Sự thay đổi của ông Trump

Khánh Duy 16/04/2017 08:00

Từ bỏ thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc và tự đảo ngược hàng loạt các quan điểm từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử, tuần làm việc thứ 12 của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đánh dấu khoảnh khắc ông trở thành một chính trị gia truyền thống của đảng Cộng hòa, hơn là hình mẫu cá tính, lật đổ truyền thống trước đây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị cuộc tấn công nhằm vào Syria dù trước kia cho rằng Mỹ đã can dự vào quá nhiều cuộc chiến ở nước ngoài. Nguồn: Reuters.

4 thay đổi lớn trong một tuần

Trong tuần trước, Tổng thống Trump đã bất ngờ chỉ thị đơn phương thực hiện cuộc tấn công tên lửa nhằm vào chính phủ Syria, dù trước kia ông từng tuyên bố trước cử tri Mỹ rằng Washington đang can dự vào quá nhiều chiến dịch quân sự ở nước ngoài.

Ông Trump trong tuần này cũng tuyên bố rằng NATO “không còn lỗi thời” nữa, sau khi từng đặt câu hỏi về cam kết với khối đồng minh này trong chiến dịch tranh cử.

Cùng trong tuần, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ không liệt Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tiền tệ nữa, dù trước đó liên tục hứa hẹn sẽ làm như vậy để đòi sự công bằng cho người dân Mỹ.

Ông cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu, đảm bảo nguồn vay vốn cho các công ty Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng cho rằng ngân hàng này là một ví dụ về “chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Ngoài ra, ông Trump thậm chí còn gọi các hãng truyền thông là “những con người ngay thẳng” trong một cuộc họp với các phóng viên tại Nhà Trắng, dù trước đây từng khuấy động một cuộc khẩu chiến với giới truyền thông.

Như vậy chỉ trong vòng có 7 ngày, người ta đã được chứng kiến ít nhất 4 sự thay đổi chính sách lớn của nước Mỹ, điều có thể được xem là kỷ lục đối với một vị Tổng thống trong vòng 100 ngày làm việc đầu tiên của mình.

“Nếu như chỉ có một trong số các thay đổi này, thì đã được xem là sự thay đổi đáng chú ý rồi”- Jason Grumet, người đứng đầu Trung tâm Chính sách lưỡng đảng ở Washington, nhận định. “Thực tế rằng có vài thay đổi trong một lúc lại là điều khá bất thường. Nhiều khía cạnh của vấn đề này khá đáng ngại”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer, khi trả lời phỏng vấn báo giới hôm 13/4 liên quan tới việc liệu Tổng thống có tiếp tục luận điệu cứng rắn trong thâm hụt thương mại với Trung Quốc hay không, đã nói rằng điều mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử chỉ là một chiến lược đàm phán.

“Giọng điệu cứng rắn của Tổng thống về hàng loạt vấn đề là nhằm mang lại kết quả tốt cho người dân Mỹ”- ông Spicer nói. “Đó chính là điều ông đã cam kết: Tạo nhiều công ăn việc làm, tăng trưởng ngành nghề sản xuất, đảm bảo sự an toàn cho đất nước”.

Trong tuần qua, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm lên án Syria trong cáo buộc tấn công hóa học. Trong khi chỉ có Nga bỏ phiếu chống thì động thái trên được giới chức chính quyền Washington coi là một thắng lợi ngoại giao to lớn, một kết quả đạt được từ các vòng đàm phán giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida.

Tổng thống Trump cũng nói rằng ông cần có sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc gây sức ép với Triều Tiên để nước này từ bỏ chương tình phát triển vũ khí hạt nhân. Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc mới đây đã ngừng nhập khẩu mặt hàng than đá của Triều Tiên.

“Xét cho cùng thì cam kết này luôn nhằm vào việc phát triển một tình huống có lợi hơn cho người dân Mỹ, và tôi nghĩ rằng ông ấy đã làm được điều đó” – ông Spicer nói.

Cú bắt tay của ông Trump và Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg trong cuộc họp tại Nhà Trắng.

Phản ứng trái chiều

Dù vậy, sự thay đổi 180 độ của ông Trump về quan điểm với Trung Quốc không thể làm hài lòng các chính trị gia đảng Dân chủ.
“Trong lúc thực hiện chiến dịch tranh cử, ông Trump luôn hứng thú nói với chúng ta về việc ông ấy sẽ cứng rắn như thế nào với Trung Quốc, và rất nhiều người đã tin ông ấy” - Nghị sỹ Tim Ryan của bang Ohio, nói. “Nhưng kể từ khi nhậm chức, ông ấy chưa từng có một hành động cụ thể nào cả”.

