Để nông thôn thành nơi đáng sống
Tại Hội nghị toàn quốc Văn phòng Điều phối nông thôn mới diễn ra tại Hà Tĩnh, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nhìn lại những gì còn tồn tại trong việc xây dựng nông thôn mới. Cho dù thành tựu trong lĩnh vực này là không thể phủ nhận, song làm gì để tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tốt hơn trong thời gian tới là điều hết sức quan trọng. Tất cả những điều đó chính là nỗ lực để nông thôn thực sự trở thành nơi đáng sống.
Trong hai ngày 14 và 15/4, tại TP Hà Tĩnh đã diễn ra Hội nghị toàn quốc Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2017. Đây là dịp để những người làm NTM cả nước nhìn lại chặng đường đã qua, đồng thời vạch ra chiến lược cho thời kỳ mới và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để cùng nhau đưa nông thôn phát triển bền vững.
Lượng hóa Chương trình xây dựng nông thôn mới
Thông tin tại Hội nghị cho biết, tính đến hết quý I/2017, cả nước có 2.656 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 263 xã so với cuối năm 2016 và tăng thêm 1.124 xã so với 2015.
Bình quân cả nước đạt 13,87 tiêu chí/xã,tăng 0,63 tiêu chí so với cuối năm 2016, tăng 1,63 tiêu chí so với cuối 2015. Còn 190 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 67 xã so với cuối 2016. Cả nước đã có 33 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 3 huyện so với cuối 2016 và tăng 18 huyện so với cuối 2015).
Đặc biệt, sau hơn 6 năm triển khai, nhiều địa phương đã hình thành và phát triển được những mô hình NTM mang tính đặc trưng riêng, như: Mô hình KDC NTM kiểu mẫu (Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hậu Giang), mô hình “Làng đô thị xanh” gắn xây dựng NTM với đô thị hoá của Đà Lạt (Lâm Đồng); một số địa phương đã chủ động ban hành kế hoạch và tiêu chí nâng chất lượng đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh... tạo tiền để chuyển tiếp lên NTM kiểu mẫu.
Vấn đề xử lý môi trường đã được các địa phương bước đầu quan tâm. Một số địa phương có đề án riêng về xử lý môi trường như huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, TP.HCM... Đời sống văn hoá, tinh thần người dân nông thôn được cải thiện; nhiều hình thức văn hóa, văn nghệ dân gian được khôi phục; những lễ hội văn hóa lành mạnh như Lễ hội hoa tam giác mạch (Hà Giang), Lễ hội hoa Ban (Điện Biên)... được hình thành và phát triển, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần thúc đẩy các mô hình xây dựng NTM gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đột phá, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở các địa phương vẫn còn những tồn đọng cần khắc phục. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường.
Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nên vẫn còn lúng túng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bị tư thương ép giá... Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang nổi lên được xã hội quan tâm. An ninh trật tự nông thôn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định...
Nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, tính đến hết 31-1-2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của cả nước còn khoảng 8.906 tỷ đồng (giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó có 18/63 tỉnh không có nợ.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Trung ương nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên chúng ta lượng hóa thế nào là mô hình xây dựng NTM. Giai đoạn I (2011-2015), mục tiêu của Chương trình là 20% số xã phải đạt chuẩn NTM. Cái khó nhất ở giai đoạn này là nguồn lực, tuy nhiên bằng sự nỗ lực của cả nước, từ chỗ nhận thức chưa đầy đủ đến nay mọi tầng lớp nhân dân đều ủng hộ, đồng thuận nên Chương trình trở thành phong trào sâu rộng, ý nghĩa thiết thực, huy động được một nguồn lực rất lớn.
Phát huy những thành quả đạt được, những người làm NTM 63 tỉnh thành phải phấn đấu đến hết năm 2017, cả nước có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 5% so với năm 2016); có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM (tăng thêm 08 huyện).
Năm 2016 là năm bản lề thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khi cả nước bước vào năm đầu tiên của giai đoạn II (2016-2017), vì thế, đặt lên vai những người làm NTM nhiều trọng trách nặng nề. Tuy nhiên, với tinh thần bền bỉ học hỏi và sâu sát hơn với người nông dân, từ những khó khăn ban đầu, năm thứ 6 của Chương trình MTQG NTM đã ghi nhận rất nhiều nỗ lực và bước tiến mới của đội ngũ cán bộ NTM cả nước. Vượt lên những con số thành tích, những giá trị bề nổi về cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn… những viên gạch đầu tiên cho các giá trị cốt lõi của Chương trình đã được xây dựng. |
Chia sẻ kinh nghiệm
Đại diện các tỉnh, thành trên cả nước đã làm rõ những khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay tại địa phương trong xây dựng NTM, như: xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; xây dựng NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện sau đạt chuẩn NTM; xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi; kinh nghiệm chỉ đạo phát triển văn hóa cơ sở, giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM...
Đối với huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), theo Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Chiến, sau khi đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2016-2020, các xã phải đề ra được chiến lược, giải pháp để đạt xã NTM kiểu mẫu. “Vấn đề quan trọng nhất để thực hiện thành công mọi mục tiêu đặt ra đó là phải làm sao phát huy được nội lực, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của người dân - Xây dựng từ đồng về nhà, từ nhà ra xóm, từ xóm lên xã.
“Phải phân cấp quản lý công trình, xã chịu trách nhiệm các công trình của xã, xóm chịu trách nhiệm của các công trình của xóm. Chúng tôi cho rằng, muốn đạt được xã NTM thì trước hết mỗi gia đình phải là gia đình NTM”, ông Chiến nói.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. “Đây là tiêu chí thứ 20 trong bộ tiêu chí xã NTM áp dụng tại Hà Tĩnh, là nét sáng tạo và được Trung ương cũng như các tỉnh bạn đánh giá cao. Từ thành công của Hà Tĩnh, chúng tôi đề nghị trong bộ tiêu chí NTM quốc gia nên áp dụng tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Hà Tĩnh đã ban hành riêng bộ tiêu chí 10 chuẩn đối với tiêu chí số 20 này. Tuy nhiên, mỗi địa phương cần xây dựng khung tiêu chuẩn riêng để phù hợp với thực tế vùng miền”, ông Sơn đề nghị.
Về kinh nghiệm giữ gìn, bảo vệ môi trường, ông Huỳnh Thành Vinh – Quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Chúng ta phải luôn xác định bảo vệ môi trường là một công việc lâu dài, phải làm công phu, bền bỉ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, cần được thực hiện một cách đồng bộ giữa các cấp, các ngành, phối hợp chặt chẽ với người nông dân thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến góp phần cải thiện chất lượng môi trường cuộc sống cũng như chất lượng môi trường”.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận những ý kiến chia sẻ đến từ các địa phương trên cả nước. Ông Cường yêu cầu các địa phương rà soát tất cả những khó khăn để đưa bổ sung những vấn đề còn thiếu, kịp thời báo cáo với Trung ương xem xét, xử lý để nông thôn thực sự trở thành nơi đáng sống.
Đề cao những sáng tạo của Hà Tĩnh Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, hơn 450 đại biểu của 63 tỉnh, thành và bộ, ngành đã có chuyến tham quan thực địa mô hình vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, trải nghiệm nông dân xưa và nay tại xã Hương Bình, Hương Trà (Hương Khê); Cẩm Yên (Cẩm Xuyên); Tượng Sơn (Thạch Hà); Vượng Lộc (Can Lộc); Tùng Ảnh (Đức Thọ); Xuân Mỹ, Tiên Điền (Nghi Xuân)... |