Dừng dự án thép Cà Ná: Quyết định sáng suốt
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng dự án luyện thép Cà Ná tại tỉnh Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen đăng ký làm chủ đầu tư. Nhiều chuyên gia ủng hộ quyết định cho dừng dự án này của Thủ tướng bởi lẽ khi đi vào triển khai, không những gây thừa thép mà quan trọng hơn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.
Hình ảnh 3D Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận Nguồn: hoasengroup.vn.
Không đánh đổi môi trường lấy dự án
Kết luận được Thủ tướng đưa ra sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ hồi tháng 3-2017 với sự tham dự của các phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ cùng UBND tỉnh Ninh Thuận.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng dự án mới dừng lại ở mức đánh giá sơ bộ; công tác chuẩn bị còn vội vàng; thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề.
Thứ nhất, tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô, công suất và thời điểm hợp lý mới phát triển dự án.
Thứ hai, đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ và thiết bị của dự án, nhất là nghiên cứu đánh giá tác động môi trường bảo đảm dự án an toàn, không xảy ra sự cố như Formosa.
Thứ ba, xác định tổng mức vốn đầu tư tổng thể, trong đó có tính đến cả cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ. Đồng thời, phải xác định rõ nguồn nguyên liệu cho dự án.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ lưu ý đây là dự án luyện thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên “rất nhạy cảm”. “Vì vậy, bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung như trên ở mức nghiên cứu khả thi dự án. Chỉ khi nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên, tỉnh Ninh Thuận phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các bước chuẩn bị, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định”- Thủ tướng chỉ đạo.
Kết luận của Thủ tướng cũng nhìn nhận Ninh Thuận là tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc dừng nhà máy điện hạt nhân đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên việc thu hút các nhà đầu tư khác để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là hết sức cần thiết. Mọi nhà đầu tư đến Ninh Thuận đều được hoan nghênh.
Tuy nhiên, để Ninh Thuận phát triển, không chỉ đầu tư nhà máy thép, nhà máy điện hạt nhân mà còn rất nhiều lợi thế khác: năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, du lịch, nông nghiệp hữu cơ... sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từng khẳng định: Không đánh đổi môi trường để lấy dự án bằng mọi giá và không có lợi ích nhóm.
Người đứng đầu Bộ Công thương cho biết trong quá trình xây dựng các dự án thép, không chỉ dự án thép Cà Ná mà còn có dự án thép Dung Quất cũng như các dự án thép trong quy hoạch sẽ phải bảo đảm đầy đủ các quy định pháp luật, đặc biệt là dựa trên nguyên tắc bảo vệ môi trường và bài học đã rút ra từ vụ Formosa.
Không đi vào vết xe đổ
Trước thông tin Thủ tướng quyết định dừng dự án thép Cà Ná, giới chuyên gia đặc biệt hoan nghênh quyết định sáng suốt này bởi lẽ khi đi vào triển khai, không những gây thừa thép mà quan trọng hơn là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Hơn nữa, nếu dự án này đi vào hoạt động sẽ ngốn một lượng nước, điện năng không nhỏ, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch ngành điện.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bình luận: Không nên đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác. Trung Quốc đang dư thừa khối lượng thép khổng lồ và 3 năm vừa qua Trung Quốc đã bắt đầu bỏ các nhà máy gang thép công suất dưới 2 triệu tấn vì những nhà máy như vậy không có lợi cho kinh tế, môi trường. Chúng ta phải rút ra bài học, không đi vào vết xe đổ của các quốc gia khác, ông Phong nói.
Theo ông Phong, là cơ quan quản lý phải chủ động kiểm soát từ đầu tới cuối mọi hoạt động của doanh nghiệp, có như vậy mới kiểm soát được. Tránh trường hợp của Formosa là cơ quan quản lý đã bị động, buông lỏng quản lý để đến khi họ đi vào hoạt động rồi, làm sai rồi rồi mới tìm hiểu, điều tra, xử lý.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận: Không nên đánh đổi môi trường lấy dự án. Thực tế Tập đoàn Hoa Sen đã cam kết không làm ảnh hưởng đến môi trường nếu triển khai dự án nhưng cam kết này là … “không ổn”.
Nếu Hoa Sen cam kết dự án sẽ không gây ô nhiễm môi trường thì phải có cơ sở chắc chắn về thông số kỹ thuật, việc đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ xử lý chất thải cũng phải công khai để cho Nhà nước cũng như xã hội kiểm soát chứ không phải chỉ là cam kết “đền bù tài sản” là xong.