Theo vị nghị sỹ đảng Dân chủ, sự yếu đuối của ông Trump trong mối quan hệ Mỹ-Trung cùng việc thiếu đi một chính sách thương mại chặt chẽ sẽ khiến cho nước Mỹ mất thêm nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là với những người không đủ khả năng cạnh tranh công bằng với các công ty Trung Quốc.

Chủ tịch Liên minh Bảo thủ Mỹ Matt Schlapp thì cho rằng ông Trump không phải là đang trung lập hóa các quan điểm của mình, mà đang đưa ra các giải pháp thực tế cho nền kinh tế và an ninh quốc gia.

“Tôi không xem đây là một sự xoay trục, tôi xem đó là điều hành”- ông Schlapp nói với kênh MSNBC. “Ông ấy đang cố gắng mang tới sự thay đổi cho Washington”.

Về vấn đề NATO, ông Spicer nói rằng Tổng thống không hề thay đổi cam kết ủng hộ đối với khối đồng minh này, mà chính NATO đã tiến gần hơn tới các ưu tiên của ông Trump.

“Tổng thống từng nói về sự cần thiết các quốc gia thành viên phải đóng đủ định mức của họ, tuân thủ cam kết mức đóng góp 2% GDP”- ông Spicer nói. “Ông ấy nói về sự cần thiết NATO tập trung hơn vào vấn đề khủng bố. Và NATO đã làm được điều đó”.

Sự thay đổi quan điểm này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới viễn cảnh cải thiện mối quan hệ với Moscow, điều mà Tổng thống Trump từng khẳng định rằng ông sẽ theo đuổi khi còn là một ứng viên.

“Ngay bây giờ đây, chúng ta đang không hòa thuận với Nga chút nào cả. Chúng ta có thể đang ở mức thấp nhất xét về mối quan hệ với Nga”- Tổng thống Trump nói tại cuộc họp báo tổ chức ở Nhà Trắng, trái ngược hoàn toàn với các tuyên bố trước đó của ông.

Đội ngũ của Trump đang hoàn thiện?

Một cố vấn thân cận với Nhà Trắng nói rằng sự thay đổi của ông Trump khi tiến gần hơn với các quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa đã phản ánh rõ sự hòa thuận giữa các phe phái ở Cánh Tây Nhà Trắng.

Đầu tiên chính là cố vấn Jared Kushner- con rể ông Trump cùng vợ là Ivanka Trump. Thứ hai chính là Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, người thân thiết với ông Spicer, và nhiều đồng minh khác của họ, trong đó có nhiều người đang làm việc tại Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC).

Chỉ vài ngày trước đó trong một bài phỏng vấn với tờ New York Times, ông đã công khai chỉ trích cố vấn chính trị Stephen Bannon.

Được biết ông Bannon, người từng là một cố vấn thân cận với Tổng thống Trump, đã bị loại bỏ khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia hồi tuần trước trong một động thái có thể được xem như một chiến thắng đối với giới chức đại diện cho quan điểm chính sách truyền thống ở Washington.

Việc ông Bannon bị loại bỏ cũng được xem là tín hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng trong chính quyền Mỹ đang dần ngả sang phía ông Jared Kushner, con rể của ông Trump, Ivanka, con gái ông và trưởng cố vấn kinh tế Gary Cohn.

Một số nhà quan sát cho rằng sự biến đổi trong quan điểm của Tổng thống Trump là kết quả thiết yếu của quá trình chuyển tiếp từ chiến dịch tranh cử sang vận hành một quốc gia.

“Tiếng nói của ông Bannon trước đây là tiếng nói dẫn dắt chiến dịch tranh cử của ông Trump”- ông Grumet nói. “Nhưng nó dần trở nên kém hiệu quả hơn nếu một người muốn trở thành Tổng thống của một đất nước đang chia rẽ, trong một thế giới phức tạp. Sự tiến hóa của một người mong muốn được điều hành diễn ra rất nhanh”.

Một quan chức kỳ cựu giấu tên của chính quyền Mỹ trong tuần qua còn nói rằng các động thái đáng chú ý vừa qua đã phản ánh rằng Nhà Trắng đã tỏ ra nhanh nhạy hơn rất nhiều so với trước kia, đặc biệt là đối với đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống, liên quan tới các vấn đề như Syria, Triều Tiên và phiến quân IS.

“Điều mà các bạn đang thấy là một đội ngũ mà tôi cho rằng hoàn toàn đủ khả năng để đạt được mức độ nhanh nhạy cao hơn nhiều trong hàng loạt các mối quan hệ nước ngoài và về an ninh quốc gia. Tôi cho rằng sẽ có nhiều tín hiệu đáng mừng hơn trong những tuần, những tháng tới”- vị quan chức trên nói với tờ Washington Times.

Khánh Duy