Bến đò mất trật tự kéo dài nhiều năm: Vì sao không giải quyết được?

Quốc Trung 17/04/2017 07:55

Nhiều năm qua, bến đò Trà Ếch ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng xảy ra tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của người dân 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Tuy nhiên, đến nay việc lộn xộn, mất trật tự tại bến đò vẫn chưa được giải quyết.

Lực lượng chức năng khống chế bà Tho để đò ông Chót cập bến trả khách ở bến ông Lến.

2 bến đò chỉ cách nhau 100m

Theo một số người dân sống gần bến đò Trà Ếch ở ấp Mỹ Lợi, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, bến đò này phục vụ người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa qua sông Hậu từ bến đò Đường Đức thuộc huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh sang ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Hàng ngày có cả trăm lượt người và xe qua lại bến đò Trà Ếch - Đường Đức.

Theo tìm hiểu được biết, năm 2005, ông Ngô Văn Chót (ngụ tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) được chính quyền tỉnh Trà Vinh cấp phép mở bến đò Đường Đức.

Thời gian này ông Chót có hợp tác với ông Hứa Văn Lến (ngụ huyện Kế Sách, Sóc Trăng) để cùng khai thác đối lưu tại bến đò Trà Ếch (phía Sóc Trăng). Phần đất phía bến đò Trà Ếch là do hai ông, Hứa Văn Lến và Ngô Văn Chót thuê đất của ông Lê Văn Lương.

Việc kết hợp khai thác bến đò Trà Ếch – Đường Đức giữa ông Lến và ông Chót suôn sẻ được 5 năm thì đến năm 2010 hợp đồng thuê đất mở bến đò Trà Ếch hết hạn và được kéo dài thêm đến hết tháng 4/2011 thì cắt hợp đồng.

Sau khi hết hợp đồng, ông Lê Văn Lương (chủ đất) chỉ cho ông Ngô Văn Chót thuê phần đất này. Sau đó ông Chót nâng cấp bến, phương tiện đảm bảo qui định và được UBND huyện Kế Sách cấp phép hoạt động tiếp.

Về phía ông Hứa Văn Lến, sau khi không được ông Lê Văn Lương cho thuê đất dẫn tới việc hợp tác với ông Chót cũng ngưng. Ngày 26/2/2011, ông Hứa Văn Lến ký hợp đồng thuê đất của ông Lê Công Dũng, nằm sát với đất của ông Lê Văn Lương, thời hạn 10 năm để mở bến đò mới và cũng được UBND huyện Kế Sách cấp phép hoạt động.

Như vậy chỉ cách nhau có 100m nhưng UBND huyện Kế Sách lại cấp phép cho 2 bến (bến đò Trà Ếch của ông Chót và bến đò Trà Ếch của ông Lến) cùng hoạt động.

Do việc cấp phép cho hai bến nằm sát nhau, nên nhiều năm qua liên tiếp xảy ra các vụ xung đột quyền lợi khiến các cấp chính quyền nhiều lần giải quyết nhưng không xong.

Trao đổi với ông Đinh Chí Công, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, thời điểm cuối tháng 3-2017, cũng là lúc giải quyết mâu thuẫn tại bến đò Trà Ếch, ông Công cho biết.

Thời điểm đó, UBND tỉnh Sóc Trăng uỷ thác cho UBND huyện Kế Sách được phép cấp bến nhưng không hiểu thế nào mà UBND huyện lại cấp phép cho bến mới cách bến cũ khoảng 100m.

Cần xử lý dứt điểm

Được biết, sau khi thuê đất của ông Lê Công Dũng, ông Lến đã đầu tư kinh phí mở bến mới. Tưởng chừng hai bến đò hoạt động độc lập đều được cấp phép sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên, ngay sau khi được chính quyền cấp phép hoạt động, ông Lến lại gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi, cho rằng bến của ông Chót không đảm bảo an toàn (trong khi bến đò của ông Chót đã được chính quyền cấp phép trước và hoạt động bình thường) và yêu cầu cho ngưng bến đò của ông Chót.

Sau đó ngành giao thông tỉnh Sóc Trăng vào cuộc, khảo sát tình hình hoạt động của hai bến đò Trà Ếch. Đến ngày 20/6/2013, Sở GTVT, UBND huyện Kế Sách và các bên họp thống nhất đưa ra phương án sáp nhập bến đò của ông Chót vào bến đò ông Lến. UBND huyện Kế Sách không tiếp tục cấp phép hoạt động cho bến ông Chót nữa.

Ông Ngô Văn Chót cho biết: Bến đò của tôi có trước và hoạt động ổn định, an toàn. Chủ trương của chính quyền yêu cầu sát nhập thì tôi phải nghe thôi. Thế nhưng khi đồng ý sáp nhập thì ông Lến lại kê khai tài sản mà ông đã đầu tư vào bến với giá rất cao.

Tôi bị ép và không thể chấp nhận được. Mâu thuẫn nối tiếp mâu thuẫn, sau khi có chủ trương sáp nhập bến đò, ông Lê Công Dũng (chủ đất cho ông Lến thuê) phản đối và khởi kiện ra tòa.

Ngoài ra, con trai ông Lê Công Dũng là ông Lê Công Trung, còn bức xúc tố: Gia đình tôi chỉ cho ông Lến thuê 5 mét đất bề ngang (cặp sông) để ông làm điểm thu tiền bến, thời gian là 10 năm, mỗi năm có giá là 10 triệu đồng.

Thế nhưng ông Lến lại xây dựng lấn chiếm ra 12 mét và xây nhà kiên cố trên đất của gia đình. Không những vậy, đã nhiều năm mà ông Lến không trả tiền thuê đất. Giờ lại thêm chuyện sáp nhập bến đò và cho đò của ông Chót vào hoạt động, chúng tôi không chấp nhận.

Việc chính quyền địa phương yêu cầu 2 bến đò này sáp nhập vào nhau và việc tranh chấp giữa chủ đất là ông Dũng với ông Lến chưa được giải quyết đã dẫn đến mâu thuẫn kéo dài, thậm chí là xô xát.

Để thực hiện chủ trương sáp nhập một bến, từ năm 2016 đến nay, chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng đến “xóa bến” của ông Chót, trong khi gia đình ông Dũng lại ngăn cản quyết liệt. Việc ngăn cản của gia đình ông Dũng càng làm cho tình hình trật tự tại bến đò Trà Ếch phức tạp.

Việc mâu thuẫn kéo dài từ rất lâu, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương và việc đi lại của người dân nhưng chính quyền không đưa ra cách giải quyết hợp lý?

Quốc Trung