Bao giờ lắng nghe trẻ em nói?
Hôm qua, đón con gái đi học về, thấy con buồn, hỏi mãi nguyên nhân, con không chia sẻ.Tối khuya, chuẩn bị đi ngủ, bỗng dưng cô con gái học lớp 4 bất ngờ hỏi: Hình như người lớn không thích nghe trẻ con nói mẹ nhỉ?!
Trước sự động viên của tôi, con ngần ngại kể: Cô giáo yêu cầu hằng ngày bố mẹ ký vào vở dặn dò để cô biết là gia đình có xem sách vở của con hay không. Hôm qua, mẹ về khuya, con đã ngủ nên không đưa vở để mẹ xem và ký được. Khi cô kiểm tra vở, không có chữ ký của mẹ… Con giải thích thì cô bảo, lắm lý do quá…
Thực tế cho thấy dù đã có nhiều đổi mới nhưng nền giáo dục Việt Nam hẳn vẫn còn xa lạ với khái niệm dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Điều cốt lõi mà có lẽ không ít giáo viên ngày nay đã quên, đó là cần lắng nghe học sinh nhiều hơn.
Nói như cô Nguyễn Thị Ngọc Minh-Giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội thì có vô vàn lí do để một đứa trẻ ngọ ngoạy trong lớp. Đã bao giờ các giáo viên lắng nghe để nhìn thấy chúng đang thực sự ngọ ngoạy vì cái gì chưa? Nếu giáo viên chịu lắng nghe thì chắc hẳn cô con gái bạn tôi đang học ở một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội đã không phải buồn bã kể với mẹ rằng: Mẹ đưa con đến trường muộn, con nói với cô mẹ bị hỏng xe nhưng với cô quát im đi, lúc nào cũng lý do lý chấu.
Trung thực là đức tính mà ai cũng cần có để cư xử trong các mối quan hệ xã hội. Các chuyên gia giáo dục đều cho rằng: Tính cách của trẻ ảnh ngoài yếu tố bẩm sinh, còn lại là do cha mẹ, nhà trường rèn luyện, định hướng.
Vì vậy, việc dạy trẻ tính trung thực, nhân ái là bài học không thể thiếu. Nếu bị hỏng xe thật mà con lại nói khác đi thì có nghĩa là con nói dối, không lẽ cô thích nghe nói dối hay cô giáo chưa từng bị hỏng xe, trễ giờ lên lớp bao giờ?
Về phía ngành giáo dục, trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhằm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, bên cạnh các yêu cầu về kỹ năng, hình mẫu học sinh mới là người có ba phẩm chất: Sống yêu thương, sống tự chủ và sống trách nhiệm.
Ngành giáo dục đã định hướng chuyển mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực học sinh.Tuy nhiên dư luận vẫn băn khoăn về phương thức thực hiện, trong đó đặc biệt lo ngại về vai trò của giáo viên. Theo phân tích của nhiều chuyên gia thì một trong những vấn đề lớn nhất của đổi mới là sự chậm đổi mới của giáo viên.
Phương pháp giáo dục mới theo hướng gợi mở, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh thường ít được chú trọng. Vì thế thái độ coi thường, không lắng nghe học sinh của giáo viên vẫn là điểm yếu trong một bộ phận giáo viên.