bất cập lâu nay.
Ban quản lý ATTP TP HCM ra đời có đủ điều kiện để thanh tra, giám sát, kiểm soát từ A-Z tất cả mặt hàng là thực phẩm, thay vì phải đợi sự tham gia của các ngành cùng chức năng như mô hình trước đây.