Áp trần giá sữa: Không để loạn giá
Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Thông tư quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi trong đó có việc áp trần giá sữa sẽ được loại bỏ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho rằng, có thể bỏ áp trần giá sữa ở thời điểm này nhưng nếu tái phát thực trạng “loạn giá”, vẫn cần sử dụng lại. Vì mục tiêu cuối cùng của nhà quản lý vẫn là làm sao để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng.
PV:Thời gian qua, quy định áp trần giá sữa đã gây khá nhiều bức xúc cho DN ngành này. Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Công thương quyết định bỏ trần giá sữa?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi thuộc mặt hàng bình ổn giá theo Luật Giá. Như vậy có nghĩa là, chính sách cho mặt hàng này không thay đổi, đây là sản phẩm vẫn thuộc diện bình ổn và trong tầm kiểm soát của nhà quản lý. Nhưng có điểm mới là, trước đây quản lý giá thuộc Bộ Tài chính thì nay giao cho Bộ Công thương.
Giá sữa đã từng khiến dư luận dậy sóng khi có năm bị “thổi lên” không gì kiểm soát được, lúc đó Bộ Tài chính và Vinastas đã kiến nghị áp giá trần để quản lý giá sữa, có nghĩa là DN có thể điều chỉnh tăng nhưng không thể vượt giá trần quy định. Tuy nhiên, như chúng ta đã chứng kiến hiện nay tình hình giá sữa trên thị trường đã ổn, các địa phương có kiến nghị và Chính phủ cũng đã đồng ý bỏ việc áp giá trần sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo tôi, bỏ trần giá sữa ở thời điểm này cũng là hợp lý, song không phải là xóa vĩnh viễn bởi đây là công cụ giúp cho việc bình ổn giá sữa cho trẻ em khá là hiệu quả trong một thời gian dài.
Theo Dự thảo lần này của Bộ Công thương, tôi cho là, bỏ giá trần nhưng Bộ Công thương vẫn sẽ kiểm soát, không buông lỏng quản lý đối với mặt hàng này.
Như tôi đã nói ở trên, đây là mặt hàng thuộc diện bình ổn theo Luật Giá. Cho nên việc kiểm soát yếu tố hình thành nên giá như Bộ Công thương đưa ra trong Dự thảo cũng là một cách để kiểm soát việc tăng giá bất thường của DN.
Thứ hai, trong hai kỳ tăng giá liên tiếp liền nhau của DN nếu quá 5% thì phải có kê khai cụ thể, đây cũng là cách để Bộ Công thương can thiệp khi giá sữa có biểu hiện tăng bất hợp lý.
Dù vậy, vẫn cần phải khẳng định lại rằng, có những năm giá sữa tăng như “con ngựa bất kham” nên giải pháp áp giá trần là hiệu quả nhất, do đó không nên bỏ hoàn toàn quy định về trần giá sữa.
Nếu trong thời gian tới, thị trường sữa có dấu hiệu tăng giá bất thường, chúng tôi sẽ lại kiến nghị áp trần để kiềm chế thị trường này. Nhà nước không thể buông mặt hàng này cho thị trường được. Tất nhiên cũng phải đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích DN, người tiêu dùng.
Mục tiêu của Dự thảo là sẽ kiểm soát để giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là mức giá hợp lý nhất. Nhưng thực tế cho thấy, ở các TP lớn có thể việc kiểm soát này tốt hơn, còn ở các địa phương không phải dễ, ông có thấy như vậy?
- Đúng là có thực tế như vậy! Đây là một bài toán đặt ra cho các nhà quản lý. Điều chúng tôi quan tâm là giá sữa bán lẻ đến tay người tiêu dùng thế nào. Tại Dự thảo được xây dựng cho thấy, Bộ Công thương sẽ chịu trách nhiệm đối với các tập đoàn lớn, công ty lớn.
Còn đối với các đại lý nhỏ ở địa phương, nếu sản phẩm chỉ lưu hành trên địa bàn địa phương đó sẽ do chính quyền địa phương quản lý. Nhưng thực tế là, tại các địa phương chủ yếu là các đại lý nhỏ, hộ dân kinh doanh sữa với lượng hàng không lớn. Vậy ai sẽ kiểm soát giá ở các hộ kinh doanh này? Đó mới là phần chúng tôi quan ngại rằng, giá sữa đến tay người tiêu dùng sẽ không còn là giá chuẩn nữa. Tôi nghĩ những vấn đề này cơ quan quản lý phải nắm bắt rõ để có những giải pháp hữu hiệu, đảm bảo giá theo đúng quy định của Luật Giá, như vậy người tiêu dùng mới không bị thiệt thòi.
Thưa ông, trong Dự thảo mới có quy định: trong hai kỳ tăng giá liên tiếp liền nhau của DN nếu điều chỉnh tăng quá 5% thì mới phải kê khai cụ thể, còn dưới 5% thì DN được tự điều chỉnh. Như vậy, liệu có nguy cơ DN lách luật không?
- Ở trong Dự thảo có đưa ra mức nếu điều chỉnh giá trên 5% thì phải kê khai, nó giống như một “chiếc van” hãm giá sữa để trong trường hợp tăng quá, tăng một cách bất thường DN sẽ buộc phải kê khai.
Vấn đề đặt ra là làm sao có thể nắm bắt được cái giá mà các DN đưa ra có tăng quá 5% hay không, nhất là đối với các địa phương. Tôi nghĩ đây là điểm nhà quản lý cần phải hết sức lưu tâm và phải có những giải pháp phủ sóng rộng rãi hơn. Nếu không cẩn thận sẽ lại tạo ra kẽ hở.
Trân trọng cảm ơn ông!