Người uy tín - cầu nối Đảng với dân
Thời gian qua người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng đã phát huy tốt vai trò vận động, làm gương trong bà con dân tộc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương. Đó là khẳng định của ông Dương Sà Kha - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng với báo Đại Đoàn Kết.
Ông Dương Sà Kha.
PV:Thưa ông, trong những năm qua, MTTQ tỉnh Sóc Trăng đã phát huy được vai trò của người uy tín, góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước gần hơn tới người dân như thế nào?
Ông Dương Sà Kha: Toàn tỉnh Sóc Trăng có 1.459 người có uy tín có phạm vi ảnh hưởng đến cộng đồng. Hằng năm, UBMTTQ các cấp phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên rà soát, lựa chọn, bổ sung những cá nhân tiêu biểu vào danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Người có uy tín cũng đã tích cực tham gia cùng với Mặt trận, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt CVĐ “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… tạo sự chuyển biến về nhận thức và tăng cường tình làng, nghĩa xóm.
Với Sóc Trăng, đồng bào luôn quan niệm “Tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm”. Người có uy tín trước hết bằng uy tín, sự am hiểu thực tiễn, phong tục tập quán tại địa phương phải tuyên truyền đến từng hộ gia đình thông qua các mô hình phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc cho đồng bào DTTS tại địa phương.
Vậy kết quả nổi bật nhất mà Mặt trận tỉnh Sóc Trăng đạt được trong vận động các chức sắc, người uy tín đồng bào DTTS khi tham gia các phong trào, các CVĐ là gì thưa ông?
- Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào DTTS nhất đồng bằng sông Cửu Long nhưng đời sống của bà con đã đổi thay rõ nét. Tận các phum sóc, bà con Khmer hăng hái thi đua lao động sản xuất, hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại thu nhập cao như: trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mô hình tôm - lúa, cá - lúa, nuôi bò sữa, nuôi gà, trồng nấm rơm… giúp hàng chục nghìn hộ Khmer vươn lên thoát nghèo.
Riêng trong năm 2016, người uy tín đã vận động đồng bào, mạnh thường quân ủng hộ quỹ Vì người nghèo và các hoạt động an sinh xã hội 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các mô hình hay như: “người có uy tín làm nhiều việc tốt”; “KDC hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; “KDC phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội”; “Hàng rào, cột cờ, điện thắp sáng”; “Áo trắng cho học sinh nghèo”; phong trào hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây cầu, đường, khoan giếng nước và các công trình phúc lợi dân sinh khác... đã phát huy tác dụng góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Trong quá trình đi tuyên truyền, vận động khó khăn mà người uy tín gặp phải lớn nhất là gì thưa ông?
- Khó khăn mà người uy tín gặp phải lớn nhất có lẽ là việc tổ chức, quán triệt và triển khai thực hiện chưa đầy đủ các nội dung cơ bản của Chỉ thị 06 của Chính phủ. Một số địa phương chưa được cấp kinh phí hoạt động khiến công tác vận động, phát huy vai trò người uy tín còn thấp.
Bên cạnh đó, một số người có uy tín chưa phát huy hết vai trò của mình, còn e ngại tiếp xúc, gặp gỡ đối tượng cần vận động, thuyết phục, chưa mạnh dạn cung cấp thông tin tình hình, phản ánh những tâm tư nguyện vọng của đồng bào; trình độ học vấn giữa người có uy tín không đồng đều nên việc tiếp cận nắm bắt tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, còn hạn chế.
Nhiều mô hình kinh tế giúp đồng bào Khmer thoát nghèo.
Được biết, việc lựa chọn, đánh giá công nhận người uy tín đòi hỏi một quy trình khắt khe. Vậy, tỉnh Sóc Trăng đã có cách bình chọn như thế nào để có thể lựa chọn được người thật sự có uy tín, thưa ông?
- Trong xây dựng đội ngũ người có uy tín vùng đồng bào DTTS, cách làm của Sóc Trăng là giao cho dân bình chọn, rồi tổ chức bồi dưỡng kiến thức, chăm lo về vật chất, tinh thần.
Để chọn người thật sự có uy tín, mỗi năm, Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn các phòng dân tộc huyện phân công cán bộ phối hợp với chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xuống tận cơ sở, bám sát địa bàn, tham gia cùng với xã lập danh sách dự kiến người có uy tín, rồi đưa ra dân bình chọn. Sau khi chọn được những người có đủ điều kiện, các địa phương gửi kết quả đến Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, ra quyết định công nhận.
Năm nay, Sóc Trăng đã chọn được hơn 350 người có uy tín vùng đồng bào DTTS, trong đó người Khmer gần 300 người, phần lớn có độ tuổi từ 50 trở lên, gồm nhiều thành phần, từ nhà giáo, thầy thuốc, cán bộ về hưu, người sản xuất, kinh doanh giỏi, trưởng tộc, trưởng thôn đến sư sãi, chức sắc tôn giáo… Để nâng cao vị trí, vai trò của người có uy tín, Sóc Trăng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ này hoạt động.
Hàng năm, tỉnh đều tổ chức họp mặt nhằm thông báo cụ thể cho người có uy tín nắm tình hình thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong tỉnh nói riêng, trong và ngoài nước nói chung để người uy tín về địa phương tuyên truyền cho bà con nơi cư trú xây dựng, bảo vệ, phát triển thôn xóm, phum sóc.
Ngoài ra, tỉnh còn mở nhiều buổi tập huấn để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo, các chương trình, dự án liên quan đến công tác xóa đói, giảm nghèo.
Thưa ông, để phát huy hơn nữa vai trò của chức sắc, người uy tín trong đồng bào DTTS, thời gian tới tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung vào những hoạt động gì?
- Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn phát huy vai trò của các chức sắc, người uy tín khi tham gia các CVĐ, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động. Bên cạnh đó, Mặt trận tỉnh cũng sẽ thường xuyên gặp gỡ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để hiểu hơn các chức sắc, người uy tín.
Trân trọng cảm ơn ông!
Sóc Trăng là tỉnh có tỉ lệ đồng bào Khmer cao, gần 36% dân số toàn tỉnh. Đa số đồng bào Khmer sinh sống ở vùng nông thôn, quanh các chùa. Chùa có vị trí đặc biệt quan trọng đối với đồng bào Khmer, trong đó vai trò của các nhà sư luôn được bà con tôn kính. |