Đột quỵ có xu hướng trẻ hóa
Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não), là một nhóm bệnh gây tử vong và tàn tật khá phổ biến.
Theo báo cáo năm 2016 của Tổ chức đột quỵ thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm với khoảng 6 triệu trường hợp tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ ở các lứa tuổi đặc biệt là đang trẻ hóa.
Theo các thống kê được đưa ra tại Hội nghị khoa học phục hồi chức năng toàn quốc do Hội phục hồi chức năng Việt Nam tổ chức sáng 13/4, dù tỉ lệ tử vong do đột quỵ hiện giảm đáng kể so với trước kia nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn nuốt, thất ngôn, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tì đè,…
Trong số đó chỉ có 25 – 30% tự đi lại phục vụ bản thân, 20 – 25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày, 15 – 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
Theo PGS. TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi là do các yếu tố nguy cơ liên quan trong đó có lối sống hiện đại và bệnh mãn tính.
Ở Việt Nam hiện nay đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa ở cả nam và nữ, ở độ tuổi dưới 30, thậm chí có cả sinh viên. Nguyên nhân, cơ bản theo BS Khanh là do tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu, tiểu đường… đây đều là yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.
BS Khanh lưu ý, đột quỵ não để lại rất nhiều biến chứng nặng nề nguy hiểm như rối loạn gây nguy cơ sặc, viêm phổi do hít phải thức ăn đồ uống, loét da, viêm tắc mạch máu, đại tiểu tiện không tự chủ, đau khớp vai bên liệt, suy dinh dưỡng… Vì vậy, phục hồi sức năng sau đột quy não rất quan trọng.
Theo đó, hiện nay, các thành tựu về cấp cứu và can thiệp giai đoạn cấp ở Việt Nam tương đối phát triển và tiếp cận với thế giới. Nhiều trung tâm đột quỵ của Việt Nam thành lập ở các tỉnh, thành.
Nếu bệnh nhân phát hiện sớm, đến bệnh viện kịp thời sẽ được cứu sống và tỷ lệ hồi phục cao. Tuy nhiên, người ta cho rằng, khi bị đột quỵ, ảnh hưởng chức năng lớn, để lại di chứng lớn đến 90% các loại biến chứng về vận động, thần kinh, cơ xương khớp, tâm lý.
BS Khanh khuyến cáo, công tác xử lý bệnh nhân không chỉ can thiệp, cứu sống ban đầu mà bắt buộc phải phục hồi chức năng để đảm bảo cho họ cải thiện được các khiếm khuyết, hòa nhập với xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngay cả bệnh nhân được cứu sống, người ta thống kê khoảng 25% hồi phục hoàn toàn, 50% phụ thuộc một phần, và 25% là hoàn toàn phụ thuộc vào người khác.